Các thủ lãnh kình địch nhau ở Nam Sudan kêu gọi các lực lượng của họ ngưng cuộc giao tranh đang đe dọa sẽ phá tan hòa ước mong manh và chính phủ đoàn kết.
Phát biểu trên một đài phát thanh địa phương hôm thứ Hai, Phó Tổng thống và là cựu thủ lãnh phe nổi dậy, ông Riek Machar, yêu cầu các lực lượng của ông tôn trọng một lệnh ngưng bắn được Tổng thống Salva Kiir tuyên bố vài giờ trước đó.
Ông Machar nói với đài phát thanh độc lập Eye Radio: “Tôi thông báo đến tất cả các binh sĩ đang chiến đấu, đang tự vệ, hãy tôn trọng lệnh ngừng bắn này, và ở yên tại chỗ.”
“Tuyên bố ngừng bắn” của ông Kiir hôm thứ Hai ra lệnh cho hai bên ngưng giao chiến vào lúc 6 giờ chiều, giờ Juba. Tuyên bố ra lệnh cho các tư lệnh phải kiểm soát lực lượng của họ, bảo vệ mạng sống và của cải của thường dân và bảo vệ bất cứ nhóm dân thiểu số nào có thể bị các lực lượng của họ nhắm tấn công.
Sau đó các giới chức chính phủ ra lệnh cho các binh sĩ ngay tức khắc trở về doanh trại.
Giao tranh đã kéo sang ngày thứ năm trên khắp Juba, vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Nam Sudan kiểm soát các lực lượng đối nghịch nhau của họ, và cảnh báo rằng các cuộc tấn công nhắm vào thường dân và các cơ sở của Liên Hiệp Quốc có thể cấu thành tội phạm chiến tranh.
Hàng ngàn thường dân hoảng sợ đã tràn vào các cơ sở của Liên Hiệp Quốc để lánh cuộc giao tranh giữa các lực lượng theo ông Kiir với các lực lượng theo ông Machar nổ ra từ hôm thứ Năm. Các nhân chứng nói với đài VOA rằng các lực lượng của ông Kiir đã pháo kích vào một địa điểm bảo vệ thường dân của Liên Hiệp Quốc.
Đài phát thanh địa phương ở thủ đô Nam Sudan trước đó loan tin có đến 276 người thiệt mạng trong mấy ngày bạo động vừa qua, trong khi một người phát ngôn của ông Machar nói rằng ít nhất 150 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh lời kêu gọi ngừng bắn.
Trong khi đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Juba đã giảm số nhân viên để đáp lại tình hình an ninh đang xấu đi.
Đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power nói rằng các cuộc tấn công ở Nam Sudan là “không thể tha thứ được” và rằng "việc nhắm mục tiêu vào những cơ sở bất khả xâm phạm của Liên Hiệp Quốc là vô nhân đạo, hoàn toàn không thể chấp nhận và quá mức tàn bạo vượt ra ngoài cả mức độ dã man mà chúng tôi đã thấy trong suốt cuộc xung đột này.”