Đường dẫn truy cập

Quốc tế chỉ trích Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động trước Tết


Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga.
Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga.

Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) phụ trách khu vực Á châu hôm 24/1 ra thông cáo, bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga ở Hà Nam hôm 21/1.

Trong cùng ngày, Đài Quan sát để Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức liên đới của Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT), cũng ra công bố lên án vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga. Trong thư ngỏ gửi tới nhiều lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam, Đài Quan sát kêu gọi Hà Nội hãy trả tự do cho bà Trần Thị Nga, lập tức và vô điều kiện, đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại bà.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ nhân quyền Front Line Defenders có trụ sở tại Ireland đã lên án việc bắt giữ ba nhà hoạt động nhân quyền là bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, và ông Nguyễn Văn Hóa. Hai tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức phóng thích và hủy bỏ những cáo buộc đối với ba nhà hoạt động vừa nêu tên.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới bày tỏ quan ngại sâu sắc về điều mà họ miêu tả là “làn sóng bắt bớ trước Tết” và nói rằng những vụ bắt bớ đó đã “để lộ những căng thẳng của chế độ mỗi khi xã hội dân sự tự do lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền.”

Cùng lúc, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam và hải ngoại đã ra tuyên bố khẩn cấp lên án việc bắt giữ bà Trần Thị Nga, mà lý do theo họ, là “chỉ vì bà đã kiên trì đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người.”

Bà Trần Thị Nga, một blogger được biết đến với tên Thúy Nga, bị bắt giữ tại nhà riêng ở tỉnh Hà Nam hôm 21 Tháng Một, 2017 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Bà Nga từng tranh đấu cho giới xuất khẩu lao động và người dân bị nhà nước tịch thu đất đai.

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói như sau về vụ bà Trần Thị Nga bị bắt giữ:

“Chị Trần Thị Nga là một nạn nhân của xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Chị bị áp bức bên đó. Chị là nạn nhân nên chị có kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm đó, chị muốn cứu giúp mọi người. Khi về nước chị tiếp tục làm công việc đó thì bị đàn áp. Vì bị đàn áp nên chị biết việc nhân quyền ở Việt Nam bị xâm phạm. Chị tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền. Các cơ quan chức năng ở Hà Nam rất căm ghét chị, họ đánh đập, tạt mắm tôm vô chị và các cháu. Đó là phản ứng không đúng của cơ quan pháp luật.”

HRW chỉ trích nhân quyền Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:19 0:00

Ông Chênh nhận định về xu hướng bắt người hàng loạt của chính quyền Việt Nam:

“Bên cạnh đó còn nhiều người bị bắt nữa như Nguyễn Văn Hóa ở Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An. Qua đó thấy rằng đến lúc nhà cầm quyền muốn tăng cường đàn áp để đe dọa việc đấu tranh nhân quyền của các tổ chức xã hội dân sự.”

Ông Nguyễn Văn Oai, một tù nhân lương tâm, bị bắt hôm 19/1 tại Nghệ An vì “chống người thi hành công vụ (điều 257) và rời nhà trong thời gian bị quản chế”. Trước đó, ông Oai bị bắt vào năm 2011 và bị tuyên án bốn năm tù giam và ba năm quản chế tại gia theo Điều 79 ("hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"), ông mãn hạn tù vào tháng 8, 2015.

Nhà hoạt động và blogger trẻ tuổi Nguyễn Văn Hóa bị bắt hôm 11/1 theo Điều 258 "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước." Ông Hóa từng tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa Hà Tĩnh vào giữa năm 2016.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định bày tỏ ý kiến về việc chính quyền bắt giữ các nhà hoạt động:

“Việc bắt 3 người này đối với tôi là một điều hoàn toàn bất ngờ. Tôi không hiểu tại sao chính quyền lại leo thang việc trấn áp quyền tự do của công dân như vậy. Tôi ngạc nhiên hơn khi còn một tuần nữa là đến Tết mà chính quyền lại ra tay bắt hàng loạt, đặc biệt là chị Trần thị Nga. Chị Trần Thị Nga hoàn toàn đi theo con đường tranh đấu một cách ôn hòa. Chị nuôi con nhỏ và là một bà mẹ đơn thân. Việc này đã gửi ra một thông điệp là từ nay bất kỳ ai lên tiếng chống lại chính sách của nhà cầm quyền, đặc biệt liên quan đến chính sách đối ngoại với Trung Quốc, thì có khả năng nhà cầm quyền bắt hoặc trấn áp.”

Việt Nam bắt người bất đồng để thử phản ứng Mỹ?
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:22 0:00

Theo luật sư Định, còn một lý do nữa dẫn đến các vụ bắt giam này:

“Có một số người cũng đặt ra là sau buổi lễ nhậm chức của ông Trump thì thế nào cũng xảy ra các bắt bớ như vậy. Có thể là một thông điệp nói với chính phủ Hoa Kỳ rằng là chính phủ Việt Nam có thể gia tăng trấn áp về mặt nhân quyền bởi vì không còn những cam kết bắt buộc nào mà chính phủ Việt Nam có với chính phủ Hoa Kỳ.”

Trong thông báo ngày 25/1, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nêu rõ: “Các blogger và các nhà vận động này không làm gì khác ngoài việc đưa tin về các cuộc biểu tình và bày tỏ quan điểm về các vụ vi phạm đối với các quyền cơ bản của cá nhân họ và những người chung quanh. Nói cách khác, họ bảo vệ lợi ích chung của mọi người. Thật là tệ hại khi bảo vệ lợi ích chung và nhân quyền lại bị dán nhãn là tuyên truyền chống nhà nước tại Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới áp lực để họ được trả tự do ngay lập tức.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG