Theo các giới chức Hoa Kỳ, ngày thứ Bảy, các máy bay từ Ả Rập Xê-út, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã cùng với máy bay phản lực Mỹ và máy bay không người lái điều khiển từ xa tấn công các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo tại Syria và Iraq.
Các nước Ả Rập tham gia cuộc chiến nói sẽ không có việc giảm bớt áp lực đối với các phần tử cực đoan tôn giáo.
Vua Jordan Abdullah nói mối đe dọa của các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo đòi hỏi một “liên minh có quyết tâm” để đánh bại tổ chức này với “sự kiên trì và kiên quyết.”
Jordan, Bahrain, Ả Rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tham gia các cuộc tấn công do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo.
Bộ trưởng ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Abdullah Bin Zayed Al-Nahyan ngày thứ Bảy nói với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là mối đe dọa của Nhà nước Hồi Giáo đã vượt ra ngoài Trung Đông.
Ông nói qua một người thông dịch: “Hành động tập thể hiện nay chống lại mối đe dọa của ISIS và những tổ chức khủng bố khác phản ánh nhận thức chung về sự cần thiết phải đối đầu với nguy hiểm sắp xảy ra. Cộng đồng văn minh không có sự lựa chọn nào khác hơn là hoàn toàn thành công trong cuộc chiến đấu này và loại trừ các mối đe dọa.”
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói các nước liên hệ đến cuộc tấn công Nhà nước Hồi Giáo tại Syria đã vi phạm luật quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc vì những cuộc không kích không được sự đồng ý của chính phủ tại Damascus.
Ông phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Bảy qua một người thông dịch: “Những mưu toan vi phạm Hiến chương của tổ chức chúng ta, không góp phần vào sự thành công của những nỗ lực chung. Cuộc chiến chống lại khủng bố trên lãnh thổ Syria nên được tổ chức với sự hợp tác của chính phủ Syria, chính phủ này đã tuyên bố rõ ràng là sẵn sàng gia nhập.”
Ngoại trưởng Lavrov nói chiến đấu chống lại các phần tử khủng bố tại Syria “đòi hỏi một phương cách toàn diện” bao gồm chính phủ.
Bộ trưởng ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Al-Nahyan muốn có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các thành phần ôn hoà chống lại tổng thống Bashar al-Assad.
Ông nói mối đe dọa của các chiến binh nước ngoài ngày càng tăng “trong bối cảnh của bạo động do chính phủ Syria gây ra đối với người dân Syria.”
Ông nói: “Vào thời điểm quan trọng này, chúng ta phải hỗ trợ cho phe đối lập ôn hoà Syria trong khuôn khổ của chiến lược hữu hiệu chống lại các phần tử cực đoan và khủng bố.”
Các nhà lập pháp Mỹ đã chấp thuận tài trợ việc vũ trang và huấn luyện các lực lượng ôn hoà Syria. Tổng thống Barack Obama nói đây là một phần của kế hoạch rộng rãi hơn của ông đối đầu với Nhà nước Hồi Giáo, hiện chú trọng nhiều vào các cuộc không kích.
Tại Syria, các máy bay của đồng minh oanh kích 7 vị trí, gồm có một xe của Nhà nước Hồi Giáo gần Al-Hasakah, cùng với một vài nơi đóng quân và một cơ sở chỉ huy và kiểm soát.
Một tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết một sân bay, một nơi đóng quân và một trại huấn luyện gần cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi Giáo cũng bị oanh tạc.
Oanh kích trên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ
Ngũ Giác Đài nói các máy bay chiến đấu của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ngày thứ Bảy đã oanh kích miền bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm vào các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi Giáo tại một thị trấn người Kurd bị bao vây trong 11 ngày qua.
Các nhà hoạt động và các giới chức người Kurd cho biết các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo bắn rốckết vào thị trấn có tên là Kobane hay Ain al-Arab.
Có ít nhất 12 người bị thương trong các cuộc tấn công bằng rốckết, trong khi chưa có ước đoán về thiệt hại do các cuộc không kích của liên minh được công bố.
Bộ Chỉ huy Miền Trung của Hoa Kỳ cho biết Ả Rập Xê-út, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tham gia vào 7 phi vụ.
Cuộc bao vây Kobane của Nhà nước Hồi Giáo đã khiến cho 160.000 người tị nạn tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hàng trăm chiến binh người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên giới vào thị trấn Syria để bảo vệ thị trấn này.
Nhà nước Hồi Giáo tiến quân vào một phần đất rộng lớn tại Iraq vào tháng 6, đánh bại lực lượng Iraq do Mỹ huấn luyện và chiếm các vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp.
Tổ chức này đã kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn gần Syria, nơi các chiến binh của tổ chức chiến đấu cùng với các phiến quân khác để lật đổ tổng thống Bashar al-Assad.
Hoa Kỳ và các đồng minh Ả Rập ngày thứ Ba lần đầu tiên tấn công các phần tử chủ chiến tại miền bắc và miền đông Syria—vài tuần lễ sau khi Washington mở một chiến dịch không kích chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq.
Ngày thứ Bảy Anh thực hiện nhiệm vụ chiến đấu lần đầu tiên tại Iraq, nhưng Bộ Quốc phòng cho biết không có những mục tiêu nào được xác nhận đòi hỏi phải không kích ngay.
Nhà nước Hồi Giáo, một tổ chức cực đoan Sunni, đã tuyên bố thành lập một Vương quốc Hồi Giáo tại vùng tây bắc Iraq và miền đông Syria –một khu vực rộng lớn nơi các chiến binh Nhà nước Hồi Giáo đã chặt đầu các con tin Tây phương và ra lệnh các người Sia và những người không theo Hồi Giáo phải cải đạo hay là chết.
Việc lớn mạnh của tổ chức này và các chiến thuật tàn bạo đã gây nên một làn sóng xúc động tại Tây phương, khi các video về chặt đầu và những tin tức về tàn sát hàng loạt tiếp tục lưu hành trên Internet.
Trong một diễn biến khác vào ngày thứ Sáu, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice gặp tại Tòa Bạch Ốc một phái đoàn Liên minh Đối lập Syria trong đó có ông Hadi-al-Bahra, chủ tịch liên minh.
Bà Rice và phái đoàn thảo luận về các phương thức Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho phe đối lập ôn hoà để chống lại Nhà nước Hồi Giáo và củng cố viễn ảnh về một cuộc chuyển tiếp chính trị tại Syria.