Ông Soe Aung, Ðệ nhất tham tán đại sứ quán Miến Điện ở Washington, đã gửi một bức thư cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua tuyên bố rằng ông muốn xin đào tỵ. Sau đó ông nói với ban Miến ngữ đài VOA rằng ông lo ngại cho sự an toàn của bản thân và gia đình ông.
Ông Soe Aung đã được lệnh trở về Miến Điện để điều tra về vụ đào tỵ hồi tuần trước của một nhà ngoại giao khác. Ông Soe Aung nói hôm thứ Ba ông được báo là ông phải trở về Miến Điện trong vòng 24 tiếng đồng hồ, với một giới chức quân đội đi tháp tùng. Hộ chiếu của ông và vợ ông đã bị tịch thu. Ông Soe Aung nói với đài VOA rằng 2 nhà ngoại giao khác đã bị triệu hồi về Miến Điện và bị đặt dưới sự điều tra.
Ông Kyaw Win, phó đại sứ, đã đào tỵ hồi tuần trước. Ông Win nói ông đào tỵ bởi vì các nỗ lực vận động cải cách của ông đã bị bác bỏ và ông lo sợ rằng ông sẽ bị truy tố ở Miến Điện. Ông Kyaw Win nói với đài VOA hôm qua rằng ông đã hy vọng rằng sau cuộc bầu cử năm ngoái thì quân đội Miến Điện sẽ nới lỏng việc nắm quyền và cải thiện thành tích nhân quyền.
Ông Win nói tình hình nhân quyền ở Miến Điện còn tệ hại hơn, nhất là ở các vùng hẻo lánh. Ông Kyaw Win cho biết trong năm 1998, giới lãnh đạo quân đội đã hứa thay đổi, nhưng điều đó không hề diễn ra. Ông nói thêm rằng trong năm 2004, các nhà lãnh đạo mới có nói đến các thay đổi, nhưng điều đó cũng không bao giờ diễn ra.
Ông Kyaw Win cho biết ông nghĩ rằng ông Soe Aung và các nhà ngoại giao dân sự khác đang bị quy trách về việc ông đào tỵ, nhưng cho rằng họ chỉ là các thuộc cấp của ông. Ông nói các nhân viên và cựu nhân viên quân sự tại đại sứ quán thì không bị điều tra.
Ông Aung Din là giám đốc điều hành tổ chức Hoa Kỳ Vận động cho Miến Điện, có trụ sở ở Washington. Ông nói các nhà ngoại giao có thể bị trừng phạt nặng nề, nếu giới hữu trách quân đội Miến Điện quyết định rằng họ đã không làm tròn phận sự trong vụ ông Kyaw Win.
Ông Aung Din nói: “Người đó sẽ bị tra tấn dã man, và sẽ bị chuyển qua tòa án binh để bị đưa vào tù. Do đó tôi tin rằng người đó sẽ bị nguy to nếu trở về Miến Điện.”
Chính phủ Miến Điện lâu nay vẫn bị coi là một trong các chính phủ đàn áp nhất trên thế giới. Hoa Kỳ và nhiều chính phủ khác đã áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế gay gắt đối với nước này vì thiếu cải cách chính trị.
Quân đội mô tả cuộc bầu cử năm ngoái, cuộc bầu cử đầu tiên từ 20 năm, là một yếu tố chính của một kế hoạch đưa đất nước trở lại chính quyền dân sự sau 4 thập niên nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội. Nhưng giới chỉ trích chính phủ nói cuộc bầu cử chỉ củng cố sự kiểm soát của quân đội bởi vì một đảng được quân đội hậu thuẫn đã thắng 80% số ghế tại quốc hội.
Ông Aung Din thuộc tổ chức Hoa Kỳ Vận động cho Miến Điện nói rằng có thể sẽ có thêm những vụ đào tỵ trong những tháng sắp tới, một phần vì bộ trưởng ngoại giao mới đang thay thế nhiều nhà ngoại giao dân sự bằng những người tín cẩn. Nhưng ông cũng nói một số nhà ngoại giao có thể có cảm nghĩ giống như ông Kyaw Win.
Lần thứ nhì trong vòng chưa đầy hai tuần lễ, một nhà ngoại giao cấp cao của Miến Điện đã đào tỵ. Nhà ngoại giao này nói ông lo ngại cho sự an toàn của ông sau khi bị triệu hồi về Miến Điện, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Kate Pound Dawson từ Washington.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1