Một quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa cải chính công văn “cấm tuyệt đối” việc dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa. Một giảng viên đại học cho rằng đó là động thái có tính “tình thế” của bộ trước những phản ứng, chỉ trích của dư luận.
Hôm 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thuộc bộ, được báo chí Việt Nam dẫn lời nói rằng công văn số 4612 ban hành ngày 3/10 đã “gây hiểu nhầm”.
Công văn do một thứ trưởng ký, chỉ đạo các trường phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học kể từ niên khóa 2017-2018, kết thúc với câu “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”, gây nhiều tranh cãi.
Họ có thể ra văn bản đó một cách rất duy ý chí, nhưng sau khi nhận được phản ứng trái chiều, bất bình của dư luận, theo đánh giá của tôi, họ cũng bắt đầu suy nghĩ lại, cho nên họ phải rút lại cái văn bản.một giảng viên đại học
Phó Vụ trưởng Thành nói với báo chí rằng cách diễn đạt như vậy “đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học”. Ông khẳng định “Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ”.
Ông Thành lưu ý rằng phần lớn nội dung của công văn thực ra đề nghị “tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.
Trước khi có giải thích của vị phó vụ trưởng, công văn này đã nhận nhiều lời chỉ trích, thể hiện trên các báo lớn của Việt Nam.
Ý kiến của nhiều giáo viên ở các địa phương khác nhau đều cho rằng coi sách giáo khoa như pháp lệnh là “không phù hợp với sự phát triển”. Họ cũng nêu ý kiến “không nên bó buộc sự tự do, sáng tạo của người dạy và người học”.
Một số nhà giáo cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “tiền hậu bất nhất”, thậm chí “mâu thuẫn” trong chỉ đạo. Họ nêu dẫn chứng là nhiều văn bản hướng dẫn của bộ trước đây cho giáo viên “có thể thoát ly” sách giáo khoa, chỉ coi đó là “một tài liệu chính trong nhiều tài liệu” để thiết kế bài giảng.
Một giảng viên đề nghị không nêu tên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận với VOA:
“Xét theo tư duy trước nay vẫn có trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì nó là nhất quán. Bởi vì trước nay nền giáo dục Việt Nam vẫn là theo định hướng. Họ có thể ra văn bản đó một cách rất duy ý chí, nhưng sau khi nhận được phản ứng trái chiều, bất bình của dư luận, theo đánh giá của tôi, họ cũng bắt đầu suy nghĩ lại, cho nên họ phải rút lại cái văn bản. Tôi nghĩ bây giờ tình thế đã khác. Dân trí đã nâng cao hơn, rồi người dân đã có mạng xã hội để bày tỏ ý kiến”.
Giảng viên này nói thêm việc cải chính công văn thể hiện sự “thận trọng về chính trị” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong một bài viết trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng ngày 16/10 liên quan đến sự kiện này, nhà giáo có tên Đỗ Quyên bày tỏ sự ngao ngán về việc bộ ra những chỉ đạo “cái sau đá cái trước”.
... sự thay đổi triệt để của bất cứ ngành nào trong xã hội Việt Nam hiện nay đều phải nằm trong sự thay đổi chung, đấy là sự thay đổi căn bản về ý thức hệ. Cho nên thời gian tới, tôi cũng không lạc quan lắm về cải cách giáo dục đâu.một giảng viên đại học
Nhà giáo nêu ra một thực trạng là bộ “liên tục chỉ đạo chuyên môn”, giáo viên “liên tục bị điều đi tập huấn, thực hành … nhưng cuối cùng thì giáo dục vẫn cứ như một mớ bòng bong, gỡ chỗ này lại dính chùm chỗ kia đến độ mất phương hướng”.
Đoạn kết của bài viết trên báo thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đặt câu hỏi “Cứ đà này, giáo dục của chúng ta biết đến bao giờ mới thật sự đổi mới được đây?”
Giảng viên không muốn nêu tên thuộc ĐHQGHN đưa ra nhận định với VOA:
“Trong thời gian ngắn tới, tôi nghĩ là các vấn đề lớn của giáo dục vẫn ở trong tình trạng ‘giải pháp tình thế’. Về tổng thể, để có sự thay đổi triệt để, tôi nghĩ là chưa có. Bởi vì sự thay đổi triệt để của bất cứ ngành nào trong xã hội Việt Nam hiện nay đều phải nằm trong sự thay đổi chung, đấy là sự thay đổi căn bản về ý thức hệ. Cho nên thời gian tới, tôi cũng không lạc quan lắm về cải cách giáo dục đâu”.
Dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp và thông tin trong ngành giáo dục, giảng viên này dự báo tới đây bộ có thể cho thí điểm “được độc lập về sách giáo khoa” ở một vài trường, thậm chí rộng hơn là ở một huyện hoặc một tỉnh.
Tuy nhiên, theo giảng viên, đó vẫn là giải pháp “tình thế và tạm thời”, không phải là giải pháp triệt để trong cải cách giáo dục.