Một kinh tế gia sống tại Mỹ đã giành giải Nobel kinh tế hôm 11/10 cho nghiên cứu mang tính tiên phong cho thấy việc tăng mức lương tối thiểu không khiến cho giới chủ tuyển người ít đi và dân nhập cư không khiến cho dân bản xứ bị giảm lương – những phát hiện thách thức quan niệm thông thường. Hai kinh tế gia khác cùng chia giải thưởng này nhờ họ đã tạo ra một cách để nghiên cứu vấn đề xã hội tương tự như thế này.
Ông David Card, sinh ra ở Canada, công tác tại Đại học California, Berkeley, đã được trao phân nửa giải thưởng cho nghiên cứu của ông về tác động của mức lương tối thiểu, nhập cư và giáo dục đối với thị trường lao động.
Nửa giải thưởng còn lại được chia sẻ giữa hai ông Joshua Angrist thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và Guido Imbens, sinh ra ở Hà Lan, thuộc Đại học Stanford cho việc tạo ra cơ chế nghiên cứu các vấn đề vốn không thể dựa vào các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết ba kinh tế gia này đã ‘định hình lại các nghiên cứu thực nghiệm trong khoa học kinh tế’.
Trong nghiên cứu được công bố vào năm 1994, ông Card đã xem xét chuyện gì xảy ra với việc làm tại Burger King, KFC, Wendy's và Roy Rogers khi New Jersey tăng mức lương tối thiểu từ 4,25 lên 5,05 đô la với các nhà hàng giáp phía đông bang Pennsylvania là nhóm kiểm soát hay nhóm so sánh. Trái với các nghiên cứu trước đây, ông và đối tác nghiên cứu Alan Krueger, vốn qua đời hồi năm 2019, phát hiện rằng tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến số lượng nhân công.
Nghiên cứu của ông Card về mức lương tối thiểu về cơ bản đã thay đổi quan điểm của các nhà kinh tế về các chính sách này. Theo ghi nhận của tạp chí Economist, vào năm 1992, khảo sát các thành viên của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ cho thấy 79% trong số họ đồng ý rằng luật lương tối thiểu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trong giới lao động trẻ và có trình độ thấp hơn. Quan điểm này chủ yếu dựa trên quan điểm kinh tế truyền thống về quy luật cung và cầu: nếu tăng giá một thứ gì đó thì sẽ bán được ít hơn.
Tuy nhiên, đến năm 2000, chỉ có 46% thành viên của AEA cho biết luật lương tối thiểu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, chủ yếu nhờ vào nghiên cứu của hai ông Card và Krueger. Những phát hiện của họ đã làm dấy lên sự quan tâm tìm hiểu sâu hơn về lý do tại sao mức lương tối thiểu cao hơn sẽ không làm giảm việc làm. Một kết luận là các công ty có thể chuyển chi phí tiền lương cao hơn về phía người tiêu dùng bằng cách tăng giá hàng hóa. Trong các trường hợp khác, nếu công ty thuê mướn nhiều lao động trong một ngành nghề cụ thể, công ty đó có thể giữ mức lương đặc biệt thấp, để họ có thể trả lương tối thiểu cao hơn mà không cần phải cắt giảm việc làm. Mức lương cao hơn cũng sẽ thu hút nhiều người xin việc hơn, củng cố nguồn cung lao động.
Ông Card cũng phát hiện rằng thu nhập của lao động bản địa có thể hưởng lợi từ dân nhập cư mới, trong khi dân nhập cư trước đó là những người có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực. Để nghiên cứu ảnh hưởng của nhập cư đối với việc làm, ông Card đã so sánh thị trường lao động ở Miami sau quyết định đột ngột của Cuba cho phép dân di cư vào năm 1980, khiến 125.000 người bỏ nước ra đi. Điều này khiến lực lượng lao động của Miami tăng 7%. Bằng cách so sánh cách tiền lương và việc làm biến chuyển như thế nào ở bốn thành phố, ông Card không phát hiện có tác động tiêu cực nào đối với cư dân Miami có học vấn thấp. Nghiên cứu sau đó cho thấy nhập cư gia tăng có thể tác động tích cực đến thu nhập cho người dân sở tại.
Hai ông Angrist và Imbens đã giành được một nửa giải thưởng nhờ tìm ra các vấn đề phương pháp luận cho phép các nhà kinh tế đưa ra kết luận vững chắc về quan hệ nhân quả ngay cả khi họ không thể thực hiện nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học nghiêm ngặt.
“Tôi hoàn toàn sửng sốt khi nhận điện thoại,” ông Imbens nói từ nhà riêng ở Massachusetts. “Và sau đó tôi hết sức hồi hộp khi nghe tin... Tôi sẽ chia sẻ giải thưởng này với Josh Angrist và David Card,” người mà ông gọi là ‘hai người bạn rất tốt của tôi’.
Giải Nobel kinh tế đi kèm với huy chương vàng và 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương hơn 1,14 triệu đô la).