Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia LHQ lại lên tiếng bênh vực cho ông Y Quynh Bdap


Ân xá Quốc kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam
Ân xá Quốc kêu gọi Thái Lan không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng phán quyết của Tòa án Hình sự Bangkok khiến nhà bảo vệ nhân quyền Y Quynh Bdap gặp nguy hiểm nếu ông bị dẫn độ về Việt Nam, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Thái Lan xem xét lại vụ án. Tuy nhiên, Hà Nội khăng khăng rằng việc dẫn độ này “là phù hợp”.

Các chuyên gia nhân quyền độc lập hôm 16/10 nói trong một thông cáo báo chí rằng họ vô cùng “quan ngại” trước quyết định của Tòa án Hình sự Bangkok về việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo yêu cầu của Hà Nội.

“Nếu bị dẫn độ, ông Bdap sẽ có nguy cơ bị cưỡng bức mất tích, bị tra tấn hoặc ngược đãi hoặc bị trừng phạt và giam giữ tùy tiện, vi phạm nghĩa vụ quốc tế về quyền không đẩy trả lại”, 12 chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra quan điểm.

Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp không có hiệp ước dẫn độ chính thức giữa Thái Lan và Việt Nam, nhà chức trách Thái Lan có thể từ chối thi hành phán quyết dẫn độ mà tòa án đưa ra hôm 30/9. “Vụ việc này phải được xem xét lại”, các chuyên gia kêu gọi.

Dù tòa đã ra phán quyết dẫn độ nhưng việc thực hiện hay không hoàn toàn trong thẩm quyền quyết định của chính phủ Thái Lan, theo báo Bangkok Post.

Giới chức Thái Lan bắt ông Bdap hôm 11/6 với cáo buộc quá hạn thị thực. Ngoài ra, luật sư của ông còn cho VOA biết rằng ông bị bắt theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, sau phiên tòa ở nước này đã tuyên phạt vắng mặt ông mức án 10 năm tù về tội “khủng bố”.

Vào tháng 8/2024, các chuyên gia nhân quyền đã lên án việc một “phiên tòa lưu động” ở tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, đã xét xử và kết án ông cùng với 99 người khác hồi tháng 1/2024.

Các chuyên gia nhận định: “Phiên tòa lưu động đó thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và không độc lập với các ảnh hưởng chính trị”.

“Đó là một công cụ mang tính định kiến để buộc tội chung cho các bị cáo mà không đánh giá đúng trách nhiệm cá nhân. Các cáo buộc khủng bố rất mơ hồ và quá rộng. Phiên tòa đó không công bằng theo luật pháp quốc tế”, các chuyên gia đánh giá.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thái Lan, đề nghị họ bình luận về tuyên bố của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhưng chưa được trả lời.

Hôm 17/10, chính quyền Việt Nam lên tiếng xác nhận rằng họ sẽ “tiếp tục phối hợp” với các cơ quan chức năng Thái Lan để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật hai nước trong việc dẫn độ ông Bdap, người đang bị truy nã với tội danh “khủng bố”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho rằng việc dẫn độ ông Bdap về Việt Nam “là phù hợp, nhằm bảo đảm mọi đối tượng phạm tội bị xử lý trước pháp luật”.

Chính quyền Việt Nam xác định rằng Y Quynh Bdap, 32 tuổi, là “kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố Người Thượng vì Công lý (MSFJ), đã chỉ đạo chuẩn bị từ năm 2017, thông qua việc móc nối, lôi kéo, tuyển mộ lực lượng, chỉ đạo thực hiện vụ tấn công” vào chính quyền hai xã ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023 khiến 9 người chết.

Tuy nhiên, ông Bdap, người sang Thái Lan tị nạn từ năm 2018, và một số thành viên của tổ chức MSFJ, bác bỏ cáo buộc trên của chính quyền Việt Nam.

Vào tháng 7/2024, sau khi ông Bdap bị bắt ở Bangkok, các chuyên gia LHQ cũng bày tỏ sự quan ngại về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông, và kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng quy tắc không đẩy trả lại người tị nạn (non-refoulement).

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG