Các báo cáo viên Liên Hợp Quốc vừa công bố một giác thư gửi chính quyền Việt Nam yêu cầu giải trình về cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Khmer Krom bản địa ở đồng bằng sông Cửu Long. Giác thư đề cập đến “mối quan ngại nghiêm trọng” về tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm cả việc sử dụng biện pháp giam giữ tùy tiện và xét xử thiếu công bằng.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á hôm 19/12 công bố giác thư chung mà cơ quan này đã gửi cho chính phủ Việt Nam ngày 18/10/2022 trong đó đề cập đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với một nhóm người thuộc cộng đồng Khmer Krom, bao gồm cả quyền tự quyết của họ với tư cách là người bản địa, và đưa ra một số trường hợp điển hình về một loạt các hành vi vi phạm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của người Khmer Krom.
Bức thư đề cập đến các cáo buộc “vi phạm quyền tự do ngôn luận, lập hội, y tế, thực phẩm, nước sinh hoạt, nhà ở, môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, cũng như các quyền về ngôn ngữ và văn hóa của họ”.
Các báo cáo viên LHQ nêu một số vi phạm điển hình đối với thành viên trong cộng đồng này như sau: “Chúng tôi quan ngại đến trường hợp của ông Dương Khải, thanh niên người Khmer Krom bị công an tạm giữ và thẩm vấn vào ngày 13/4/2021, ngày 4/2/2022, và sau đó một lần nữa vào ngày 30/7/2022, cùng với một thanh niên người Khmer Krom khác là ông Thạch Cường, vì các hoạt động nhân quyền liên quan đến quyền của người Khmer Krom, bao gồm cả quyền tự quyết của họ”.
Những trường hợp khác mà các báo cáo viên đề cập là việc ông Danh Sết và ông Tăng Thủy, hai người đàn ông Khmer Krom bị công an câu lưu, bị thẩm vấn vì những hoạt động về quyền của người bản địa Khmer Krom, và được cho là bị sách nhiễu.
Các báo cáo viên cũng nhắc đến trường hợp của ông Thạch Rine, một người đàn ông Khmer Krom bị bắt vào tháng 10/2021 với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, vì mặc áo thun có biểu tượng Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và ông đã được thả vào tháng 4/2022, sau 6 tháng giam cầm mà không có xét xử.
Liên quan đến quyền tự quyết, các báo viên LHQ nhận định rằng dù Việt Nam bỏ phiếu thông qua Tuyên ngôn của LHQ về quyền của các dân tộc bản địa (UNDRIP) vào ngày 13/9/2007, nhưng cho đến nay chính quyền nước này chưa xây dựng bất kỳ văn bản pháp luật về quyền của người bản địa. “Hơn nữa, Chính quyền [Việt Nam] không sử dụng thuật ngữ “Người bản địa” để chỉ bất kỳ nhóm nào trong số 54 nhóm dân tộc được công nhận trong nước, bao gồm cả người Khmer Krom, nhóm tự nhận mình là người bản địa”.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết rằng đã qua 60 ngày kể từ ngày giác thư này gửi đến chính phủ Việt Nam nhưng phía Việt Nam vẫn chưa phản hồi.
VOA cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị cho ý kiến về giác thư này, nhưng chưa nhận được trả lời.
Từ bang Pennsylvania, ông Trần Mannrinh, một thành viên của Liên minh Khmer Krom (KKF), nhóm tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom nhưng bị chính quyền Việt Nam cho là nhóm “phản động”, chia sẻ với VOA về sự quan tâm của các báo cáo viên LHQ đối với các thành viên người bản địa Khmer Krom:
“Ông Dương Khải đã in một số bài Tuyên ngôn [UNDRIP] ra thành sách và định phân phát cho đồng bào nhưng nhà nước cộng sản lại bắt và tịch thu những cuốn sách đó mà họ cho rằng là ‘chưa có phép’”.
“Cái lý do đó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần dân chủ, nhân quyền, và tôn trọng quyền của dân bản địa mà nhà nước Việt Nam đã ký vào”.
“Nhà nước Việt Nam cũng cho một số công an địa phương đi hù dọa các thanh niên Khmer Krom”.
“Các vấn đề này chúng tôi đều báo cáo lên LHQ và những báo cáo của chúng tôi được LHQ quan tâm, và vì lý do đó họ gửi thư yêu cầu nhà nước Việt Nam phải trả lời”.
Vào hồi tháng 4/2021, hàng chục công an Việt Nam bao vây nhà trọ của ông Dương Khải, người Khmer Krom, quê Sóc Trăng, là công nhân khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, tịch thu 120 quyển sách Tuyên bố của LHQ về quyền của người bản địa (UNDRIP), máy tính xách tay, điện thoại di động, và đưa ông về đồn công an thẩm vấn, theo các báo cáo viên LHQ.
Vào tháng 6/2021, một nhóm chuyên gia độc lập của LHQ đã gửi một giác thư đến chính phủ Việt Nam yêu cầu giải trình và bày tỏ “lo ngại rằng những mối đe dọa được báo cáo này có thể liên quan đến nỗ lực của ông Khải trong việc phổ biến các tài liệu của LHQ”.
Trong văn thư phản hồi ngày 20/9/2021, chính phủ Việt Nam thừa nhận có bắt giữ một thanh niên Khmer Krom, tên là Dương Khải hồi ngày 13/4/ 2021 và biện minh rằng vụ bắt giữ này là “cần thiết để bảo vệ chính sách đoàn kết dân tộc ở Việt Nam, và rằng ông Khải đã “vi phạm luật báo chí và xuất bản”.
Tổ chức Các Quốc gia và Dân tộc Không có đại diện (UNPO) – một tổ chức của các thành viên quốc tế được thành lập để tạo thuận lợi cho tiếng nói của các quốc gia và các dân tộc trên toàn thế giới hiện không có đại diện và bị đặt bên lề xã hội – hôm 20/12 lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ giác thư này của các báo cáo viên LHQ.
“UNPO ủng hộ công việc của các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về vấn đề này và kêu gọi tăng cường giám sát việc trả thù các nhà hoạt động đòi quyền tự quyết ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới”, thông cáo của UNPO viết. “Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Việt Nam giải quyết các quan ngại nêu trong giác thư và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo việc bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam”.
UNPO đặc biệt quan ngại đến việc đối xử với những người đang thực hiện các quyền cơ bản của họ về tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp một cách ôn hòa. UNPO bày tỏ sự đoàn kết với những người đang dũng cảm lên tiếng cho nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả những cá nhân đã bị giam giữ tùy tiện và tôn trọng nhân quyền của họ cũng như pháp quyền.
Người Khmer Krom sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và là một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất trong cả nước. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam không dùng tên gọi này, và trong một số dịp khác nhau đã cho rằng các thành viên Khmer Krom là những người “chống phá đất nước” và có “âm mưu tự trị”.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết vào tuần trước, sau khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách “theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo.
Diễn đàn