Các giới chức đứng đầu về tài chính của châu Âu cho hay một đề nghị phút chót của Hy Lạp có thể khai thông bế tắc trong các cuộc thương nghị về khoản nợ của Hy Lạp, và giúp nước này tránh rơi vào tình trạng không trả được nợ đúng hạn vào cuối tháng này. Thông báo được đưa ra vào lúc các vị tổng thống và thủ tướng của khối các nước sử dụng đồng euro dự định họp vào cuối ngày hôm nay.
Chủ tịch ủy ban các bộ trưởng tài chính của các nước sử dụng đồng euro, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, nói đề nghị của Thủ tướng Hy Lạp Alexix Tsipras là "bao quát và đầy đủ” và có thể đưa đến một thỏa thuận vào cuối tuần này.
Ông Dijsselbloem nói công tác sẽ bắt đầu ngay tức khắc để kiểm tra kế hoạch của Hy Lạp thông qua các cơ chế của Liên hiệp Âu châu.
Ông nói, “Họ thực sự cần phải cứu xét các chi tiết cụ thể để xem liệu có hội đủ các điều kiện tài chính hay không. Nhưng nói chung, các cơ chế đã nói rằng đó là một cơ sở để bắt đầu lại các cuộc đàm phán vào lúc này, và trong vài ngày sắp tới để có được một kết quả.
Ông Dijsselbloem nói một vấn đề cốt yếu là liệu kế hoạch của Hy Lạp có “toàn diện đủ để cho sự phục hồi kinh tế cất cánh lại hay không.”
Ông cho biết các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro sẽ thảo luận kế hoạch vào tối nay, và các vị bộ trưởng tài chính sẽ họp vào cuối tuần này để duyệt lại kế hoạch và có thể thương nghị mọi vấn đề còn tồn tại.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu dự trù trở lại Brussels vào ngày thứ năm dự một cuộc họp khoáng đại hơn, và có thể chung quyết một thỏa thuận với Hy Lạp vào thời điểm đó.
Các cải cách kinh tế gay go của Hy Lạp trong 5 năm vừa qua chưa đáp ứng được những yêu cầu của khối euro để giải ngân thêm 8,17 tỷ đôla, tức 7,2 tỷ euro tiền cứu nguy để Hy Lạp có thể chu toàn nghĩa vụ. Nhưng Thủ tướng Tsipras được bầu lên hồi tháng 1 nhờ cương lĩnh chống kiệm ước, và ông đã từ chối không chịu chấp nhận cắt giảm thêm về hưu bổng và tăng thuế.
Tin cho hay đề nghị mới nâng tuổi nghỉ hưu lên và tăng thuế trị giá gia tăng đối với một số mặt hàng.
Đến Brussels hôm nay, ông Tsipras đã trình bày thế quân bình chính trị mà ông tìm cách đạt được.
“Đây là lúc để tìm lại được sự hồi phục đáng kể cho một giải pháp giúp Hy Lạp trở lại tăng trưởng, bên trong khối euro với công bằng xã hội.”
Thủ tướng Hy Lạp và các đối tác Âu châu đồng ý rằng Hy Lạp nên ở lại trong hệ thống euro, mà các chuyên gia cho rằng sẽ cung cấp sự khích lệ cho cả hai bên nhằm đạt được một thỏa thuận.
Các nhà lãnh đạo Hy Lạp không muốn đất nước lâm vào một cuộc suy thoái kinh tế nếu họ rời khỏi khối euro. Và các nhà lãnh đạo Âu châu khác không muốn đặt ra một tiền lệ cho các nước rời khỏi khối tiền tệ này, là điều sẽ gây ra sự bất định cho các thị trường tài chính.
Phó giáo sư Kinh tế tại trường Đại học Warwick ở Anh Quốc, ông Dennis Novy nhận định: “Việc này có liên quan đến một dự án lớn hơn của châu Âu. Và tôi rất nghi ngờ việc các nhà lãnh đạo chính của châu Âu, chắc chắn không phải là Thủ tướng Đức, bà Merkel, lại muốn có một rủi ro do việc Hy Lạp rút ra.”
Ông Novy nêu ra rằng ngay cả nếu như không có một thỏa thuận trong tuần này và Hy Lạp không trả được khoản nợ sắp tới phải trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thì việc ấy cũng không nhất thiết châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng cấp thời và đi tới việc Hy Lạp thôi sử dụng đồng euro. Ông và các chuyên gia khác cho rằng các cuộc đàm phán này chủ yếu là về việc cộng đồng quốc tế cho Hy Lạp vay thêm tiền để trả lại cho cộng đồng quốc tế. Vì thế, việc không trả đúng hạn một kỳ hay thậm chí nhiều kỳ có thể được đưa vào các cuộc đàm phán nay mai về một giải pháp dài hạn cho vụ khủng hoảng nợ của Hy Lạp.