Các nhà khoa học công bố điều mà họ nói là một chế độ ăn uống lí tưởng cho sức khỏe của hành tinh và con người - bao gồm tăng gấp đôi tiêu thụ các loại quả hạch, trái cây, rau và các loại đậu, và giảm phân nửa lượng thịt và đường vào cơ thể.
Nếu thế giới tuân theo chế độ ăn uống “Planetary Health” (Sức khỏe Hành tinh), thì hơn 11 triệu ca chết yểu có thể tránh được mỗi năm, theo các nhà khoa học, trong khi cắt giảm được phát thải nhà kính và bảo tồn được nhiều hơn nữa đất, nước và sự đa dạng sinh học.
“Thực phẩm mà chúng ta ăn và cách chúng ta sản xuất nó quyết định sức khỏe của con người và hành tinh, và chúng ta hiện đang làm sai nghiêm trọng,” Tim Lang, giáo sư tại Đại học London ở Anh, người đứng đầu nghiên cứu này, nói.
Nuôi sống dân số 10 tỉ người ngày càng tăng đến trước năm 2050 bằng chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững sẽ là bất khả thi nếu không thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện sản xuất thực phẩm và giảm lãng phí thực phẩm, ông nói. “Chúng ta cần một sự cải tổ, thay đổi hệ thống thực phẩm toàn cầu ở quy mô chưa từng thấy trước đây.”
Nhiều căn bệnh kinh niên đe dọa tính mạng có liên quan tới chế độ ăn uống kém, bao gồm béo phì, tiểu đường, suy dinh dưỡng và nhiều căn bệnh ung thư khác. Các nhà nghiên cứu nói chế độ ăn uống không lành mạnh hiện gây ra nhiều chết chóc và bệnh tật trên toàn thế giới hơn là tình dục không an toàn, rượu bia, ma túy và thuốc lá.
Chế độ ăn uống hành tinh được đề nghị là kết quả của một công trình nghiên cứu ba năm do chuyên san y tế The Lancet ủy quyền thực hiện và có sự tham gia của 37 chuyên gia từ 16 quốc gia.
Nghiên cứu nói mức tiêu thụ trung bình toàn cầu những thực phẩm như thịt đỏ và đường nên được giảm đi 50 phần trăm, trong khi mức tiêu thụ các loại quả hạch, trái cây, rau và các loại đậu nên tăng gấp đôi.
Đối với các khu vực riêng biệt, điều này có thể có nghĩa là những thay đổi thậm chí còn quyết liệt hơn: Ví dụ người dân ở Bắc Mỹ ăn thịt đỏ nhiều gần gấp 6,5 lần mức được đề nghị, trong khi người dân ở Nam Á chỉ ăn một nửa mức được đề nghị theo chế độ ăn uống hành tinh.
Đạt được các mục tiêu cho các loại rau củ có tinh bột như khoai tây và sắn (khoai mì) sẽ cần những thay đổi lớn ở Châu Phi cận Sahara, nơi mà trung bình người dân ăn nhiều hơn 7,5 lần mức được đề nghị.
Trình bày tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư ở London, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng để mọi người khắp thế giới chấp nhận chế độ ăn uống này là mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt là bởi vì có sự bất bình đẳng toàn cầu về tiếp cận thực phẩm.
“Hơn 800 triệu người không có đủ thực phẩm, trong khi nhiều người tiêu thụ một chế độ ăn uống không lành mạnh góp phần gây ra tử vong và bệnh tật sớm,” Walter Willett thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho biết.
“Nếu chúng ta không thể hoàn toàn làm được điều đó, thì hãy cố gắng đạt tới mức gần nhất có thể,” ông nói.