Khi nhà hoạt động đối lập Ilya Yashin phát biểu sau khi được thả khỏi nhà tù Nga trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù nhân lịch sử giữa Washington và Moscow, ông cho biết ông đã bị cảnh cáo là không bao giờ được quay trở lại.
Phát biểu tại Bonn, Đức, ông Yashin nói một đặc vụ của Cục An ninh Liên bang đã nói với ông rằng nếu ông trở về sau thời gian lưu vong, “những ngày tháng của ông sẽ kết thúc giống như ông Navalny” — ám chỉ đến nhân vật đối lập Alexey Navalny, người đã chết trong một trại giam của Nga ở Bắc Cực vào tháng 2 năm nay.
Kinh nghiệm của các nhà báo và các nhà phê bình người Nga đã lưu vong cho thấy đi ra khỏi Nga cũng không đảm bảo được an toàn.
Bà Alesya Marokhovskaya đã trốn khỏi Moscow đến Prague ngay sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, nghĩ rằng bà sẽ an toàn ở thủ đô của Czech. Sau đó, những lời đe dọa bắt đầu.
Một số tin nhắn đe dọa nhắm vào bà và một đồng nghiệp được đăng trên trang phản hồi của IStories, cơ quan truyền thông Nga có trụ sở tại Prague, nơi họ làm việc.
Được gửi trong nhiều tháng vào năm ngoái, các tin nhắn bao gồm thông tin chi tiết về nơi họ sống, kế hoạch đi lại của họ và thậm chí cả thông tin về việc con chó của bà Marokhovskaya có vấn đề về hô hấp.
“Tôi nghĩ rằng mình an toàn ở đây, và đó là một sai lầm lớn đối với tôi vì điều đó không đúng”, bà Marokhovskaya nói với VOA. “Thật khó để không hoảng loạn”.
Ngay cả khi bà Marokhovskaya chuyển đến một căn hộ mới, những kẻ tấn công đã để ý.
“Yên tâm đi, bà không thể trốn chúng tôi ở bất cứ đâu”, theo một tin nhắn vào tháng 8 năm 2023. “Chúng tôi sẽ tìm thấy bà ta ở bất cứ nơi nào bà dắt chó đi dạo. Không ai trong số các người có thể trốn ở bất cứ đâu bây giờ.”
Những lời đe dọa này cho thấy một mô hình đàn áp xuyên quốc gia đáng lo ngại mà Moscow vươn tới, xuyên qua biên giới, để nhắm vào các nhà báo và nhà hoạt động lưu vong trên khắp thế giới.
Các chiến thuật được ghi chép rõ ràng để làm im tiếng những người chỉ trích bao gồm quấy rối trực tuyến, đe dọa pháp lý, giám sát và đầu độc, các chuyên gia về tự do báo chí cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể về các mối đe dọa và hành vi quấy rối mà các nhà báo phải đối mặt. Thay vào đó, một phát ngôn viên nói “bảo vệ quyền của các nhà báo” là “mối quan tâm thường trực” của Bộ.
Bộ cũng chia sẻ danh sách các trường hợp mà các chính phủ nước ngoài đã phạt tiền, cấm hoặc đình chỉ phương tiện truyền thông do Điện Kremlin điều hành. Trong khi đó, tòa đại sứ Nga tại Praha không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA.
Lúc đầu, bà Marokhovskaya nghĩ rằng các mối đe dọa không ảnh hưởng đến bà. Nhưng sau đó bà nhận thấy những thay đổi trong lối sống của mình. Bà cho biết bà không thường xuyên ra khỏi nhà và lo lắng về việc bị giám sát.
“Về mặt thể chất, tôi chưa bao giờ phải đối mặt với bất kỳ sự xâm phạm nào. Hiện tại, mới chỉ là đe dọa bằng lời nói, nhưng nó khiến cuộc sống của tôi thực sự hỗn loạn”, bà nói. “Nhưng chỉ theo cách tâm lý”.
Đó là cảm giác chung của các đồng nghiệp của bà tại IStories và những nhà báo Nga lưu vong khác đã nói chuyện với VOA tại Prague.
