Ba tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights vừa gửi báo cáo chung lên Liên Hợp Quốc, viết rằng các nhà báo ở Việt Nam “đang phải đối mặt với các mối đe dọa và ngược đãi trên diện rộng, và thường xuyên bị câu lưu hoặc bị bỏ tù vì đưa tin và viết bình luận”.
Báo cáo của ba tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ nhằm chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát 2024 (UPR), đồng thời kêu gọi bảo vệ các nhà báo ở Việt Nam, nơi đang giam cầm ít nhất 21 ký giả.
Báo cáo chung này được công bố vào ngày 2/11, nhân Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo.
Nội dung báo cáo gửi đến LHQ nêu rõ “cách đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” của chính quyền Việt Nam đối với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, việc giam giữ tùy tiện và kéo dài trước khi xét xử, cũng như các biện pháp biệt giam trong 5 năm qua kể từ kỳ UPR lần trước vào năm 2019, theo thông cáo của Freedom House.
“Các nhà báo cũng thường xuyên bị bắt và bỏ tù trong thời gian dài do bị cáo buộc kích động hình sự và chống nhà nước liên quan đến công việc của họ”, thông cáo viết, nói thêm rằng các nhà báo bị giam giữ và những người ủng hộ nhân quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận đều bị từ chối quyền được xét xử công bằng. “Những điều kiện này đã gây ra tác động tiêu cực đến tự do báo chí và tự do ngôn luận”.
Tại Việt Nam, các nền tảng truyền thông xã hội phải tuân theo luật pháp địa phương yêu cầu xóa các nội dung được coi là trái với nhà nước, dẫn đến hàng nghìn bài đăng và video bị xóa mỗi năm. Nhiều nhà báo cho biết tài khoản mạng xã hội của họ bị hạn chế khi họ đăng bài trên mạng, theo Freedom House.
Báo cáo chung dài 63 trang nêu một số trường hợp cụ thể như vụ nhà báo Nguyễn Văn Hóa bị đánh đập và biệt giam, nhà văn Trần Đức Thạch bị án tù 12 năm, nhà báo Phạm Đoan Trang bị án tù 9 năm…
Ba tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng các biện pháp bạo lực, đánh đập, biệt giam trong thời gian dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, đồng thời đào tạo viên chức về nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế, và đưa những kẻ đàn áp nhà báo và người bảo vệ nhân quyền ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, nhóm này cũng khuyến nghị Việt Nam phóng thích các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, chấm dứt việc bắt cóc, bắt giữ tuỳ tiện và giam cầm những người thực thi quyền tự do biểu đạt.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị cho ý kiến về bản cáo cáo chung này, nhưng chưa được phản hồi.
Việt Nam là một trong những quốc gia bỏ tù các nhà báo tồi tệ nhất thế giới, với ít nhất 21 nhà báo thị giam cầm, tính đến ngày 1/12/2022, theo thống kê của CPJ.
Các tổ chức nhân quyền cũng điểm lại hàng loạt các khuyến nghị trong đợt UPR 2019 mà họ cho rằng phía Việt Nam “chưa thực hiện” hoặc chỉ “thực hiện một phần”.
Truyền thông Việt Nam cho biết Việt Nam chấp thuận 241 trong số 291 khuyến nghị UPR vào tháng 1/2019 và “đã triển khai thực hiện các khuyến nghị một cách đồng bộ, toàn diện”.
Dự kiến phiên UPR 2024 đối với Việt Nam sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5, 2024 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Diễn đàn