Đường dẫn truy cập

Biểu tình ở Miến Điện trắc nghiệm cam kết của chính phủ đối với cải cách


Hai người dân Miến Điện đi ngang qua hình vẽ với hàng chữ "Hãy cấp điện cho thành phố". Người ta có thể thấy hàng chữ này nhiều nơi ở Rangoon từ khi chính phủ cắt giảm điện tiêu thụ
Hai người dân Miến Điện đi ngang qua hình vẽ với hàng chữ "Hãy cấp điện cho thành phố". Người ta có thể thấy hàng chữ này nhiều nơi ở Rangoon từ khi chính phủ cắt giảm điện tiêu thụ

Giới hữu trách Miến Điện đã bắt giữ nhiều người dính líu tới những vụ xuống đường biểu tình trong 2 ngày để phản đối vấn đề cúp điện. Các tổ chức nhân quyền nói rằng những cuộc biểu tình này chứng tỏ là người dân bình thường đang muốn có thêm những lợi ích của việc cải cách chính trị và kinh tế và họ không còn e sợ khi phải đương cự với nhà cầm quyền.

Cảnh sát Miến Điện đã câu lưu ít nhất 10 người đã hỗ trợ hoặc tham gia những vụ xuống đường ở Mandalay, thành phố lớn thứ nhì của Miến Điện.

Hàng ngàn người biểu tình đã tuần hành mỗi đêm từ ngày Chủ nhật. Họ đốt đèn cầy và đi ngoài đường một cách ôn hòa để phản đối vấn đề cúp điện.

Ban Miến Ngữ của đài VOA xác nhận là hầu hết những người bị bắt đã bị thẩm vấn trong vài giờ đồng hồ rồi được thả về.

Trong số những người bị bắt có những người trong giới cầm bút ở Mandalay và một số thành viên của Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Nhà thơ Okkar Kyaw đã được thả sau khi bị bắt và bị nhà chức trách nghi là một trong những người tổ chức biểu tình.

Ông Okkar nói rằng cảnh sát muốn biết về những cuộc biểu tình đốt nến. Họ hỏi ông có nắm giữ vai trò lãnh đạo hay không và những người tổ chức là ai. Họ cũng hỏi ông là những người tổ chức có định thực hiện thêm những cuộc biểu tình nữa hay không và ông trả lời là không.

Chính phủ có lập trường cải cách của Miến Điện đã soạn thảo một đạo luật cho phép biểu tình, nhưng với điều kiện là người tổ chức phải được cấp phép. Luật này cũng cho phép bắt giữ những người tổ chức biểu tình.

Phát ngôn viên Soe Aung của tổ chức Diễn đàn Dân chủ Miến Điện nói rằng luật này cần phải được sửa đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Nếu là một cuộc biểu tình phản kháng ôn hòa và không gây ra những sự trở ngại cho công chúng, như cản trở giao thông chẳng hạn, thì nhà chức trách không có lý do gì để thực hiện những vụ bắt giữ hoặc thậm chí để đòi hỏi người dân phải xin phép.

Những cuộc biểu tình ở Mandalay rõ ràng là một hành động có tính chất tự phát thông qua những tin nhắn trên mạng internet, sau khi giới hữu trách loan báo cúp điện nhiều giờ mỗi ngày.

Miến Điện là nước có nhiều dầu lửa, khí đốt và thủy điện nhưng phần lớn các nguồn năng lượng này được mang bán cho Thái Lan và Trung Quốc, dẫn tới tình trạng là Miến Điện thường xuyên bị thiếu điện.

Chỉ có chừng 1/4 trong số dân 60 triệu người ở Miến Điện có điện để dùng.

Ông David Matthieson, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Human Rights Watch nói rằng những cuộc biểu tình này là một cuộc trắc nghiệm quan trọng đối với vấn đề chính phủ mới làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu của những người dân bình thường. Ông nói:

"Đó là một tiếng chuông báo thức đối với chính phủ để họ biết rằng những tài nguyên, những của cải của đất nước này cần phải được phân phối một cách công bằng hơn cho những người xứng đáng được hưởng, đó là những người dân của Miến Điện. Vì vậy chúng tôi hy vọng là những cuộc biểu tình này và những gì mà những người biểu tình nói lên sẽ làm bùng ra một cuộc tranh luận sôi nổi, công khai về những dịch vụ cơ bản ở nước này và trách nhiệm của chính phủ là phải cung ứng những dịch vụ này cho người dân."

Truyền thông nhà nước Miến Điện đã phổ biến một lời kêu gọi hiếm hoi để xin dân chúng thông cảm cho chính quyền. Tờ Ánh sáng Mới của Miến Điện cũng cho biết giới hữu trách đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy phát điện với sự hợp tác của các công ty của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG