Đường dẫn truy cập

Ban quản lý Khu Công nghiệp Nam Định phủ nhận vụ cưỡng chế đất


Công an đối đầu với nông dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, 9/5/2012
Công an đối đầu với nông dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, 9/5/2012

Hàng trăm công an dùng võ lực đàn áp thô bạo hàng trăm nông dân huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, để tiến hành cưỡng chế thu đất cho dự án Khu Công Nghiệp Bảo Minh, theo tin từ những nông dân trong cuộc và những người chứng kiến được phản ánh qua các đoạn video phổ biến trên mạng ghi hình diễn tiến vụ việc sáng ngày 9/5. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi của Ban Việt Ngữ đài VOA tối cùng ngày, Trưởng Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp tỉnh Nam Định, Nguyễn Xuân Tuyển, phủ nhận tin này và khẳng định chính quyền địa phương đã có những biện pháp đúng luật để xử lý các tranh chấp đất đai tại đây.

VOA: Chúng tôi gọi từ đài VOA, xin được hỏi thăm về dự án Khu công nghiệp Bảo Minh đang gặp căng thẳng với bà con ở đó. Nông dân nói số tiền đền bù không thỏa đáng. Quan điểm của giới hữu trách như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Tất cả các chế độ giải quyết cho nhân dân ở khu vực của dự án đó, tỉnh đã đều áp dụng và có vận dụng mức cao nhất tại cùng thời điểm.

VOA: Thưa bà con phản ánh là giá đó quá thấp và không đúng với giá thị trường hiện nay. Ý kiến Ban Quản lý như thế nào ạ?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Ban Quản lý các Khu công nghiệp chúng tôi cũng đã xem xét toàn bộ giá mà Hội đồng đền bù địa phương áp dụng. Tôi thấy tại thời điểm đó là rất phù hợp và có nhiều điểm có lợi cho bà con nông dân. Ví dụ như tiền giải quyết đất dịch vụ, một m2 đất dịch vụ giá là 240 ngàn mà thực sự nhà đầu tư chỉ phải nộp là 205.000 thôi, mà hiện nay đất của giá dịch vụ tại thị trường hỏi bán cỡ 7 tới 10 triệu một m2. Tôi cho rằng đây là ưu ái rất lớn theo nghị định 69 của Luật đất đai.

VOA: Nhưng những người nông dân mất đất nói rằng giá đưa ra từ năm 2008 tới thời điểm này không còn phù hợp nữa vì nó quá thấp.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Đúng rồi. Tại thời điểm này tỉnh áp dụng giá khác, nhưng tại thời điểm đó thì giá đó là giá cao nhất trong khu vực, tại cùng thời điểm. Tính chung các khu vực trong tỉnh thì đấy cũng là giá cao nhất.

VOA: Thế nhưng bức xúc của nông dân hiện nay thì phía Ban Quản lý giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh phân cấp cho Hội đồng đền bù của huyện trực tiếp giải quyết. Đối với bức xúc của một số bà con, hiện nay phải nói rằng 100% cơ bản là bà con đã nhận và đã bàn giao đất cho Khu công nghiệp hết rồi. Chỉ còn một số ít bà con thì tỉnh vẫn đang tập trung kiên quyết thuyết phục, tuyên truyền, vận động. Đặc biệt về đất dịch vụ thì giao cho bà con.

VOA: Sáng 9/5 đã xảy ra vụ xô xát giữa chính quyền với bà con nông dân ở đó liên quan đến việc cưỡng chế…

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Không không, tỉnh không…Sáng nay (9/5) tỉnh có tổ chức cưỡng chế hay bảo vệ thi công gì đâu, mà sáng nay là tổ chức việc giao đất dịch vụ cho bà con thôi mà. Có thể nói ở một xã hầu như gần 100% bà con đã nhận hết rồi.

VOA: Thế nhưng sáng nay có xảy ra xô xát, có một số người bị bắt và một số người bị thương.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Tất nhiên trong quá trình làm việc có một số phần tử quá khích gây khó khăn thì lực lượng an ninh giải quyết theo luật định và theo chức năng nghiệp vụ của người ta.

VOA: Nông dân nói nhà nước cưỡng chế đất, ra giá đền bù không phù hợp, rồi dùng võ lực đàn áp họ. Phía Ban Quản lý thấy thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Không không. Cái đó không…Các chị cũng đừng nghe một phía.

VOA: Vâng, đó là lý do chúng tôi liên lạc hỏi thăm ông.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Các đồng chí điện thoại phỏng vấn trực tiếp vậy thì tôi cũng trả lời như thế đã nhé. Với tinh thần của Khu công nghiệp, tôi trả lời các đồng chí như thế nhé.

VOA: Sắp tới Ban Quản lý có hướng giải quyết vụ việc thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Hiện nay thì công tác giải phóng đền bù cơ bản đã xong rồi. Hiện nay chỉ có tập trung giải quyết giao đất dịch vụ cho bà con thôi. Mai chúng tôi tiếp tục giao đất tiếp. Đất dịch vụ chúng tôi san lấp. Huyện giải phóng, san lấp, chia từng ô một. Tiếp tục ngày mai cho rút thăm và giao tiếp cho bà con một xã nữa. Liên tục chúng tôi sẽ làm trong 3 ngày. Bây giờ không phải là công tác đền bù nữa, không phải công tác cưỡng chế hay bảo vệ thi công nữa, mà chính công tác đang tập trung mấy hôm nay là giao đất cho bà con để bà con làm đất dịch vụ theo nghị định 69.

VOA
: Với sự tranh chấp, xô xát, và phản đối đã xảy ra, phía Ban Quản lý có nghĩ tới giải pháp thương lượng, hòa giải thế nào chăng?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Tiếp tục tuyên truyền thuyết phục thôi ạ. Các cơ quan, Mặt trận, các đoàn thể của địa phương tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục để một số bà con chưa hiểu hết những chính sách đền bù đất đai của nhà nước thì bà con hiểu. Công tác giải phóng mặt bằng bây giờ tập trung giải quyết cho bà con nghe ra, nhận ra rằng việc nhận đất dịch vụ có lợi. Tới tối nay có nhiều hộ dân đã nhận rồi, cơ bản, chị nhé.

VOA: Nông dân nói nếu đất thu để làm công trình công ích thì họ không phản đối, nhưng vì giao cho một công ty cổ phần đầu tư, nên giá đền bù chưa thỏa đáng thì phải có sự thương lượng giữa đôi bên.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Theo luật đất đai và theo nghị định không có chuyện đó. Cái này đối với Khu công nghiệp, quy định trong luật đất đai đã nêu rõ. Đây không phải là một dự án con mà nhà đầu tư phải thương lượng trực tiếp.

VOA: Những người phản đối họ đã khiếu kiện lâu nay, hướng giải quyết của Ban Quản lý ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Khiếu kiện thì đã giải quyết trình tự khiếu kiện theo đúng luật định qua các cơ quan.

VOA: Thế nhưng họ cho rằng việc giải quyết đó chưa thỏa đáng và họ tiếp tục khiếu kiện, thì giới hữu trách có hướng nào…

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Đã có quyết định trả lời rồi. Có quyết định cuối cùng về trả lời khiếu kiện rồi.

VOA: Tinh thần của quyết định cuối cùng đó thế nào, thưa ông? Không có sự hòa giải, thương lượng thêm?

Ông Nguyễn Xuân Tuyển: Tất cả những khiếu kiện, thanh tra đã giải quyết hết rồi chị nhé. Cảm ơn chị nhé. Tôi cung cấp như thế đã nhé. Có gì các đồng chí tìm hiểu thêm nhé.

Vừa rồi là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp tỉnh Nam Định, liên quan đến vụ cưỡng chế đất ở huyện Vụ Bản (Nam Định) cho dự án Khu Công Nghiệp Bảo Minh do Công ty cổ phần Vinatex làm chủ đầu tư.

Hàng trăm nông dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, từ ngày 6/5 dựng lều ở lại trên đồng quyết giữ đất sau thời gian khiếu kiện giá đền bù không thỏa đáng từ địa phương lên tới trung ương không được giải quyết hợp lý. Cuộc tập họp này bị lực lượng an ninh dùng võ lực trấn dẹp sáng sớm ngày 9/5, với 5 người bị bắt, một số người bị thương, và một cụ già 70 tuổi phải nhập viện.

VOA Express

XS
SM
MD
LG