Một tờ báo của Nga đã công bố thứ mà họ nói là một tài liệu chiến lược kêu gọi Nga sáp nhập Crimea và một số phần ở miền đông Ukraine, được trình lên Điện Kremli vào đầu tháng 2 năm 2014, ngay trước khi Tổng thống Ukraine thân Nga, Viktor Yanukovych, bị truất quyền.
Tuần báo độc lập Novaya Gazeta đăng một phiên bản rút gọn của tài liệu này lên website của họ hôm thứ Ba. Tờ báo gọi tài liệu này là "ghi chú phân tích" có lẽ được trình lên cho chính quyền Nga trong khoảng thời gian từ ngày 4 tháng 2 đến ngày 15 tháng 2 năm 2014.
Ông Yanukovych đào thoát khỏi Kiev vào ngày 21 tháng 2 năm 2014, và sau đó đi đến Nga. Tháng sau chính phủ Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, tuyên bố làm như vậy để bảo vệ người dân nói tiếng Nga khỏi những kẻ chủ trương dân tộc người Ukraine ở Kiev, những người mà Moscow tuyên bố đã lật đổ ông Yanukovych trong một cuộc đảo chính bất hợp pháp.
Nga kể từ đó đã hậu thuẫn thành phần ly khai vũ trang ở khu vực Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày thứ Bảy với Đài phát thanh Ekho Moskvy, chủ biên của tờ Novaya Gazeta Dmitry Muratov nói ông chắc chắn về tính xác thực của tài liệu này. Ông nói thêm rằng Konstantin Malofeyev, một nhà tài phiệt và nhà từ thiện người Nga có quan hệ gần gũi với Giáo hội Chính thống Nga, là một trong những người tham gia soạn thảo.
Kiev đã cáo buộc ông Malofeyev tài trợ quân nổi dậy ở miền đông Ukraine. Ông ta là một trong những người bị phương Tây trừng phạt, bao gồm một lệnh cấm du hành và phong tỏa tài sản, vì dính líu trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Những tiết lộ từ tài liệu
Novaya Gazeta dẫn lời văn phòng báo chí của ông Malofeyev dứt khoát từ chối sự dính líu trong việc soạn thảo tài liệu này và cho biết doanh nhân này định sẽ kiện ra tòa.
Tài liệu được công bố gọi chính phủ của ông Yanukovych "phá sản không thể cứu vãn" và nói rằng Moscow không nên ủng hộ, cảnh báo rằng Nga có nguy cơ "đánh mất không chỉ thị trường năng lượng Ukraine, mà nguy hiểm hơn nhiều là đánh mất thậm chí quyền kiểm soát gián tiếp hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine."
Tài liệu này nói điều này sẽ gây nguy hại cho địa vị của tập đoàn sản xuất khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga ở miền trung và miền nam châu Âu, gây ra "thiệt hại rất lớn" đối với nền kinh tế Nga.
Tài liệu nói Moscow nên "đánh vào nguyện vọng ly khai của những vùng khác nhau của (Ukraine)," với mục đích khởi sự "việc sáp nhập những khu vực phía đông vào Nga." Tài liệu nói thêm rằng dù việc sáp nhập "Crimea và một số vùng lãnh thổ phía đông" vào Nga sẽ đặt gánh nặng lên nền kinh tế, lợi ích đạt được là "vô giá" nhìn từ "quan điểm địa chính trị," vì Nga sẽ " tiếp cận được những nguồn nhân lực mới" và "nhân viên có trình độ cao trong ngành công nghiệp và giao thông."
Theo tài liệu này, "tiềm năng công nghiệp của miền đông Ukraine," kể cả "lĩnh vực công nghiệp quân sự nhập cụm công nghiệp quân sự của Nga," sẽ giúp Nga tái trang bị cho lực lượng vũ trang của mình "tốt hơn và nhanh hơn."
Tài liệu kêu gọi Nga thực hiện một "chiến lược quan hệ công chúng" nhấn mạnh đến "bản chất bị buộc phải làm, phản ứng" của những hành động của Nga, và dọn đường cho việc tổ chức trưng cầu dân ý về "quyền tự quyết và khả năng gia nhập Liên bang Nga," đầu tiên tại Crimea và khu vực Kharkiv, rồi sau đó ở những khu vực khác của Ukraine.
Tài liệu nói thêm rằng điều "cực kỳ quan trọng là cộng đồng quốc tế có ít lý do nhất có thể để nghi ngờ về tính hợp pháp và tính toàn vẹn của những cuộc trưng cầu dân ý," và rằng "những tầng lớp rộng lớn" của xã hội Nga nên được thuyết phục hỗ trợ việc thôn tính những vùng phía đông của Ukraine.
Một quan chức NATO cho biết NATO không có bất kỳ bình luận nào về tài liệu này, nhưng nói NATO không ngạc nhiên rằng “Nga đã trực tiếp nhúng tay vào những hoạt động quân sự gây bất ổn ở Ukraine và Crimea ngay từ đầu."