Đường dẫn truy cập

Báo nhà nước Miến Điện qui lỗi phe chiến binh Kachin về việc thiếu điện


Quân đội Độc lập của sắc tộc Kachin, một trong những nhóm võ trang lớn nhất ở Miến Điện, đang tập luyện tại một doanh trại gần Laiza, khu vực ở miền bắc Miến Điện do người Kachin kiểm soát
Quân đội Độc lập của sắc tộc Kachin, một trong những nhóm võ trang lớn nhất ở Miến Điện, đang tập luyện tại một doanh trại gần Laiza, khu vực ở miền bắc Miến Điện do người Kachin kiểm soát

Những cuộc xuống đường phản đối cắt điện hiếm thấy được tổ chức tại Mandalay, thành phố lớn thứ 2 tại Miến Điện. Truyền thông nhà nước Miến Điện qui lỗi cho những cuộc tấn công của phiến quân sắc tộc Kachin đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện kinh niên ở nước này.

Những người phản kháng tụ tập vào chiều Chủ Nhật tại Mandalay, bực tức về những vụ cắt điện khiến họ chỉ có điện sử dụng vài giờ mỗi ngày.

Hàng trăm người tổ chức cuộc cầm nến đi bộ hòa hoãn qua các đường phố và bên ngoài sở điện lực địa phương, đòi được cung cấp điện đều đặn.

Một số tin trích thuật lời dân chúng bất bình vì chính phủ đã bán năng lượng cho Trung Quốc trong khi chưa đáp ứng được yêu cầu của chính nhân dân trong nước.

Cứ 3 trong số 4 người Miến không có điện sử dụng. Mặc dù nguồn tài nguyên của nước này về dầu, xăng và thủy điện rất dồi dào, phần lớn được đem bán cho các nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc.

Ông Monk U Wirathu, một trong những người tham gia biểu tình nói với ban Miến ngữ của VOA rằng họ phản kháng vì các giới chức loan báo chỉ phát điện 6 tiếng một ngày.

Trước kia, họ chỉ phát điện hoặc sáng hoặc chiều, chứ không giới hạn trong 6 tiếng. Cố đô Rangoon cũng bị cắt, chỉ có điện trong một số giờ mỗi ngày.

Báo chí nhà nước Miến Điện qui lỗi cho phe Phiến quân có tên là Quân Đội Độc Lập Kachin, KIA, đã phá hủy một phần lưới điện tại bang Shan ở miền đông.

Tờ Ánh Sáng Mới của Miến Điện nói bom của đảng KIA nổ cuối tuần qua đã phá hủy 4 tháp điện, làm năng lượng sụt giảm mất 200 megawatts trên cả nước.

Đại tá James Lum Dau là phụ tá về đối ngoại cho cánh chính trị của KIA, có tên là Tổ chức Độc lập Kachin. Ông phủ nhận chuyện quân đội Kachin tấn công lưới điện và nói chính quyền lúc nào cũng đổ lỗi cho đảng ông:

“Chúng tôi không hành động kiểu đó. Đó không hề là đường lối của chúng tôi. Thêm nữa, chỗ đó đâu phải khu vực chúng tôi hoạt động. Cho nên, tôi khẳng định chuyện đó hoàn toàn không thể có.”

Người ta chưa thể tiếp xúc ngay với Quân Đội Độc Lập Kachin, KIA, vào lúc này

Ông Lum Dau cho biết trong những tuần mới đây các binh sĩ Miến Điện đã đột nhập vào khu vực của KIA tại Laiza, gần biên giới Trung Quốc, gây ra những cuộc đụng độ dữ dội.

Quân đội Miến Điện và KIA vẫn xung đột kể từ tháng 6, khi họ phá vỡ một cuộc ngừng chiến kéo dài 17 năm.

Các cuộc biểu tình tại Miến Điện thường hiếm khi xảy ra, nơi giới quân phiệt đã đè bẹp các cuộc nổi dậy đòi dân chủ trong năm 1988 và 2007.

Nhưng kể từ năm ngoái, chính phủ dân sự trên danh nghĩa đã mang lại nhiều chương trình cải tổ, trong đó có đạo luật cho phép biểu tình ôn hòa.

Những người phản kháng tại Mandalay đã không xin được giấy phép biểu tình, nhưng chính quyền có vẻ vẫn chấp nhận họ.

Báo chí Miến Điện loan tin giám đốc sở điện lực tại địa phương đã hứa giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu điện, bằng không ông sẽ từ chức.

Cũng liên quan đến Miến Điện, tối Chủ Nhật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton đã gọi điện thoại cho bà Aung San Suu Kyi để duyệt lại những diễn tiến tại Miến Điện và thảo luận về những quyết định mới của Mỹ liên quan đến chế tài.

Hai bà nói chuyện về việc cần phải có những bước rõ rệt nhằm đẩy mạnh đầu tư minh bạch, có trách nhiệm, tiếp sức mạnh cho những người chủ trương cải tổ và đưa ra ánh sáng những kẻ lạm quyền.

Hai bà đều đồng ý rằng tiến bộ quan trọng đạt được trong mấy tháng qua vẫn còn yếu ớt và rằng cộng đồng quốc tế cần giúp Miến Điện khỏi bị thoái lui.

Liên quan đến vấn đề này Ngoại trưởng Clinton đảm bảo với bà Aung San Suu Kyi rằng Hoa Kỳ duy trì chế tài như một biện pháp bảo đảm.

Sau cùng bà Clinton và bà Suu Kyi đã thảo luận về nhu cầu cấp bách cho tiến bộ nhằm giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc và chấm dứt vi phạm nhân quyền trong các khu vực của người sắc tộc. Họ cũng đồng ý sẽ tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG