Đường dẫn truy cập

Cát, phá và… Bộ Quốc phòng


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Giống như Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long), địa hình, địa mạo Đông Nam bộ tiếp tục biến dạng, vỡ nát vì khai thác cát. Trong loạt bài mô tả tình trạng tuyệt vọng của sông Đồng Nai, phóng viên tờ Người Lao Động kể rằng, tình trạng sạt lở không thể ngăn chặn được đã trở thành đại họa thường trực, đe dọa dân chúng cư ngụ dọc sông Đồng Nai, suốt từ Cát Tiên – Lâm Đồng (thượng nguồn) đến Tân Uyên – Bình Dương (hạ du). Chẳng riêng vườn tược, nhà cửa mà chợ cũng sụp xuống sông. Dòng sông hiền hòa, nguồn cung ứng nước cho các cộng đồng dân cư rộng lớn, bao gồm cả Sài Gòn đang quẫy đạp trong cơn hấp hối. Nguyên nhân chính là do khai thác cát tràn lan, vô tội vạ, dòng chảy biến đổi, cộng thêm với tác động của thủy điện và sản xuất công nghiệp.

Nguyên nhân đó đã được xác định cách nay chừng… 20 năm nhưng nước thải công nghiệp vẫn đổ thẳng vào sông, giấy phép xây dựng các công trình thủy điện, giấy phép khai thác cát vẫn được hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương tung ra như bươm bướm. Không tìm được tấm áo “nạo vét, tận thu” thì khai thác lậu. Về lý thuyết, lậu là bất hợp pháp, với sông Đồng Nai, lậu đồng nghĩa với hủy diệt môi sinh, môi trường sống nhưng hệ thống công quyền không hành động mà chỉ than… “quá khó (1).

***

Các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam từng liên tục nhắc nhở, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ nhưng tại Việt Nam, giới hữu trách từ trung ương đến địa phương vẫn thi nhau ký - cấp giấy phép hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh nghiệp khai thác cát.

Theo sau những tờ giấy phép do hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương thi nhau ký – cấp là tình trạng sạt lở ở ven suối, ven sông, bờ biển xảy ra khắp nơi. Bởi khai thác cát – sạt lở còn hủy hoại tài sản và hủy diệt sinh kế của dân chúng, hàng trăm cuộc biểu tình, một số biến thành bạo động suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam vẫn không làm những viên chức hữu trách run tay.

Phần lớn cát đã khai thác được xuất cảng với giá rẻ mạt. Theo các số liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, từ 2007 đến 2016, Việt Nam đã xuất cảng 67 triệu mét khối cát. Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối. Do bị các chuyên gia và dân chúng chỉ trích kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát.

Đến năm 2013, Bộ Xây dựng Việt Nam tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng” cái gọi là “cát nhiễm mặn” để trang trải chi phí. Bộ Xây dựng Việt Nam gọi con đường mới này là “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải”!

Dẫn đầu “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ Quốc phòng Việt Nam. Kế đó là chính quyền 11 tỉnh ven biển: Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Tính đến đầu năm ngoái, các chủ đầu tư bao gồm Bộ Quốc phòng và chính quyền 11 tỉnh đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.

Từ 2013 đến cuối năm 2016, Việt Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn sang Singapore. Từ 1960 Singapore liên tục mua cát ở khắp nơi trên thế giới để bồi đắp, mở rộng diện tích lãnh thổ của họ. Đến nay, diện tích lãnh thổ của Singapore đã tăng thêm 24%, phần lớn nhờ cát mua từ Việt Nam. Việt Nam mất bao nhiêu phần trăm diện tích do khai thác cát? Không có số liệu chung về sạt lở nhưng chắc chắn con số đó hết sức kinh khủng. Theo một vài thống kê đã được công bố thì gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mất năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển. Với tốc độ sạt lở như hiên nay, người ta ước đoán sau vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ biến mất.

Đầu năm 2017, tờ Tuổi Trẻ công bố một loạt phóng sự điều tra về khai thác – xuất cảng cát sang Singapore. Theo đó, trên các hợp đồng xuất cảng, giá bán cát chỉ từ 80 cents đến 1,3 Mỹ kim/khối, trong khi giá bán trên thực tế là hơn 4 Mỹ kim/khối. Nói cách khác, Việt Nam không chỉ mất tài nguyên, lãnh thổ rỗng ruột mà chẳng thu được bao nhiêu từ thuế xuất cảng cát bởi trên giấy tờ, giá bán cát xuất cảng quá thấp.

Do tác động của dư luận, sau loạt phóng sự điều tra vừa kể, tháng 3 năm 2017, chính phủ Việt Nam triệu tập một cuộc họp bất thường và chỉ đạo tạm dừng cấp giấy phép xuất cảng cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hóa để bù đắp chi phí nạo vét, duy tu các thủy đạo, gia tăng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chẳng biết có phải các dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” để xuất cảng sang Singapore với khối lượng lớn đều thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam (chủ nhiều quân cảng) hay không mà scandal trốn thuế, có đầy đủ dấu hiệu tổ chức buôn lậu tài nguyên, hủy diệt môi sinh, môi trường, đã được tờ Tuổi Trẻ tường trình cụ thể, chìm nghỉm. Tác động duy nhất của loạt phóng sự điều tra tưởng như sẽ bắc một cây cầu, đưa nhiều viên chức, “doanh nhân khả úy” ra vành móng ngựa chỉ là lệnh tạm dừng xuất cảng cát nhiễm mặn rồi… thôi.

***

Bởi cát gắn chặt với các công trình, chẳng riêng các chuyên gia mà một số doanh nghiệp tại Việt Nam bắt đầu đề cập đến việc xử lý cát nhiễm mặn, theo họ, nếu phải “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” thì con đường tốt nhất là tận dụng cát nhiễm mặn để thỏa mãn nhu cầu trong nước (san lấp, thay cát sông làm vật liệu xây dựng) (2). Thậm chí có những chuyên gia bỏ thời gian phân tích sâu để chứng minh cát biển quý hơn vì tốt hơn, đa dụng hơn, rẻ hơn cát sông (3). Tận dụng cát nhiễm mặn từ những dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” sẽ giải quyết được chuỗi vấn đề đang là vấn nạn mà các viên chức hữu trách ở Việt Nam vẫn than là không có hướng ra: Không khai thác cát thì thiếu vật liệu xây dựng cần thiết, giá cát tăng, phải nhập cảng cát. Khai thác cát thì sạt lở còn xuất cảng cát rõ ràng chỉ mất tài nguyên, ngân sách chẳng thêm được bao nhiêu chưa kể di họa cho môi sinh, môi trường.

Tin mới nhất là sau một năm rưỡi im hơi lặng tiếng, Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa đề nghị Thủ tướng Việt Nam cho phép bộ này tiếp tục thực hiện ba dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” theo “cơ chế đặc thù cá biệt”. Cụ thể là những doanh nghiệp được chọn “nạo vét luồng vào các cảng quân sự tại Cam Ranh và Phú Quốc” xong thì được xuất cảng 25 triệu khối cát nhiễm mặn. Cần lưu ý rằng tiếng là “xin chủ trương” nhưng công văn của Bộ Quốc phòng có tính chất giống như một “tối hậu thư”: Thủ tướng lắc đầu thì chính phủ phải chi 6.000 tỉ đồng, gật đầu thì không mất 6.000 tỉ và có thêm 656 tỉ tiền thuế! Giống như trước, với Bộ Quốc phòng, “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” mà không cần tổ chức đua tranh, lằng nhằng trong việc lựa chọn nhà thầu, chưa cần biết Thủ tướng gật hay lắc, doanh nghiệp đã được Bộ Quốc phòng tín nhiệm có thể chủ động tìm kiếm đối tác, thương lượng hợp đồng – định giá mua bán, thay luôn cả hệ thống công quyền xác định nghĩa vụ thuế chính xác đến… hàng đơn vị (656.077.911.360 đồng) (4).

Các dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” mà Vùng 5 Hải quân làm chủ đầu tư từng là nguyên nhân khiến chính quyền tỉnh Kiên Giang phản đối kịch liệt việc móc hàng triệu khối cát quanh đảo Phú Quốc xuất cảng sang Singapore, trong khi các công trình xây dựng trên đảo này phải chở cát từ đất liền ra. Đó cũng là nguyên nhân kích thích tờ Tuổi Trẻ thực hiện loạt phóng sự điều tra vạch trần những lắt léo liên quan đến “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” hồi đầu năm ngoái.

Còn các dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” mà Vùng 4 Hải quân làm chủ đầu tư ở Cam Ranh, Khánh Hòa thì từng đẩy dân chúng thị xã Cam Ranh đổ ra quốc lộ 1 biểu tình vì tôm, cá nuôi tại các ao quanh đầm Thủy Triều chết sạch trong khi việc bồi thường và hỗ trợ di dời thì lại không thỏa đáng. Cuộc biểu tình khiến quốc lộ 1 bị nghẽn ba ngày hồi tháng 4 năm 2015 ấy đã bùng phát trở lại hồi tháng 9 năm 2015. Lần này có hai trong số 60 ghe, xuồng của dân chúng phường Cam Phúc Bắc tham gia ngăn chặn việc “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” bị tàu của Vùng 4 Hải quân đâm chìm và hàng chục người bị bắt, bị phạt tù vì “gây rối trật tự công cộng”, cản trở việc thực hiện một… “dự án quốc phòng”!

Theo Bộ Quốc phòng, do “tác động mạnh của biến đổi khí hậu”, lối ra vào các quân cảng của các chiến hạm, thủy phi cơ không còn an toàn, nạo vét – khơi thông các thủy đạo là “cần thiết và cấp bách”. Bộ Quốc phòng chưa cho biết sự “cần thiết và cấp bách” ấy nhằm bảo đảm cho các chiến hạm, thủy phi cơ tiếp tục quay mũi vào bờ hay hướng ra biển Đông.

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/tieng-keu-tuyet-vong-tu-song-dong-nai-tan-nat-doi-bo-20180827221724528.htm

(2) https://www.thesaigontimes.vn/td/276346/dung-tao-tien-le-co-che-dac-thu-ca-biet-voi-cat-.html

(3) https://www.thesaigontimes.vn/td/276682/cat-bien-quy-hon-cat-song.html

(4) http://vneconomy.vn/bo-quoc-phong-kien-nghi-duoc-xuat-khau-25-trieu-m3-cat-nhiem-man-20180728113152715.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG