Belarus ngày 28/3 xác nhận sẽ tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, nói rằng quyết định này là một phản ứng đối với nhiều năm áp lực của phương Tây, bao gồm cả các chế tài và điều mà họ nói là việc các quốc gia thành viên NATO tăng cường quân sự gần biên giới họ.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao là tuyên bố đầu tiên của chính phủ kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 nói rằng Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và sẽ xây dựng một kho vũ khí hạt nhân ở đó.
Mặc dù ông Putin không nói khi nào việc triển khai sẽ diễn ra và không cho biết thêm chi tiết nào khác, nhưng loan báo này dường như mở đường cho việc triển khai vũ khí hạt nhân đầu tiên của Moscow bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Bộ Ngoại giao Belarus cho biết bom hạt nhân của Nga cung cấp sự bảo vệ sau cái mà họ gọi là chiến dịch gây áp lực từ Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Alexander Lukashenko.
“Trong hai năm rưỡi qua, Cộng hòa Belarus đã phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các đồng minh NATO, cũng như các quốc gia thành viên của Liên hiệp Châu Âu,” Bộ nói trong một tuyên bố.
Bộ phàn nàn về “sự can thiệp trực tiếp và tàn bạo” vào các vấn đề nội bộ của một đất nước vốn bị cai trị bằng bàn tay sắt trong gần ba thập niên bởi người từng là chủ nhiệm hợp tác xã thời kinh tế tập thể Liên Xô cũ, Lukashenko.
“Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại và rủi ro chính đáng trong lĩnh vực an ninh quốc gia phát sinh từ những việc này, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình”, Bộ này cho biết.
Quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là một trong những tín hiệu hạt nhân cứng rắn nhất của Moscow đối với phương Tây kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Các nhà vận động chống hạt nhân đã cảnh báo rằng bước đi mà Putin nói sẽ phản ánh cách Hoa Kỳ triển khai các đầu đạn hạt nhân ở châu Âu mà không từ bỏ quyền kiểm soát chúng, sẽ hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn và không cần thiết.
Minsk cho biết các kế hoạch hạt nhân của Nga sẽ không vi phạm các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân vì bản thân Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân.
“Việc đào tạo phi công Belarus có thể lái máy bay mang đầu đạn cụ thể, hiện đại hóa các máy bay đó và triển khai đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ Belarus mà không trao cho Minsk quyền kiểm soát chúng hoặc tiếp cận các công nghệ liên quan hoàn toàn không trái với các quy định của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân,” Bộ nói.
Quốc gia liên hiệp
Ông Lukashenko đã nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách lật đổ ông sau các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại sự cai trị của ông nổ ra vào năm 2020 sau cuộc bầu cử tổng thống mà phe đối lập cho rằng ông đã gian lận để chiến thắng. Ông Lukashenko cho biết ông đã giành chiến thắng một cách công bằng, đồng thời tiến hành một cuộc đàn áp sâu rộng đối với các đối thủ của mình.
Minsk cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ Belarus để đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2 năm ngoái. Tuy nhiên, quân đội của họ cho đến nay vẫn chưa tham chiến, trong khi đẩy mạnh huấn luyện quân sự chung với các lực lượng Nga được triển khai tại Belarus.
Ông Lukashenko, người từ lâu đã trong quá trình từng bước xây dựng cái mà ông gọi là “một quốc gia liên hiệp” với Nga, sẽ có bài diễn văn gởi quốc dân vào ngày 31/3.
Diễn đàn