Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố ba tội danh và sẽ bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án ‘rút ruột’ ngân hàng mà bà bị buộc tội cùng đồng phạm biển thủ gần 12,5 tỷ USD từ ngân hàng do bà thao túng cho “mục đích cá nhân”.
Bà Lan, bị bắt giữ vào tháng 10 năm ngoái, bị truy tố cùng 85 bị can khác trong vụ án được xem là có số tiền lừa đảo và hối lộ lớn nhất từ trước tới nay. Báo Chính phủ hôm 17/12 cho biết bà Lan và những người bị truy tố sẽ bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân Tp.HCM nhưng không nêu rõ khi nào phiên tòa sẽ bắt đầu.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân được trang tin chính thức của chính phủ trích dẫn cho hay bà Lan bị truy tối về tội “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bà Lan, từng là một tiểu thương ở Chợ Lớn trước khi trở thành tỷ phú nắm giữ các bất động sản đắt giá nhất ở Tp.HCM, bị cáo buộc đã “chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng (gần 12,5 tỷ USD)”.
Vẫn theo cáo trạng, bà Lan thâu tóm và nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối (từ 85% đến 91,5%) của Ngân hàng SCB, do đó trở thành cổ đông có “quyền lực” để “thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình”.
Trong tổng số 85 người khác cùng bị đưa ra tòa tại Tp.HCM, có 11 người bị truy tố tội “tham ô tài sản” như bà Lan, một tội danh trong Bộ luật Hình sự Việt Nam (BLHS) có mức án tù lên đến tử hình. Theo Khoản 4 Điều 253 của BLHS, người phạm tội chiếm đoạt số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Báo Chính phủ nói những hoạt động được xem là phạm tội của bà Lan và đồng phạm “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn”. Cáo trạng cho biết bà Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Khi bị bắt vào tháng 10/2022, bà Lan bị cáo buộc tội “lừa đảo” vì đã gian dối trong việc phát hành trái phiếu nhằm chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ USD của 42.000 khách hàng gửi tiền tại SCB.
Vụ án này, theo cơ quan chức năng lúc đó, đã được tách ra để điều tra riêng. Nhà chức trách Việt Nam vào tháng trước khởi tố thêm 72 bị can trong hai vụ án mới liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát và không rõ bà Lan có nằm trong số những người bị khởi tố trong các vụ án mới này không.
Tổng giá trị tài sản mà bà Lan bị cáo buộc đã chiếm đoạt được xem là tương đương với khoảng 3% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2022.
Trong số 85 người bị truy tố cùng bà Lan cho vụ án sắp đưa ra xét xử ở Tp.HCM, có cựu Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đỗ Thị Nhàn, người bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Văn Yên được báo Chính phủ trích lời cho biết đây là số tiền hối lộ lớn nhất từ trước tới nay.
Bà Nhàn đối mặt với khung hình phạt tử hình khi bị truy tố tội danh nhận hối lộ.
Đại án Vạn Thịnh Phát nằm trong số những vụ án lớn mà chính phủ do Đảng Cộng sản cầm quyền theo đuổi trong công cuộc truy quét tham nhũng mạnh mẽ diễn ra trong những năm gần đây.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người phát động chiến dịch “đốt lò”, vào tháng trước ca ngợi công tác phòng chống tham nhũng nhưng cũng yêu cầu các cơ quan phải “hợp đồng tác chiến” nhanh và hiệu quả hơn. Hơn 3.500 người đã bị truy tố trong hơn 1.300 vụ án hối lộ kể từ năm 2021.
Cuối tháng trước, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh cùng hai con gái bị đề nghị truy tố với cáo buộc chiếm đoạt gần 770 tỷ đồng thông qua hành vi lạm dụng tín nhiệm cho vay nặng lãi.
Cũng tháng trước, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu được cho là trái quy định pháp luật Việt Nam.
Diễn đàn