Một phân tích được Dự án 88 công bố hôm 18/2 cho biết quy định mới của chính phủ Việt Nam về mạng xã hội trao cho chính quyền nhiều quyền hơn để ngăn chặn bất đồng chính kiến và kiểm soát thông tin cùng với các công cụ để dễ dàng hơn trong việc theo dõi và bịt miệng những người chỉ trích.
Nghị định 147, được chính quyền Việt Nam ban hành vào tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực ngày 25/12, yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội nước ngoài xác minh tài khoản của người dùng và cung cấp danh tính của họ cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Nghị định này thắt chặt các quy định đối với các công ty mạng xã hội như Facebook, X, YouTube và TikTok nhằm mục đích kìm hãm thêm nữa sự chỉ trích, theo Ben Swanton, một trong những tác giả của báo cáo của Dự án 88, một nhóm có trụ sở ở Mỹ chuyên về các vấn đề nhân quyền và quyền tự do ngôn luận của Việt Nam, cho biết.
“Bất kỳ thách thức nào đối với chính phủ và Đảng Cộng sản [Việt Nam], bất kỳ thách thức đáng kể nào đối với quan điểm của họ về các sự kiện, đều được họ coi là tình hình đang mất kiểm soát,” ông Swanton nói với AP trong một cuộc phỏng vấn từ Thái Lan.
Trong số những quy định mới, Nghị định 147 yêu cầu người dùng xác minh tài khoản của họ bằng số điện thoại hoặc thẻ căn cước công dân. Các công ty mạng xã hội phải cung cấp những thông tin này cho chính phủ khi được yêu cầu và phải lưu trữ dữ liệu của họ tại Việt Nam.
Nghị định này cũng ngăn chặn người dùng mạng xã hội tham gia vào báo chí công dân hoặc đăng thông tin bị nghi ngờ về hành vi sai trái của chính phủ và yêu cầu các công ty xóa các bài đăng bị coi là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ. Nghị định mới yêu cầu các công ty cho phép chính quyền truy cập vào công cụ tìm kiếm nội bộ của họ để có thể xác minh nội dung vi phạm.
“Trong vài năm qua, Hà Nội đã bỏ tù hoặc buộc lưu vong những nhà báo độc lập, những nhà cải cách, những nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất trong nước. Điều này đã gây ra tác động đáng sợ, khuyến khích mọi người tham gia vào quá trình tự kiểm duyệt,” ông Swanton nói trong phân tích của Dự án 88 về Nghị định 147.
Theo ông Swanton, bằng cách ngăn chặn mọi người sử dụng phương tiện quyền thông xã hội ẩn danh và cử những công dân bình thường làm cảnh sát mạng, Nghị định 147 tìm cách “biến tác động đáng sợ này thành một sự kìm kẹp lạnh lùng đối với các bài phát biểu chính trị.”
Phân tích của Dự án 88 nói rằng Nghị định 147 hạn chế ảnh hưởng của nội dung lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài và đảm bảo rằng mọi người không thể sử dụng mạng xã hội một cách ẩn danh, ngăn người dùng mạng xã hội tham gia vào hoạt động báo chí công dân cũng như tăng trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong việc giám sát người dùng.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước báo cáo của Dự án 88.
Việt Nam từ lâu đã duy trì các hạn chế chặt chẽ đối với quyền tự do ngôn luận, nhưng theo Dự án 88, Nghị định 147 là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Hà Nội nhằm kiểm soát internet và đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ Nghị định 147 vì cho rằng nó siết chặt quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận ở quốc gia Đông Nam Á. Theo sau đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam thu hồi và sửa đổi nghị định mới mà tổ chức nhân quyền này cảnh báo rằng sẽ “đe dọa quyền tự do ngôn luận và khuyến khích việc tự kiểm duyệt."
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cho rằng văn bản pháp luật này được ban hành nhằm “đảm bảo “an ninh quốc gia.”
Các công ty mạng xã hội có thời hạn đến cuối tháng 3 để tuân thủ và vẫn chưa rõ liệu họ có tìm các phản kháng hay không. TikTok và Facebook từ chối bình luận về kế hoạch của họ trong khi X và Goolge, công ty sở hữu YouTube, không trả lời email của AP.
Tuy nhiên, theo ông Swanton, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự suy giảm các bài đăng chính trị.
Khoảng 65 triệu người Việt Nam có tài khoản Facebook, chiếm khoảng 2/3 dân số, và khoảng 35 triệu người có tài khoản YouTube. Khoảng một nửa số người dân Việt Nam cho biết họ xem tin tức hầu hết từ mạng xã hội.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên yêu cầu chặn các bài đăng chỉ trích từ nước ngoài để không thể truy cập được theo khu vực địa lý và đã nhanh chóng kiểm duyệt các bài đăng mà họ cho là không thể chấp nhận được, chẳng hạn như video về ông Tô Lâm, khi là bộ trưởng Công an, ăn bò dát vàng tại một nhà hàng ở London vào năm 2021 khi Việt Nam đang thực hiện lệnh phong tỏa giữa đại dịch COVID-19.
Trong số những người mới nhất bị chính quyền Việt Nam trừng phạt vì những đăng tải trên mạng xã hội bị coi là bất đồng với đảng và nhà nước có nhà báo độc lập Trương Huy San. Nhà báo có tên Huy Đức bị truy tố hôm 12/2 về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, vốn đã bị giới hoạt động và các tổ chức quốc tế chỉ trích là công cụ của chính quyền dùng để đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Trước đó vào tháng 10/2024, blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù vì các bài viết và video vạch trần tình trạng tham nhũng của các quan chức chính phủ. Tháng trước, luật sư Trần Đình Triển bị chính quyền tuyên án 3 năm tù vì các bài viết của ông trên Facebook chỉ trích các quan chức tòa án tối cao.
Các nhà phân tích của Dự án 88 cho biết Nghị định 147 cũng sẽ cung cấp cho chính quyền các công cụ tốt hơn để truy tố những người chỉ đọc hoặc xem các bài đăng trên mạng xã hội.
Họ ghi nhận một trường hợp vào tháng 6 năm ngoái, trong đó công an ở một tỉnh đã truy cập được vào tài khoản của 13.328 thành viên của một nhóm Facebook có các đăng tải được coi là “thù địch với nhà nước” và xác định được 20 người tại tỉnh đó rồi đến nhà của họ và yêu cầu họ rời khỏi nhóm.
“Nếu được thực hiện theo đúng mục đích, Nghị định 147 có thể sẽ rút ngắn thời gian xác định thành viên của các nhóm như thế này và đảm bảo rằng các nhóm có đăng tải chống phá nhà nước sẽ bị chặn trong nước,” báo cáo của Dự án 88 cho biết.
Báo cáo kêu gọi các công ty truyền thông xã hội và những bên bị ảnh hưởng từ chối tuân thủ các điều khoản của nghị định vi phạm quyền tự do ngôn luận và kêu gọi Hoa Kỳ cùng Liên Hợp Quốc gây sức ép buộc Việt Nam bãi bỏ quy định này.
Diễn đàn