“Bất kỳ nhà báo nào, dù làm việc tại IStories, hay The Insider, hay bất kỳ cơ quan truyền thông lưu vong nào khác, theo một cách nào đó, đều đang mạo hiểm mạng sống của mình. Bạn không thể an toàn 100%,” người sáng lập IStories, Roman Anin, nói với VOA.
Bị hạn chế bởi luật pháp Nga, luật này về cơ bản cấm đưa tin độc lập về cuộc chiến ở Ukraine, hàng trăm nhà báo — và phòng tin tức của họ — đã phải bỏ trốn. Hầu hết đã tái định cư trên khắp châu Âu tại các thành phố như Amsterdam, Berlin, Riga, Vilnius, Tbilisi và Prague.
Nhóm hỗ trợ pháp lý Setevye Svobody, hay Dự án Tự do Mạng, ước tính rằng ít nhất 1.000 nhà báo đã rời đi kể từ khi chiến tranh nổ ra. Nhóm bảo vệ nhân quyền OVD-Info ước tính số tù chính trị bị giam giữ tại Nga cũng tương đương. Trong số đó, theo các tổ chức giám sát, có một số nhà báo.
Bà Rita Loginova nghĩ rằng nếu bà ở lại đất Nga, bà sẽ nằm trong số đó. Ban đầu đến từ thành phố Novosibirsk của Siberia, nhà báo này đã phải đối mặt với sự quấy rối của cảnh sát trước khi trốn thoát vào tháng 3 năm 2023 theo sự khuyến khích của các biên tập viên.
“Tôi không muốn trở thành tù nhân, vì một người mẹ ở gần con mình thì tốt hơn một người mẹ trong tù. Đó là lý do tại sao tôi ở đây”, bà Loginova nói với VOA vào một buổi tối tại quán pizza yêu thích của bà ở Prague.
Giữa làn hơi thuốc lá điện tử và những ngụm bia, bà nói về việc rời khỏi nhà “vì chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho tính mạng và tự do của mình”, và bà nhớ mẹ, chú chó của mình và quang cảnh từ căn hộ cũ của mình như thế nào.
Mặc dù thích Prague, bà Loginova, người làm việc tại tòa báo độc lập Verstka, cho biết bà đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính, một thách thức mà nhiều người Nga lưu vong đã trải qua.
Nói rộng hơn, việc đưa tin về Nga từ nước ngoài là một thách thức, đặc biệt là đối với các cơ quan như IStories, vốn bị Điện Kremlin coi là tổ chức “không mong muốn” — một danh hiệu khiến các nhân viên và nguồn tin phải chịu cáo buộc hình sự và án tù.
Do đó, theo ông Anin, người sáng lập IStories, việc tìm kiếm nguồn tin ở Nga sẵn sàng lên tiếng có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, các nhà báo lưu vong biết rằng họ may mắn hơn các tù nhân chính trị ở Nga, chưa kể đến những người Ukraine đang phải vật lộn với cuộc xâm lược của Nga.
“Chúng tôi không có một công việc dễ dàng, nhưng đồng thời, chúng tôi không nên phàn nàn”, ông Anin nói.
Vào tháng 6, Nga đã ban hành lệnh bắt giữ ông Anin với cáo buộc phát tán “thông tin xuyên tạc” về quân đội, một cáo buộc mà Điện Kremlin thường sử dụng để trả đũa các nhà báo độc lập hoặc những người chỉ trích lên tiếng phản đối chiến tranh.
“Tôi hơi ngạc nhiên tại sao họ lại mất nhiều thời gian như vậy để thực hiện bước đi pháp lý này”, ông Anin, người đã rời Nga vào năm 2021 để đi nghỉ nhưng không bao giờ quay trở lại sau khi biết về khả năng bị bắt giữ của mình, cho biết.
Ngoài các mối đe dọa pháp lý và quấy rối, tin tặc cũng là một vấn đề khác.
Bà Anna Ryzhkova, một nhà báo tại Verstka, cho biết vào tháng 12 năm 2023, bà nhận được một email từ một người đóng giả làm nhà báo tại một cơ quan lưu vong khác của Nga, cáo buộc bà đạo văn và yêu cầu bà nhấp chuột vào liên kết đến bài báo đó.
Bà Ryzhkova nhận ra rằng có khả năng đây là một vụ lừa đảo được thiết kế để xâm nhập tài khoản của bà. Sau đó, bà biết rằng một số đồng nghiệp đã nhận được những email tương tự. Hai tháng sau, bà phát hiện ra rằng đã có một nỗ lực tinh vi nhằm xâm nhập tài khoản Gmail của bà.
“Tôi thực sự sợ hãi”, bà Ryzhkova nói và cho rằng chính phủ Nga đứng sau cả hai vụ việc.
Ngồi bên ngoài một quán cà phê sang trọng phát nhạc của Charli XCX, bà Ryzhkova thừa nhận rằng những vụ việc này khiến bà cân nhắc đến việc từ bỏ nghề báo hoàn toàn.
“Nhưng sau đó bạn nghỉ nửa ngày. Bạn hít thở”, bà nói. “Và bạn lại bắt đầu. Bạn lại chọn một số chủ đề nguy hiểm”.
Những trường hợp này cho thấy không có gì là nằm ngoài giới hạn của Nga, theo Gulnoza Said của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại Hoa Kỳ.
“Nga có thể làm bất cứ điều gì để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ”, bà nói với VOA. “Những thách thức mà họ phải đối mặt khiến họ rất khó để giữ được sức khỏe tinh thần và tiếp tục làm việc với tư cách là nhà báo”.
Có một sự trớ trêu kỳ lạ khi là một nhà báo Nga lưu vong đã trốn khỏi quê hương để tiếp tục đưa tin về nơi này. Moscow có thể cách Prague hơn 1.600 km, nhưng không cảm thấy xa đến thế.
“Về mặt thể chất, bạn ở đây, nhưng về mặt tinh thần, bạn vẫn ở Nga, vì bạn vẫn tiếp tục viết về nước Nga”, bà Ryzhkova nói, đồng thời cho biết sự hy sinh là yếu tố thống nhất cho tất cả những người làm việc này.
“Tất cả chúng tôi đều nhớ nhà”, bà nói. “Hầu hết chúng tôi đều phải hy sinh điều gì đó quan trọng để được ở đây”.
Nhưng đối với nhiều người, những thiệt hại thường mang tính cá nhân này là xứng đáng.
“Làm công việc này rất quan trọng. Nó rất quan trọng”, ông Alexey Levchenko, một nhà báo của The Insider, nói.
“Chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn chiến tranh? Chúng ta không có nhiều khả năng”, ông nói. “Báo chí là một trong những khả năng hiệu quả nhất”.
Ông Anin đồng ý. Ông coi công việc của họ là một phần không thể thiếu trong việc ngăn chặn nỗ lực bóp méo sự thật về cuộc chiến của Moscow.
“Chúng tôi làm việc 24/7”, ông nói. “Cho dù không thể thay đổi thực tế bằng những bài viết của mình đi nữa thì chúng tôi ít ra cũng lưu giữ lịch sử cho các thế hệ tương lai”.
Prague có lịch sử lâu dài về những người bất đồng chính kiến trong giới văn chương, và những nhà báo Nga lưu vong này chỉ là chương mới nhất.
Khi được hỏi liệu bà có hạnh phúc không, bà Ryzhkova thoáng bối rối. “Tôi hạnh phúc”, bà nói, trước khi phá lên cười.
Tại sao lại cười? Bà trả lời: “Nếu bạn hỏi tôi câu hỏi tương tự cách đây ba năm, khi tôi sống ở Moscow trong ngôi nhà của mình, với chồng tôi, với chú chó của tôi, và nếu bạn mô tả cho tôi mọi thứ sẽ xảy ra với tôi trong ba năm tới, tôi sẽ nói rằng không có cách nào để duy trì hạnh phúc trong hoàn cảnh như vậy”, bà nói. “Nhưng dù sao, tôi vẫn hạnh phúc”.
Diễn đàn