Đường dẫn truy cập

Thỏa thuận bất định về khủng hoảng nợ của Hy Lạp


Một người biểu tình giơ biểu ngữ ủng hộ Liên hiệp Âu châu tại Athens, Hy Lạp hôm 18/6/2015.
Một người biểu tình giơ biểu ngữ ủng hộ Liên hiệp Âu châu tại Athens, Hy Lạp hôm 18/6/2015.

Các nhà lãnh đạo của 19 nước sử dụng đồng Euro sẽ mở một cuộc họp thượng đỉnh về khủng hoảng vào ngày thứ Hai tới để tìm cách tránh việc Hy Lạp không trả được nợ và có thể phải rút ra khỏi khối euro.

Hy Lạp không có đủ tiền để chi trả những khoản nợ nhiều triệu đôla cho Quỹ Tiền Tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương Âu châu. Khoản thanh toán đầu tiên đáo hạn vào ngày 30 tháng này.

Các chủ nợ của Hy Lạp đang đòi có thêm các biện pháp kiệm ước và cải cách để Hy Lạp có tiền trả nợ và chính phủ tả khuynh mới ở Hy Lạp lại từ chối việc này với sự hậu thuẫn đáng kể của công chúng.

Kể từ khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và chương trình kiệm ước do các chủ nợ của Hy Lạp áp đặt, nền kinh tế Hy Lạp đã co cụm 25% – một khoản khổng lồ về mặt kinh tế - trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt và dịch vụ của chính phủ bị cắt giảm.

Vụ tranh chấp ngày càng gay gắt đã dẫn tới những lo ngại là Hy Lạp sẽ lỡ kỳ thanh toán và không trả được nợ và sự kiện đó sẽ châm ngòi cho một vụ khủng hoảng ngân hàng và buộc Hy Lạp phải ra khỏi liên hiệp tiền tệ, đưa đến một tình trạng suy thoái tồi tệ hơn và làm lung lay tính khả tín của đồng Euro.

Tình hình nghiêm trọng

Ông Zsolt Darvas thuộc Viện Bruegel ở Brussels, nói với đài VOA qua Skype: “Tình hình thực sự nghiêm trọng và cấp thiết cần đến một thỏa thuận. Nếu một thỏa thuận khả tín có thể loại bỏ được sự bất định về tư cách thành viên của Hy Lạp thì tôi nghĩ rằng nền kinh tế Hy Lạp sẽ bắt đầu tăng trưởng”.

Tuy nhiên, ông Darvas lấy làm lo ngại.

“Nỗi lo sợ của tôi là thỏa thuận sẽ không mang tính toàn diện đủ để phục hồi sự tín nhiệm. Và chắc chắn sự kiện ấy có thể tiếp tục gây một tác động tiêu cực đối với các khoản ký thác tại các ngân hàng ở Hy Lạp và tổng quát hơn là vào nền kinh tế Hy Lạp".

Nhưng phó giáo sư kinh tế học tại trường Đại học Warwick của Anh, ông Dennis Novy, trông đợi sẽ không có thành quả hay thảm họa tại cuộc họp thượng đỉnh ngày thứ Hai.

Ông nói: “Một cách nào đó, ta tạo dựng được hy vọng rằng nếu có được một giải pháp thân thiện cho vấn đề này, mọi sự sẽ êm đẹp. Không phải như thế. Thực ra đó là một con đường liên tục, chứ không phải là một ghềnh đá lớn”.

Ông nói thêm: “Tôi không trông đợi một thỏa thuận quan trọng nào. Tôi nghĩ ta sẽ thấy vài sự dò dẫm. Mọi chuyện sẽ kéo dài một thời gian. Và sẽ là một tiến trình hỗn loạn trong nhiều tháng, nếu không phải là nhiều năm, sắp tới”.

Ông Novy không quan ngại lắm về triển vọng Hy Lạp có thể lỡ một khoản thanh toán nợ và về nguyên tắc sẽ ở thế không hoàn thành nghĩa vụ đối với IMF.

“Gần như có nghĩa là cho dù bạn có dành cho ai đó một lãi suất thấp hơn hay kéo dài thời gian trả nợ hay trên thực tế là không thanh toán một kỳ nợ nào đó. Sự tương phản không đến nỗi cao như bạn nghĩ”.

Ông Novy nói tình trạng không thanh toán được nợ sẽ không lập tức gây ra một vụ khủng hoảng bởi vì các nước chủ nợ chính như Đức và Pháp muốn tránh việc Hy Lạp rút ra khỏi khối sử dụng đồng euro.

Không muốn tạo tiền lệ

Các chuyên gia cho rằng cái được gọi là việc Hy Lạp rút ra (gọi là Grexit) sẽ gây quan ngại trong các thị trường tài chính mà các nước khác đang gặp khó khăn kinh tế có thể rời khỏi khối euro và có thể khuyến khích các nước ấy làm như vậy, có khả năng dẫn tới việc làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống tiền tệ chung.

Ông Novy giải thích: “Việc này có liên quan đến một dự án lớn hơn của châu Âu có can dự ở đây. Và tôi rất nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo chính ở châu Âu, chắc chắn không phải là Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ muốn chấp nhận rủi ro để Hy Lạp rút ra. Tôi nghĩ bà không muốn đi vào lịch sử như vị thủ tướng thực sự gây thiệt hại cho dự án của châu Âu một cách cơ bản như thế”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Âu châu không muốn tạo ra một tiền lệ là dành điều mà họ coi là quá nhiều nhượng bộ cho Hy Lạp, vì lo ngại rằng những nước khác cũng sẽ yêu cầu giống như thế.

Ông Novy nói trong vấn đề dường như không giải quyết được này, điều quan trọng phải nhớ là nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm có 2% trong khu vực đồng euro và những biện pháp cải cách đang được yêu cầu thêm rất nhỏ bé so với những gì Hy Lạp đã làm trong 6 năm vừa qua.

Nói cách khác, theo ông, ngoài việc khoe mẽ chính trị về cả hai bên, các vấn đề không to lớn như trước đây và cả hai bên đều có những khích lệ đáng kể để tránh một vụ khủng hoảng.

Ông Zsolt Darvas cũng nghĩ rằng hai bên đang gần nhau hơn nhiều so với bề ngoài. Ông nói: “Về một số vấn đề, các quan điểm của Hy Lạp và các nước cho vay chính thức đã hội tụ khá nhiều”.

Dù sao, ông nói bất cứ thỏa thuận nào cũng có phần chắc sẽ chỉ giải quyết được vấn đề trong vài tháng là nhiều nhất, với các điểm khủng hoảng sẽ nổi lên cho Hy Lạp và các chủ nợ trong những năm sắp tới.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG