Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) hôm 24/5 kêu gọi chính phủ Việt Nam giảm bớt thời gian cách ly kéo dài đối với những du khách đã tiêm chủng và cho phép khu vực tư nhân giúp mua vaccine chống COVID-19 cho nhân viên của họ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam đã đóng cửa biên giới với bên ngoài ngay khi dịch virus corona mới bùng phát từ hồi tháng 3 năm ngoái và chỉ cho phép công dân hoặc chuyên gia nước ngoài nhập cảnh với điều kiện họ phải trải qua ba tuần cách ly tại khách sạn hoặc trung tâm do quân đội điều hành, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng.
“AmCham khuyến khích các nhà chức trách thực hiện các thủ tục nhập cảnh bớt nặng nề hơn cho những doanh nhân, các chuyên gia nước ngoài và thậm chí có thể là khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ,” Giám đốc AmCham, Adam Sitkoff, được Reuters trích lời cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Y tế Việt Nam nâng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày từ hôm 5/5 với lý do để “đảm bảo an toàn cho cộng đồng” trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo Thanh Niên. Tuy nhiên vào hôm 19/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, được VnEconomy trích lời nói rằng đang xem xét rút ngắn thời gian cách ly cho người nhập cảnh được cho là “an toàn”.
Tuyên bố của AmCham được Reuters trích dẫn cho biết 81% các thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết qua một cuộc thăm dò rằng họ sẽ đưa nhiều người hơn tới Việt Nam nếu thời gian cách ly bắt buộc được giảm từ 21 xuống 7 ngày.
Theo Phó Thủ tướng Đam, Bộ Y tế được giao khẩn trương ban hành hướng dẫn mới về quản lý cách ly, trong đó quy định những người “an toàn rồi có thể chỉ cần cách ly tập trung 7 ngày và tiếp tục về nhà theo dõi y tế,” theo Thanh Niên.
Việt Nam được quốc tế ca ngợi về sự thành công trong kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID dù với hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực có hạn, nhờ vào các biện pháp quyết liệt như cách ly tập trung, truy dấu nguồn lây nhiễm và xét nghiệm đại trà nhắm mục tiêu.
Nhờ vào đó, Việt Nam, với gần một trăm triệu dân, đã giữ được mức lây nhiễm thấp, 5.404 ca và 44 trường hợp tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế hôm 24/5.
Nhưng đợt bùng phát mới đã làm cho hơn 2.200 người lây nhiễm trong cộng đồng kể từ cuối tháng 4, và thúc đẩy chính phủ Việt Nam đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Cho đến nay mới chỉ có hơn 1 triệu người ở Việt Nam, chiếm khoảng 1% dân số, được tiêm ít nhất 1 liều vaccine chống virus corona.
Việt Nam gần đây đã đặt mua thêm vaccine từ một số nhà cung cấp, trong đó có 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech của Mỹ, và nhận được khoảng gần 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca từ chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Các giới chức nói họ hy vọng nhận được thêm vaccine trong năm nay nhưng không đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Giám đốc AmCham Sitkoff nói với Reuters rằng nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẵn sàng chi trả để tiêm chủng cho nhân viên của họ tại Việt Nam và rằng họ đang có các cuộc thương thảo với chính phủ Việt Nam về việc này.