Đường dẫn truy cập

Luật sư: Đường Văn Thái bị tuyên 12 năm tù trong phiên tòa xử kín


Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.
Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.

Blogger Đường Văn Thái, người được cho là bị Việt Nam bắt cóc đưa về khi đang tị nạn ở Thái Lan, bị tuyên bản án 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” trong một phiên tòa được xử kín tại Hà Nội hôm 30/10, theo một luật sư bào chữa cho biết.

Vị luật sư này nói với VOA trong điều kiện ẩn danh vì không được phép thông tin về phiên tòa xử kín rằng ông Thái bị truy cứu theo khoản 2 điều 117 của Bộ luật Hình sự, tức “làm, tàng trữ, phán tán hoặc tuyên truyền thông tin nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam," vốn thường được chính quyền của Đảng Cộng sản sử dụng để tuyên án tù cho những người bất đồng chính kiến hay chỉ trích chính phủ.

“Điều 117 có 2 cấu thành, gồm cấu thành cơ bản là từ 5 năm đến 12 năm và Thái bị khoản 2 là cấu thành tăng nặng, từ 10 đến 20 năm. Tòa tuyên là 12 năm và 3 năm quản chế,” luật sư này nói và cho biết ông Thái bị xét xử cùng 7 bị cáo khác trong vụ án mà blogger này được cho là “người cầm đầu”.

Chính quyền Việt Nam cho biết họ bắt giữ ông Thái vào ngày 14/4/2023 vì tội “nhập cảnh trái phép” trong khi các tổ chức phi chính phủ và truyền thông độc lập đưa tin rằng YouTuber bất đồng chính kiến này bị chính quyền Việt Nam ở Thái Lan bắt cóc rồi cưỡng bức đưa về nước.

Khi được VOA hỏi vì sao ông Thái lại bị xét xử kín trong trong phiên tòa hôm 30/10, vị luật sư dấu tên cho biết vì vụ án “liên quan đến một số vấn đề nội bộ của một số cán bộ cấp cao”.

Ông Thái là một cựu nhà báo ở Việt Nam và từng tham gia vận hành trang Facebook chia sẻ thông tin về nhà cửa dinh thự của quan chức chính quyền có tên “Lều của đầy tớ”. Blogger này đã trốn sang Thái Lan vào năm 2018 và được cấp quy chế tị nạn tại đây. Ngay trước thời điểm ‘mất tích’, ông được phỏng vấn và cho phép sang một nước thứ 3 để tị nạn theo chương trình của LHQ.

“Bản án 12 năm tù vô lý và không thể chấp nhận được của tòa án ‘Chuột túi’ (Kangaroo court) tuyên cho Đường Văn Thái cho thấy chính phủ Việt Nam muốn trừng phạt ông ta nặng đến mức nào vì bất cứ điều gì ông đã làm để xúc phạm họ,” Phil Robertson, giám đốc của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Quyền lao động châu Á (AHRLA) nói với VOA sau phiên tòa hôm 30/10.

“Tòa án Việt Nam làm chính xác những gì họ được Đảng Cộng sản và chính quyền yêu cầu làm, nên không có nghi ngờ gì rằng họ muốn giam giữ ông ấy trong một thời gian dài,” ông Robertson, người từng làm cho ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch tại Bangkok, nói qua email.

Trước phiên xét xử một ngày, tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Thái và cho rằng “bằng cách tổ chức phiên tòa xét xử kín và cấm gia đình vào, Việt Nam phủ nhận quyền cơ bản của ông Thái đối với một quy trình pháp lý công bằng và minh bạch.”

Tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở New York nói trong tuyên bố trên X rằng “công việc vạch trần tham nhũng của ông Thái không phải là phạm tội – mà là một hành động thực thi quyền tự do ngôn luận quan trọng, cần thiết cho nền quản trị có trách nhiệm.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bộ này thường xuyên nói rằng chỉ có những người phạm tội mới bị kết án tại Việt Nam. Truyền thông do nhà nước quản lý cho biết ông Thái đã tham gia các tổ chức hội nhóm bất hợp pháp như “Hội nhà báo độc lập” hay “Hội anh em dân chủ” và tiến hành nhiều hoạt động chống nhà nước.”

PEN American cũng đã bày tỏ lo ngại về việt ông Thái “bị bắt cóc và cưỡng bức trở về Việt Nam”.

“Điều này gợi lại những vụ cưỡng bức trở về trước đây của các nhà hoạt động và làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về sự đàn áp xuyên quốc gia,” tổ chức của Mỹ nói trong tuyên bố hôm 29/10.

Ông Thái được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến trong Báo cáo nhân quyền 2023 như một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Việt Nam để chứng minh về việc không có tiến bộ về nhân quyền tại quốc gia Đông Nam Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lúc đó nói rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ “tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.” Bà Hằng cho biết Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán từ trước đến nay là “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”

Sau vụ ‘bắt cóc’ ông Thái, 22 tổ chức quốc tế đã kêu gọi Cao ủy LHQ về người tị nạn để lên tiến bảo vệ cho người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn nói chung tại Thái Lan khỏi bị cưỡng bức đưa trở lại quê nhà.

Ông Thái là trường hợp người tị nạn thứ 2 được biết tới có sự tham gia của các đặc vụ Việt Nam trong quá trình bắt cóc và đưa về nước để xử phạt vì những thông tin mà họ đưa ra. Trước đó, nhà báo Trương Duy Nhất cũng đột ngột mất tích khi đang xin tị nạn ở Thái Lan và sau đó bị kết án 10 năm tù ở Việt Nam.

Ông Robertson kêu gọi “Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng phản đối sự đàn áp vô luật pháp của chính phủ Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài bằng cách điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho sự đàn áp xuyên quốc gia như vậy.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG