Đường dẫn truy cập

Bộ TT&TT khuyên phóng viên “tỉnh táo” khi viết về nhân quyền


Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Trong bối cảnh các nhà báo và blogger tự do của Việt Nam bị bắt giữ vì lên tiếng chỉ trích chính quyền, bộ Thông Tin và Truyền Thông lại nhắc nhở các phóng viên của Việt Nam phải thận trọng khi đưa tin về vấn đề nhân quyền.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo của bộ TT&TT đã cảnh báo các phóng viên và nhà báo trong một hội nghị ở Hà Nội ngày 26/10 phải “thận trọng khi đặt bút viết về nhân quyền.” Truyền thông trong nước trích lời ông Bảo nói tại buổi họp cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí. Trong tháng trước, cũng tại 1 cuộc họp định kỳ tương tự, ông Bảo cũng đã lưu ý những người làm báo ở Việt Nam phải “tỉnh táo” khi đưa tin về những vấn đề nhân quyền và không để “các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng.”

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các nhà báo độc lập, chính quyền cũng đang dùng báo chí như một công cụ để phát triển quyền lực. Nhà báo độc lập và nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang cho rằng vụ đưa tin về nước mắm chứa arsen gần đây của truyền thông là một ví dụ.

"Những xung đột nội bộ của đảng Cộng Sản ngày càng mạnh hơn nên có những khe (họ) lợi dụng báo chí để đánh cho báo chí khai thác, dùng báo chí như là 1 công cụ để họ dò rỉ tin ra ngoài để báo chí đánh lẫn nhau. Hoặc họ cũng chủ động mượn truyền thông và mạng xã hội như là một công cụ để họ đánh lẫn nhau."

Trong khi việc tiếp cận và khai thác thông tin về nhân quyền ở Việt Nam được cho là rất khó khăn khi các cơ quan chức năng thường tránh né nói về vấn đề này, thì những nhà báo độc lập và blogger lại bị chính quyền bắt giữ khi đăng tải những chỉ trích về sự điều hành của chính phủ đối với nhiều vấn đề trong xã hội.

Theo điều tra của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo có trụ sở ở New York, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ 6 người từ năm 2009 vì bị quy tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” trong đó nổi bật là các nhà báo độc lập Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm).

Với sự phổ biến của các trang mạng xã hội, báo chí dân sự - được gọi là “lề trái” – đang phát triển mạnh mẽ và trở thành nơi tìm kiếm thông tin đa chiều mà truyền thông nhà nước không cung cấp cho độc giả.

Tuy nhiên theo thứ trưởng Bảo, dân chúng vẫn tin báo chí chính thống hơn là mạng xã hội nhưng cũng khuyến cáo rằng báo chí “lề phải” sẽ mất đi sự độc tôn này nếu để mạng xã hội đưa tin nhanh nhạy hơn.

Nhưng theo nhận xét của nhà báo độc lập Đoan Trang, “báo chí chính thống là nơi để sản xuất tin tức còn mạng xã hội là nơi để bình luận, mở rộng bình luận, truyền bá và giám sát tin tức” nhưng xu hướng này sẽ không sớm thay đổi bởi sự khó khăn trong tiếp cận thông tin của các nhà báo công dân.

"Hiện giờ đó là cái cửa cuối cùng của đảng Cộng Sản tức là họ liên tục bưng bít thông tin, không cho báo chí và càng không cho mạng xã hội tiếp cận. Nhà báo tiếp cận thông tin đã khó rồi thì các blogger còn khó hơn nữa. Cho nên các nhà báo công dân và mạng xã hội gặp những khó khăn lớn trong việc tiếp cận thông tin. Trước mắt trong những năm tới, các thính độc giả vẫn phải dựa vào nguồn tin chính thống của báo chí."

Với nỗ lực trấn an các nhà báo về sự nới lỏng hơn trong việc cung cấp thông tin, tại cuộc họp ngày 26/10, thứ trưởng của bộ TT&TT đã đề nghị các cơ quan chức năng “phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.” Trong cuộc họp tương tự vào tháng 9, phó vụ trưởng của bộ Ngoại Giao Hoàng Thanh Nga, được Infonet trích lời nói vấn đề nhân quyền ở Việt Nam bị nhìn nhận “ở khía cạnh xấu” và cần được nhìn “ở góc độ rộng mở hơn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG