Đường dẫn truy cập

Blogger Đoan Trang: Cô gái thách thức những thử thách


Blogger Phạm Đoan Trang và các bạn. Ảnh chụp ở San Diego, California
Blogger Phạm Đoan Trang và các bạn. Ảnh chụp ở San Diego, California

Nếu được sang Mỹ sinh sống, học tập và có cơ hội tạo dựng tương lai ở đây, ít có bạn trẻ nào lại quyết định từ bỏ để quay về nước. Nhưng đó lại lại sự lựa chọn của một ngòi bút trẻ từng làm việc cho truyền thông nhà nước nhưng rồi bị xem là thành phần ‘chống phá’ và trở thành mục tiêu của những vụ sách nhiễu, bắt bớ kể từ khi cô công khai dấn thân vào các hoạt động cổ xúy dân chủ-nhân quyền trong nước.

Cô gái ấy là nhà báo tự do-blogger Phạm Đoan Trang, một trong những thành viên tích cực của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, người được quốc tế biết đến qua các chuyến đi vận động từ Châu Á, Châu Âu sang tới Châu Mỹ, gặp gỡ chính giới các nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế để kêu gọi ủng hộ cho xã hội dân sự ở Việt Nam, đặc biệt là chuyến vận động hủy bỏ điều luật 258 mà Hà Nội thường dùng để trấn áp các ngòi bút bất đồng quan điểm với nhà nước.

Tại chặng dừng ở Mỹ trong cuộc hành trình, cô vinh dự nhận được suất học bổng nghiên cứu của Đại học Nam California và là một trong số 17 ngòi bút bênh vực nhân quyền trong năm 2014 được tài trợ chỗ ở tại Villa Aurora, tòa nhà sang trọng ở Los Angeles chuyên tiếp đón những nghệ sĩ tài hoa trên thế giới.

Hoàn tất khóa học, cựu phóng viên chuyên trang Tuần Việt Nam của VietnamNet đã quay về nước vào cuối tháng rồi và gặp rắc rối ngay tại cổng vào Việt Nam, với buổi làm việc kéo dài 15 giờ đồng hồ với lực lượng an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì sao một cây bút trẻ tài năng lại từ bỏ cơ hội gầy dựng một tương lai tốt đẹp hơn, một cuộc sống an toàn hơn ở nước ngoài để trở về đối mặt với những rủi ro, đe dọa? Trang về nước để làm gì và cô dự định con đường sắp tới của mình ra sao?

Tạp chí Thanh Niên VOA mời quý vị cùng chia sẻ những tâm tình của cô gái đã đánh đổi công việc ổn định của một phóng viên nhà nước để được làm một ngòi bút tự do về tư tưởng và rời bỏ một môi trường viết không bị kèm kẹp để trở lại nơi ‘hứa hẹn’ đầy những thử thách, chông gai.

please wait

No media source currently available

0:00 0:12:43 0:00
Tải xuống

Đoan Trang: Mỹ là môi trường dễ sống cho mọi người nên nhiều người đến Mỹ không muốn ra khỏi nước Mỹ, đặc biệt là những người đến từ các nước đang phát triển. Đã đến được Mỹ, đa số muốn ở lại để có cuộc sống thoải mái hơn, không bị đe dọa, ức chế. Em trước khi quyết định về Việt Nam cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Đây là một quyết định khó khăn, dằn vặt. Ở các nước đang phát triển, cuộc sống người dân càng khó khăn, nhất là tình trạng vi phạm nhân quyền như Việt Nam. Thế nhưng, với một người viết, ở xã hội càng như vậy càng có nhiều chuyện đề viết, từ chuyện Biển Đông đến quan hệ Việt-Trung, Việt-Mỹ, đến vấn đề mất đất của dân oan, chuyện chà đạp nhân quyền trong lĩnh vực như tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được xét xử công bằng. Bọn em luôn cảm thấy muốn chứng kiến, muốn ghi lại, ‘sống để kể lại.’

Văn hóa chính trị Việt Nam là một văn hóa chính trị tồi tệ. Nó coi hoạt động của các đảng phái là cực kỳ nguy hiểm và xấu xa, chỉ mỗi đảng cộng sản là long lanh, đẹp đẽ thôi. Tất cả suy nghĩ lệch lạc như vậy từ thượng tầng đã lệch lạc rồi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vấn đề của xã hội Việt Nam không phải do dân tộc tính. Không dân tộc nào đẻ ra là xấu xa, mà nó xuất phát từ thể chế, từ văn hóa chính trị. Em tin là nếu có một thể chế khác, chắc chắn những thói hư tật xấu của người Việt Nam sẽ được sửa đổi rất nhanh.
Blogger Phạm Đoan Trang

Trà Mi: Tuy nhiên, để viết về Việt Nam không nhất thiết phải sống trong nước mới viết được vì thực tế chứng minh là trong suốt thời gian ra khỏi nước, Trang không hề dừng bút. Thế thì, viết ở một nơi thoải mái hay ở một nơi gò bó, nên chọn nơi nào để được tự do thể hiện mình nhất?

Đoan Trang: Những suy nghĩ, hiểu biết của em góp nhặt, chắp vá ở trong nước khi ra nước ngoài được hệ thống hóa. Mình làm việc có phương pháp, bài bản hơn. Thế nhưng thiếu một cái là ‘hơi thở cuộc sống’, mình không cảm nhận được trực tiếp. Có những vấn đề mình phải cảm nhận trực tiếp, chứng kiến tận mắt mới viết được. Phương pháp tốt nhưng không bằng kinh nghiệm thực tế, trải nghiệm.

Trà Mi: Nhưng vấn đề là về nước có viết được hay không, Trang nghĩ thế nào?

Đoan Trang: So với thời ‘Nhân văn Giai phẩm’ thì không gian tự do ngôn luận của người Việt Nam bây giờ đã mở rộng rất nhiều, không phải là do đảng cộng sản nhân hậu hơn hay tôn trọng nhân quyền hơn, mà là vì đó là xu thế tất yếu của thời đại. Thời hội nhập có internet, có mạng xã hội thì người dân chủ động mở rộng được tự do của họ hơn. Những tác phẩm nào không đăng được trên báo chính thống của nhà nước thì có thể đăng trên mạng. Cho nên, em nghĩ không hẳn là không có lối thoát. Tất nhiên, đã về nước thì chấp nhận phải có rủi ro. Nếu mình viết đi quá lằn ranh mơ hồ nào đó là họ đàn áp, bắt bớ như đã xảy ra với Anhbasam, blogger Hồng Lê Thọ, và blogger Bọ Lập. Chuyện đó xảy ra thì phải chấp nhận thôi, vì đó là cái giá phải trả cho việc thúc đẩy tự do ngôn luận.

Trà Mi: Trang từng nói muốn về nước để chung sức xây dựng. Nhưng quay về chắc gì xây dựng được hay bị phí phạm tiềm năng, hoặc thậm chí vùi chôn khả năng, tương lai của chính mình khi bị kiềm hãm bằng mọi cách. Chi bằng ở bên ngoài mà còn đóng góp được chút gì, Trang cân nhắc lợi hại ra sao?

Đoan Trang: Cái đó là cái giá, mình trở về nghĩa là mình chấp nhận cái đó. Nếu chúng ta cứ lo lắng sợ không bình yên, sợ trả giá thì cũng không đáng. Đời người sung sức nhất chỉ có giai đoạn tuổi trẻ thôi. Cứ chấp nhận rủi ro một chút.

Trà Mi: Cũng có người nghĩ ngược lại rằng tuổi trẻ không bao lâu mà mình lao đầu vào nơi rủi ro nhất thì sẽ không làm được gì nhiều hơn.

Đoan Trang: Tùy mình đánh giá kết quả mình đạt được cái gì. Có thể về nước em không làm gì được nữa thật, chuyện đó có khả năng xảy ra. Em phải cố gắng giảm thiểu khả năng không làm được gì cả. Không làm được gì cả thì đúng là thà ở nước ngoài còn hơn.

Trà Mi: Khi về nước, Trang có nói rằng sẽ cố gắng sống bình thường như mọi người bình thường. Hai chữ ‘bình thường’ ở đây nên được hiểu thế nào?

Đoan Trang: Em rất muốn mọi người nhìn nhận công việc của người viết hay người đấu tranh dân chủ là chuyện bình thường, không có gì là khác người hay dũng cảm. Em mong muốn được nhìn nhận như vậy. Bình thường ở đây là vậy, chứ không có nghĩa là bỏ cuộc hay gì.

Trà Mi: Một Đoan Trang trước khi rời Việt Nam và sau khi trở về có gì khác?

Đoan Trang: Em không thấy có gì khác cả, hoàn toàn vẫn thế.

Trà Mi: Người ta nói đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Về nước lần này, hành trang bạn mang theo gồm có những gì?

Đoan Trang: Em học được nhiều, cách suy nghĩ mọi thứ có hệ thống hơn chứ không chắp vá như trước. Em trải nghiệm về đời sống của cộng đồng người Việt bên Mỹ và của xã hội Mỹ. Em chứng kiến sự quan tâm của bà con người Việt hải ngoại quan tâm đến đất nước. Rất cảm động khi thấy bà con đi xa hàng chục năm, sống trong xã hội phồn vinh-thịnh vượng như vậy mà vẫn rất có lòng đối với đất nước.

Trà Mi: Sau chuyến đi mở mang hiểu biết tại Mỹ_ quốc gia từng là cựu thù của Việt Nam, điểm khác biệt tiêu biểu nhất giữa hai nơi này, theo nhận xét của Trang, là gì?

Đoan Trang: Xã hội Mỹ tiến bộ, tôn trọng nhân quyền, có nền tư pháp tuyệt vời, thật sự là một nhà nước pháp quyền, bảo vệ công lý-nhân quyền. Còn Việt Nam là một xã hội bất bình thường, giờ có thay đổi thì thật sự chỉ là để trở thành một xã hội bình thường mà thôi. Hiện ở Việt Nam có rất nhiều cái bất bình thường, vô lý. Ví dụ như ở Việt Nam, người tốt và thật thà rất khó sống.

Trà Mi: Nguyên do vì sao có sự bất thường đó, theo hiểu biết của Trang, một người trẻ đã đi ra nhiều nước từ Châu Á tới Hoa Kỳ?

Đoan Trang: Tất cả là do ý thức, mà ý thức đó xuất phát từ thể chế. Đại đa số vấn đề ở Việt Nam hiện nay có thể giải quyết bằng một thể chế khác, một văn hóa chính trị khác. Văn hóa chính trị Việt Nam là một văn hóa chính trị tồi tệ. Nó coi hoạt động của các đảng phái là cực kỳ nguy hiểm và xấu xa, chỉ mỗi đảng cộng sản là long lanh, đẹp đẽ thôi. Tất cả suy nghĩ lệch lạc như vậy từ thượng tầng đã lệch lạc rồi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vấn đề của xã hội Việt Nam không phải do dân tộc tính. Không dân tộc nào đẻ ra là xấu xa, mà nó xuất phát từ thể chế, từ văn hóa chính trị. Em tin là nếu có một thể chế khác, chắc chắn những thói hư tật xấu của người Việt Nam sẽ được sửa đổi rất nhanh.

Trà Mi: Về Việt Nam, Trang dự định sẽ xoay sở thế nào trong môi trường mà những người không theo lề đảng, nếu không bị tù tội thì cũng khó mưu sinh vì những áp lực đối với một ngòi bút bị cho là ‘chống đối’? Trang chuẩn bị con đường phía trước về cả vật chất lẫn tinh thần thế nào?

Đoan Trang: Hiện em viết cho trang web Luật khoa, một tờ báo mạng về luật pháp mà em và một số bạn khác thành lập, viết về kiến thức pháp luật cho những người bình dân.

Trà Mi: ‘Có thực mới vực được đạo’, đời sống người cầm bút phải được đảm bảo thì sức viết của họ mới sung mãn và đóng góp những bài viết hay hơn, thiết thực hơn cho đời. Trong môi trường mà mình khó kiếm được công việc vững chải để đảm bảo đời sống, Trang xoay sở thế nào?

Đoan Trang: Cái đó bọn em cũng quen rồi. Những nhà báo như em cố gắng sống ‘lây lắt’. Em may mắn có vốn tiếng Anh, em có thể tham gia dịch sách báo, cũng đỡ phần nào khó khăn trong đời sống. Nhưng vẫn biết là khó khăn lắm.

Trà Mi: Ngay từ khi bước chân về sân bay, Trang đã gặp khó khăn với chính quyền sau nhiều giờ bị cầm giữ ở sân bay.

Đoan Trang: Thời gian làm việc với họ là 15 tiếng.

Trà Mi: Có những đề nghị, yêu cầu cần giải quyết giữa đôi bên thế nào mà thời gian làm việc kéo dài như thế?

Đoan Trang: An ninh muốn em về nước phải ‘ngoan’.

Trà Mi: Họ đưa ra yêu cầu như thế, Trang có đáp ứng không?

Đoan Trang: Em nói không thể hứa hẹn điều gì. Với hệ thống luật pháp Việt Nam đầy những điều mơ hồ, người viết và các nhà hoạt động rất khó mà không vi phạm pháp luật. Cho nên, em nói thành thật với họ là em không hứa hẹn điều gì.

Trà Mi: Có người cho rằng được trở về an lành sau thành tích ‘chống phá’ nhà nước, không lọai trừ khả năng có sự ‘thành khẩn với chính quyền’ . Phản hồi của Trang ra sao?

Đoan Trang: Không có ‘thành khẩn’ gì cả, em giữ đúng thái độ của một nhà báo thôi, không nói điều gì mình không biết, không liên quan, không bình luận về người thứ ba. Em chỉ làm đúng như thế.

Trà Mi: Trong thời gian tới, nếu có chuyện gì xảy ra, Trang có phương pháp tự vệ nào không?

Đoan Trang: Em nghĩ sẽ không có chuyện gì xảy ra vì em không phải là một nhân vật quá quan trọng hay quá nguy hiểm hay quá có ảnh hưởng để họ đưa vào danh sách hạn chế. Em nghĩ sẽ không có vấn đề gì xảy ra nên cũng không chuẩn bị gì.

Trà Mi: Một blogger được nhiều người biết đến và bị ‘để ý’ như Trang, ra nước ngoài rồi lại quyết định trở về, Trang muốn nói gì với những người trẻ Việt Nam?

Đoan Trang: Em luôn muốn khuyến khích những người viết tới Việt Nam để trải nghiệm, chứng kiến, viết, tham gia vào những hoạt động bảo vệ công lý ở Việt Nam, thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam. Như vậy càng có nhiều vốn sống hơn cho người viết. Em cảm thấy ở Việt Nam giờ có tâm lý ‘rã đám và bỏ cuộc’. Những chuyện chướng tai gai mắt, sai trái trong xã hội, họ lờ đi. Họ chỉ lo làm ăn, tìm cách du học và ở lại nước ngoài để đổi đời. Về góc độ xã hội, một nước có tâm lý như vậy phổ biến thì Việt Nam sẽ mãi mãi như thế. Trong khi đó, việc đáng làm hơn là ở lại để tìm giải pháp thay đổi tình hình thì không ai làm cả. Đó là tâm lý có hại cho sự phát triển xã hội. Nếu ai đó có thể chia sẻ được suy nghĩ này thì em rất mừng.

Trà Mi: Cảm ơn Trang đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG