Đường dẫn truy cập

Australia đưa ra kêu gọi bằng video đến những người xin tị nạn


Thủ tướng Abbott nói với các phóng viên rằng “cách duy nhất có thể ngăn chặn những cái chết đó thực ra là ngăn chặn các tàu thuyền”.
Thủ tướng Abbott nói với các phóng viên rằng “cách duy nhất có thể ngăn chặn những cái chết đó thực ra là ngăn chặn các tàu thuyền”.

Bộ trưởng di trú Australia hôm nay đưa ra một lời thẳng thắn kêu gọi những người xin tị nạn đang bị giữ trên đảo Nauru ở Thái Bình Dương hãy chấp nhận một đề nghị tái định cư trong khi nhấn mạnh rằng họ đừng bao giờ nghĩ tới việc di cư đến Australia.

Trong thông điệp được thu video, ông Peter Dutton, Bộ trưởng Di trú Úc nói: “Tôi muốn khẳng định rất rõ ràng với tất các những người tị nạn và được chuyển đến Nauru rằng quý vị sẽ không bao giờ, trong bất kỳ tình huống nào, được định cư ở Australia. Đây sẽ không bao giờ là một chọn lựa mà chính phủ Úc dành cho quý vị.”

Campuchia đã đồng ý nhận hơn 1.000 người tị nạn để đối lấy điều được mô tả là một kế hoạch viện trợ 30 triệu đôla của Úc.

Thỏa thuận đã bị chỉ trích bở nhiều người làm việc về nhân quyền với lập luận rằng nó vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn.

Trong các nhận định được ghi hình gửi đến những người tị nạn, ông Dutton nói: “Chính phủ Campuchia đã khẳng định rõ với Australia rằng họ muốn thỏa thuận này thành công. Họ nhìn thấy giá trị lớn trong việc định cư người tị nạn và hoan nghênh kinh nghiệm và năng lực mà quý vị có thể đem lại cho quốc gia này.”

Campuchia đồng ý nhận hơn 1.000 người tỵ nạn để đối lấy điều được mô tả là một kế hoạch viện trợ 30 triệu đôla của Úc.
Campuchia đồng ý nhận hơn 1.000 người tỵ nạn để đối lấy điều được mô tả là một kế hoạch viện trợ 30 triệu đôla của Úc.

Bộ trưởng di trú Úc ca ngợi Campuchia là đem lại cho người tị nạn “vô số cơ hội,” và mô tả quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á này là tiến nhanh, sinh động và đa dạng.

Trên thực tế, người Khmer chiếm 90% dân số 15,5 triệu, trong khi một nửa trong 10% còn lại đang sống ở Campuchia là người gốc Việt Nam.

97% dân ở Campuchia theo đạo Phật.

Hơn 700 người xin tị nạn bị giữ ở Nauru xuất thân từ châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Gần 500 người đã được coi là người tị nạn thực thụ, hơn 80 người đã bị bác đơn xin, và 150 người khác còn đang được thẩm định.

Người ta trông đợi rằng những người tị nạn đầu tiên sẽ di chuyển đến Campuchia vào cuối năm ngoái, nhưng họ tỏ ra rất miễn cưỡng.

Một người tranh đấu cho người tị nạn hôm thứ Hai cho biết 5 người xin tị nạn, được mô tả là 3 người sắc tộc Tamil từ Sri Lanka, 1 người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar và 1 người Iran, đã đồng ý nằm trong số người đầu tiên chấp nhận đề nghị của Campuchia.

Căng thẳng đã tăng cao tại trại tạm giam do Australia điều hành, nơi từng xảy ra những vụ bạo loạn lẻ tẻ. Một đám cháy trong một cuộc biểu tình bạo động năm 2013 đã tiêu hủy tất cả những khu tạm cư, cơ sở y tế và văn phòng.

Trong lời kêu gọi được thu vào video, ông Dutton nêu ra sự kháng cự còn đang tiếp diễn và nói rằng “xin hãy đừng để cho thái độ của những kẻ gây rối này phá hoại cơ hội dành cho quý vị.”

Liên minh Hành động Người tị nạn, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Australia, nói những người tị nạn đang được đề nghị nhận khoản tiền tư 7.800 đến 11.700 đôla để đi Campuchia.

Gân 20 nhân viên y tế cũ và mới, các giáo viên, cán sự xã hội và nhân viên khác trong trung tâm tạm giữ đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi để cho tất cả những người xin tị nạn được phép đến Australia để bảo vệ họ trong tình hình bị ngược đãi tràn lan về thể chất và tính dục.

Trong những năm gần đây, các chính sách về tị nạn của Australia đã trở nên gay gắt một cách đáng kể. Nay Australia còn đang tìm cách gửi trả tàu thuyền về nơi xuất phát nếu chở những người không được phép vào nước hoặc gửi họ đến những trại tạm giam hẻo lánh trên đảo Nauru hay Papua New Guinea.

“Chặn các thuyền lại,” là khẩu hiệu trọng điểm trong cuộc vận động tranh cử thành công của Thủ tướng Tony Abbott năm 2013.

Các nhà hoạt động biểu tình cho quyền của người tị nạn tại trung tâm Sydney.
Các nhà hoạt động biểu tình cho quyền của người tị nạn tại trung tâm Sydney.

Nhưng lập trường của Australia đã bị đặt dưới sự xem xét lại trong mấy tuần vừa qua, bởi cả những người ủng hộ lẫn những người chống đối các chính sách cứng rắn về di trú bằng đường biển, sau khi số tử vong tăng vọt nơi những người tìm cách vượt Địa Trung Hải từ Châu Phi qua Châu Âu.

Tuy nhiên, dường như Australia không thay đổi quan điểm.

Tuần trước, các giới chức di trú Úc đã cho sơ tán và bác đơn xin tị nạn của 46 người Việt Nam đi trên một chiếc tàu của hải quân Úc trước khi bị gửi trả về Việt Nam, theo tin của Fairfax Media.

Phối hợp viên vận động cho người tị nạn của Hội Ân xá Quốc tế Graeme McGregor nói, “Các tin tức hết sức đáng lo ngại và tiêu biểu cho một sự vi phạm cơ bản của chính phủ Australia đối với quyền của người tị nạn.”

Về phần mình, Thủ tướng Abbott tin rằng các nước Châu Âu nên theo gương Australia.

Ông Abbott nói với các phóng viên hôm thứ ba rằng, “Chúng ta có hàng trăm, có thể là hàng ngàn người chết đuối trong khi tìm cách đi từ Châu Phi đến Châu Âu.” Ông nói thêm rằng, “cách duy nhất có thể ngăn chặn những cái chết đó thực ra là ngăn chặn các tàu thuyền.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG