Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Hội đồng thẩm phán xét xử trái pháp luật khi chỉ dựa trên chứng cứ gián tiếp
Bản chất của tố tụng hình sự là xác định có hay không có tội phạm, xác định kẻ phạm tội trong trường hợp có tội phạm. Việc xác định phải dựa trên chứng cứ. Không có chứng cứ hoặc chứng cứ không đủ thì không thể xác định có tội phạm và kẻ phạm tội. Lẽ dĩ nhiên, để được coi là chứng cứ thì phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Chứng cứ trong một vụ án hình sự gồm chứng cứ trực tiếp (phương tiện gây án, tài sản bị cướp, hình ảnh, giọng nói của kẻ đang thực hiện hành vi phạm tội, dấu vết sinh học (dấu vân tay, vết máu…) và chứng cứ gián tiếp (lời khai). Chứng cứ trực tiếp là cái phản ánh khách quan nhất tội phạm và kẻ phạm tội vì không bị điều chỉnh, tác động bởi ý chí chủ quan cũng như tâm, sinh lý của con người. Do đó, chứng cứ trực tiếp có tính chất quyết định trong việc giải quyết vụ án hình sự. Nói cách khác, không có chứng cứ trực tiếp thì không thể xác định được ai là kẻ phạm tội. Thực tế cho thấy không có lời khai của bị can, bị cáo, nhất là trong điều kiện bị can, bị cáo thực hiện “quyền im lặng” được quy định gián tiếp trong Bộ luật hình sự 2015 (1), các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể xác định được kẻ phạm tội dựa trên các chứng cứ trực tiếp.
Khoản 1 Điều 66 (Đánh giá chứng cứ) Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Khoản 1 Điều 108 (Kiểm tra, đánh giá chứng cứ) Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định: “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Như vậy, chừng nào chứng cứ trực tiếp của vụ án chưa được thu thập hoặc được thu thập nhưng không có hoặc không còn giá trị chứng minh tội phạm và kẻ phạm tội thì chứng cứ không thể được coi là “bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”.
Quyết định giám đốc thẩm ghi: “Trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra có một số vi phạm, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, giám định pháp y và nhận dạng như: Không thu giữ các vật chứng gây án khi khám nghiệm hiện trường (con dao, chiếc thớt, chiếc ghế inox… không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để hơn 04 tháng sau mới trưng cầu giám định dẫn đến máu bị phân hủy, không giám định được; không ra quyết định trưng cầu để xác định thời điểm chết của nạn nhân...”.
Vẫn Quyết định này ghi: “Bản kết luận giám định số 158/KL-P21 ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải (Bl 53) (2).
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, điều tra viên Lê Thành Trung lí giải: “Việc không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải là trùng khớp với lời khai của Hải vì có việc sau khi gây án, Hải đã đi rửa tay nên không để lại dấu vân tay”?! (3). Đây chắc chắn là lời giải thích điên rồ - nực cười nhất thế giới không phải chỉ kim mà còn cổ, đáng được ghi vào Guinness, với hai lý do. Thứ nhất, dấu vân tay là dấu ngón tay lưu trên hiện trường, chẳng liên quan gì đến việc hung thủ rửa hay không rửa tay sau khi gây án. Thứ hai, dấu vân tay chỉ có thể rõ hơn sau khi tay được rửa, trừ phi được rửa bằng axit! (Không tin, các cơ quan tiến hành tố tụng đã buộc và kết tội Hồ Duy Hải thực nghiệm xem!)
Tóm lại, Cơ quan điều tra không có trong tay bất cứ chứng cứ nào trực tiếp liên quan đến án mạng và Hồ Duy Hải: vật chứng được cho là hung khí thì không thu hồi, vết máu thì không giám định được do bị phân hủy, dấu vân tay thì không phải của Hải. Nói cách khác, Cơ quan điều tra chỉ có các chứng cứ gián tiếp mà ở đây là lời khai của Hồ Duy Hải và những nhân chứng gián tiếp. Đó là chưa nói có dấu hiệu Hồ Duy Hải bị bức cung và lời khai của những người khác bị làm sai lệch nhằm buộc tội Hồ Duy Hải. Do đó, căn cứ Khoản 1 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Khoản 1 Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm Hội đồng thẩm phán TANDTC, không có đủ chứng cứ để chứng minh Hồ Duy Hải là người đã giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi.
Hội đồng thẩm phán biến lời khai không phải của nhân chứng thành chứng cứ
Quyết định giám đốc thẩm viết: “Về địa điểm bán vàng: theo lời khai của Hải và sơ đồ do Hải vẽ thì Hải bán vàng tại quầy số 2 Cửa hàng bán vàng bạc số 50 An Dương Vương, Phường 9, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Xác minh tại Cửa hàng số 50 An Dương Vương thì chị Nguyễn Kim Chi là nhân viên cửa hàng khai: quầy hàng của tôi đứng thuộc cửa số 2… tôi đứng ở tủ hàng phía bên trái tính theo hướng từ ngoài đường An Dương Vương nhìn vào cửa hàng… (Bl 169); bà Đặng Thị Liên là chủ cửa hàng khai: nếu vàng của cửa hàng mua vào thì không có hóa đơn, còn vàng không phải cửa hàng thì khi mua vào sẽ có hóa đơn tính tiền cho khách hàng (Bl 171); lời khai của Hải phù hợp với lời khai của người làm chứng về địa điểm bán vàng và việc sau khi đồng ý bán vàng, Hải nhận tiền, giấy biên nhận. Về địa điểm bán điện thoại: tại biên bản lấy lời khai ngày 15/7/2008, chị Nguyễn Thị Huệ là chủ cửa hàng mua bán điện thoại di động tại số 124 Hùng Vương, Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh khai: thời điểm tháng 1/2008 có mua điện thoại loại Nokia 1100 với giá 200.000 đồng (Bl 178), phù hợp với lời khai của Hải về địa điểm bán, giá bán loại điện thoại này, lời khai ông Đinh Phú Hùng về việc Bưu điện Cầu Voi bị mất điện thoại Nokia 1100 (Bl 223-224) và phù hợp với kết quả xác minh ngày 15/7/2008 của Công an Phường 2, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh (Bl 174)”.
Để xem kết luận trên của Quyết định giám đốc thẩm có đúng pháp luật hay không, tôi dẫn ra đây một số quy định pháp luật có liên quan.
Khoản 1 Điều 55 (Người làm chứng) Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”. Điểm b Khoản 4 Bộ luật này quy định: Người làm chứng có nghĩa vụ: “Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án”.
Khoản 1 Điều 91 (Lời khai của người làm chứng) Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra”. Như vậy, chỉ khi nào những chủ nhân và nhân viên các cửa hàng vàng và điện thoại di động nêu trên “biết được những tình tiết liên quan đến vụ án” hay “biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án”, cụ thể là xác nhận họ đã mua từ Hồ Duy Hải những tài sản mà Cơ quan điều tra cho là Hải đã cướp của nạn nhân Hồng, và quan trọng hơn, chỉ ra được những tài sản ấy ở đâu thì những người này mới được coi là nhân chứng. Lúc đó lời khai của họ mới được coi là chứng cứ.
Khoản 2 Điều 72 (Lời khai của bị can, bị cáo) Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Khoản 2 Điều 98 Bộ luật tố tụng 2015 cũng có nội dung tương tự khi quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể buộc và kết tội Hồ Duy Hải với điều kiện “lời nhận tội” của Hải phù hợp với các “chứng cứ khác”.
Thế nhưng, như Quyết định giám đốc thẩm đã cho thấy, những chủ nhân và nhân viên các cửa hàng vàng và điện thoại di động không hề xác nhận Hồ Duy Hải là người đã bán cho họ những tài sản mà Cơ quan điều tra cho là Hải đã cướp của nạn nhân Hồng. Vả lại, Cơ quan điều tra đã không thu giữ được bất cứ tài sản nào của nạn nhân Hồng tại các cửa hàng này. Do đó, những người kinh doanh này không phải là nhân chứng của vụ án, đồng nghĩa lời khai của họ không phải là chứng cứ. Bởi lẽ này “lời nhận tội” của Hồ Duy Hải dứt khoát không phải là “chứng cứ” buộc tội anh này vì làm gì có “chứng cứ khác” để mà “phù hợp”!
Hội đồng thẩm phán xuyên tạc lời khai của nhân chứng Hồ Văn Bình
Quyết định giám đốc thẩm viết: “Theo lời khai của anh Hồ Văn Bình thì anh đến Bưu điện Cầu Voi gửi xe “lúc đó đã hơn 19 giờ”, thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng, khoảng ngoài 19 giờ 30 phút, anh Bình đến lấy xe vẫn thấy chị Hồng và người thanh niên đó ngồi nói chuyện (Bl 256). Anh Đinh Vũ Thường khai, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại “lúc đó khoảng 20 giờ trở lại”, nhìn thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện (Bl 250); kết quả kiểm tra list điện thoại Bưu điện Cầu Voi cho thấy anh Thường thực hiện cuộc gọi điện thoại vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây…Do đó, nếu tính thời gian từ lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải nhận được điện thoại của anh Võ Lộc Đang (Hải khai nói chuyện với anh Đang khoảng 30 giây – Bl 94) với thời gian làm thủ tục cầm đồ (Hải khai làm thủ tục cầm đồ khoảng 05 phút – Bl 94, Bl 95B) và thời gian từ hiệu cầm đồ qua các cung đường như Hải mô tả hết 15 phút thì thời gian Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây. Điều này phù hợp với lời khai của Hải khai, khi đến bưu điện khoảng trên 19 giờ 30 phút (Bl 97) và phù hợp với lời khai của anh Bình và anh Thường là nhìn thấy 01 thanh niên ngồi trên ghế salon ở Bưu điện Cầu Voi… Vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 30 phút là có cơ sở. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây là không có căn cứ.”.
Như vậy, việc Hội đồng thẩm phán một mặt xác định Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi vào “khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây” và mặt khác, cho rằng điều này “phù hợp với lời khai của anh Bình” (thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng lúc “hơn 19 giờ”) chỉ có thể là một sự xuyên tạc trắng trợn lời khai của nhân chứng Hồ Văn Bình.Hành vi làm sai lệch chứng cứ này của Hội đồng thẩm phán là gì, nếu không phải là khép tội Hồ Duy Hải cho bằng được!
(Còn tiếp)
Chú Thích:
- Theo Điểm d khoản 2 Điều 60 và Điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị can, bị cáo “có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Đây là lần đầu tiên “quyền im lặng” của bị can, bị cáo được pháp luật Việt Nam ghi nhận cho dù gián tiếp. Trong quá trình Quốc Hội Việt Nam dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự này, ngày 28/06/2015, VOA Tiếng Việt đăng bài viết của tôi, “Chống lại quy định quyền im lặng trong tố tụng hình sự VN là tội ác”.
- Tòa án nhân dân tối cao công bố bản Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Tạp chí Tòa án nhân dân – Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 13/05/2020
- Điều tra viên “lúng túng” trả lời những mâu thuẫn về dấu vân tay tại hiện trường vụ án, Bảo vệ pháp luật – Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cáo, 07/05/2020.
Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.