Đường dẫn truy cập

Ba nhà máy điện hạt nhân TQ nằm ‘sát nách’ VN


Nhà máy điện hạt nhân Taishan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Nhà máy điện hạt nhân Taishan ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)

Thông tin ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nằm cách Việt Nam không xa, mới chính thức đi vào hoạt động, đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.

Theo Viện Năng lượng Nguyên tử, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa đi vào vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây), Trường Giang (Quảng Đông) và Sương Giang (đảo Hải Nam).

Nhà máy ở Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh, 50 km, và cách Hà Nội dưới 500 km, trong khi Sương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ hơn 100km.

Báo chí đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này với những hàng tít như “Không được chủ quan với nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc” hay “Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân đặt gần Việt Nam”.

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử hôm 11/10 nhận định với VOA Việt Ngữ về sự quan tâm của công chúng:

“Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, về nguyên tắc, họ cũng phải làm để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, nhưng mà mọi người vẫn cứ nghi ngại rằng là Trung Quốc thì chắc không thể an toàn bằng các thiết kế của các nước khác. Thiết bị của họ cũng không thể tốt bằng các nước khác. Cho nên, xác suất nó có thể xảy ra trục trặc, sự cố, rò rỉ phóng xạ ra ngoài là có. Nguy cơ cao hơn các nhà máy của các nước như Mỹ, Nga và Nhật”.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng số nhà máy điện hạt nhân lên 170 vào năm 2050, từ con số 35 hiện nay.

Trước lo ngại về khả năng xảy ra sự cố hạt nhân ở nước láng giềng, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ) cho hay, Việt Nam “có thể nắm được ngay thông tin khi bất kỳ vụ việc nào xảy ra”.

Ông cho VOA Việt Ngữ biết thêm:

“Việt Nam tham gia công ước thông báo sớm của IAEA từ năm 1987, và khi có bất kỳ sự cố bức xạ hạt nhân trên thế giới thì theo hệ thống đó, mình cũng được thông báo thông tin đấy. Ngay cả Việt Nam nếu mình có sự cố, mình cũng phải báo cáo qua hệ thống đấy”.

Trong khi đó, các chuyên gia về hạt nhân Việt Nam cho rằng cần lập các điểm quan trắc, cảnh báo phóng xạ, ở các tỉnh biên giới để kịp thời ứng phó trong trường hợp xấu.

Về việc này, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết rằng “chính phủ ký quyết định từ năm 2010” và “bây giờ chỉ chờ kinh phí để triển khai công việc”.

Ông Thành nói thêm rằng hiện Việt Nam “vẫn có thể đo được phóng xạ, nhưng chỉ đo trực tiếp, theo cách thủ công, chứ còn đo tự động thì chưa”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG