Đường dẫn truy cập

Kẻ phải biết và người được quyền biết


Cột khói khổng lồ trên bầu trời Hà Nội sau vụ nổ hai container pháo hoa ngày 6/10/2010
Cột khói khổng lồ trên bầu trời Hà Nội sau vụ nổ hai container pháo hoa ngày 6/10/2010

Cách đây mấy ngày, đọc báo Việt Nam trên mạng, tôi thấy một bản tin ngồ ngộ vui vui: ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội kiêm trưởng ban Tuyên truyền 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lên tiếng thanh minh là vụ nổ kho pháo tại sân vận động Mỹ Đình vào trưa ngày 6 tháng 10 chỉ làm chết 4 người, trong đó có ba chuyên gia về pháo hoa người ngoại quốc. Bản tin cho biết: “theo ông Lợi, vì đây là vấn đề lớn, có chuyên gia nước ngoài cùng tham gia, nên không thể nói sai sự thật. Thông tin nói hàng chục người chết trong vụ nổ là hoàn toàn bịa đặt.”

Tại sao trước một bản tin như thế, tôi lại thấy ngồ ngộ vui vui? Dĩ nhiên không phải vì cái tai nạn làm chết người. Cái chết, dù là cái chết của bất cứ ai và vì bất cứ lý do gì, cũng là điều hết sức nghiêm trọng và đáng cho chúng ta phản ứng một cách nghiêm túc. Điều khiến tôi thấy “ngồ ngộ vui vui” chính là lời cải chính của người có trách nhiệm cao nhất trong lãnh vực tuyên truyền của lễ hội được coi là hoành tráng và tốn kém nhất trong lịch sử Việt Nam vừa được tổ chức.

Ông Lợi phủ nhận tin đồn có hàng chục người chết trong vụ nổ kho pháo hoa ở Mỹ Đình. Sự phủ nhận ấy tiết lộ một sự thực: dân chúng không tin vào con số 4 người chết do các cơ quan truyền thông đưa ra. Để tăng cường sức thuyết phục cho sự cải chính của mình, ông Lợi phải dẫn đến một yếu tố khá bất ngờ: sự có mặt của những ngoại quốc trong số các nạn nhân ấy. Vì có họ nên, thứ nhất, vấn đề trở thành “lớn” và thứ hai, “không thể nói sai sự thật”.

Đọc lời biện chính ấy, chúng ta không thể không tự hỏi: vậy trong những tai nạn không có người ngoại quốc thì sao? Vậy đối với người Việt Nam với nhau thì sao? Chẳng lẽ, nếu chỉ có người Việt chết thì vấn đề không hay bớt nghiêm trọng đi? Và, trong trường hợp đó, nhà nước có thể nói dối?

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong sự thanh minh của ông Hồ Quang Lợi là việc thừa nhận sự hiện diện của loại tin đồn ngược hẳn với các thông tin chính thức do nhà nước kiểm soát. Đó cũng là thừa nhận, một cách gián tiếp, sự nghi ngờ của dân chúng, hoặc ít nhất một số khá đông dân chúng, đối với các nguồn thông tin chính thức; nếu không muốn nói, đối với chính phủ nói chung.

Mà không tin cũng phải.

Có ít nhất hai lý do chính. Thứ nhất, từ trước đến nay, chính phủ đã nói dối quá nhiều. Nói dối trong những vấn đề lớn, chẳng hạn, về bản chất của chế độ (tự do, dân chủ và bình đẳng), về vai trò của đảng, về quan hệ giữa đảng và dân chúng, về những cống hiến và những sai lầm trong lịch sử, v.v… Nói dối cả trong những vấn đề hay những sự kiện nho nhỏ, chẳng hạn, về các vụ án tham nhũng và cách đối đầu với nạn tham nhũng trong nước, về các thiệt hại trong các tai nạn khiến dư luận phải chú ý, về các bệnh dịch đối với người cũng như đối với súc vật, v.v… Thứ hai, thói quen bưng bít thông tin của nhà cầm quyền.

Đừng nói gì xa, ngay vụ nổ kho pháo hoa ở Mỹ Đình ngày 6/10, thoạt đầu, nhà nước cũng muốn bưng bít. Vụ nổ thật lớn, cột khói mù mịt cao cả hàng mấy trăm mét, như một cột khói bom, từ xa cả hàng chục cây số cũng có thể nhìn thấy, khiến dân chúng ở Hà Nội chấn động và cực kỳ xôn xao, vậy mà, nhà nước, ít nhất lúc đầu, vẫn im lặng. Khi một số trang báo mạng như Vnexpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đưa tin “ thì có chỉ đạo gỡ bài” xuống. Trong mấy tiếng đồng hồ đầu, tin tức chỉ được cập nhật trên các blog cá nhân như blog của AnhBasam.com, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Gốc Sậy và Trần Nhương, v.v... Theo Nguyễn Xuân Diện, số độc giả truy cập vào blog của ông để theo dõi chi tiết liên quan đến vụ nổ tăng vọt: trong hơn 6 tiếng đồng hồ, có trên 70.000 lượt truy cập bài “Nổ lớn ở sân vận động Mỹ Đình, nghi nổ kho pháo hoa”. Chỉ sau đó, khi biết không thể bưng bít được hoặc nhận ra sự bưng bít chỉ làm dân chúng hoang mang bất lợi, giới lãnh đạo mới đổi ý, cho báo chí được “xả cản”.

Một chi tiết khác liên quan đến chính sách bưng bít thông tin trong lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là vấn đề ngân sách. Lâu nay dư luận, đặc biệt trên các blog, xuất hiện nhiều lời phê phán nghiêm khắc đối với sự hoang phí gần như vô bờ bến của chính phủ trong việc tổ chức cái lễ hội gọi là “hoành tránh” nhất trong lịch sử. Bao nhiêu tiền bạc đổ ra cho vô số các dự án bỏ dở vì gặp sự chống đối của dân chúng (ví dụ vụ thay gạch ở hồ Hoàn Kiếm, vụ 5 cái cổng chào...); cũng như bao nhiêu tiền đổ ra cho các dự án mặc dù đã hoàn tất nhưng bị xếp xó vì những sai lầm trong chủ trương cũng như cách thức thực hiện (ví dụ vụ làm phim về Lý Công Uẩn hay Trần Thủ Độ...). Đối diện với những sự phê phán gay gắt ấy, chính quyền, gần đây, khẳng định đi khẳng định lại là họ rất “tiết kiệm”. Nhưng khi bị hỏi thẳng về số kinh phí cho lễ hội là bao nhiêu thì người ta lại tìm cách né tránh. Trong cuộc họp báo ngày 8 tháng 10, ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành uỷ Hà Nội, một mặt, cho con số chi phí bằng 10% GDP mà một số người nêu lên là “không có căn cứ”, nhưng mặt khác, lại bảo là chính ông cũng không biết được vì "chưa có con số cụ thể".

Năm ngày sau khi lễ hội đã kết thúc, trong cuộc họp báo ngày 15/10 đã dẫn, ông Hồ Quang Lợi vẫn tiếp tục từ chối công bố tổng số kinh phí dành cho lễ hội: “Hiện các đơn vị chức năng vẫn chưa hoàn tất thống kê, nhưng con số hàng chục nghìn tỷ đồng chi cho Đại lễ như nhiều người nói là không chính xác.”

Rõ ràng giới lãnh đạo Hà Nội và Việt Nam nói chung vẫn sử dụng một chiêu thức rất cũ: Không biết. Có lẽ họ hy vọng thời gian trôi qua, khi những dư âm của lễ hội đã lắng xuống, sẽ chẳng còn ai thắc mắc chuyện kinh phí, và từ đó, chuyện lãng phí của chính phủ nữa. Lúc ấy, nếu có ai phanh phui ra con số hàng chục ngàn tỉ là có thật, sự hoang phí là có thật, thì mọi chuyện cũng đã qua rồi. Thậm chí, xa rồi. Nó trở thành những “hạn chế của lịch sử”. Như bao nhiêu lần họ vẫn nói vậy.

Nhưng cái cách giới lãnh đạo, lại là giới lãnh đạo cao nhất của một địa phương và một lễ hội quốc gia bảo là không biết về “kinh phí” có thể được chấp nhận không?

Những người sống ở Tây phương lâu đều biết rõ điều này: những người lãnh đạo không được phép trả lời “không biết” về bất cứ vấn đề gì trong tầm trách nhiệm của mình. Bởi nhiệm vụ của họ là phải biết. Họ được trả lương hậu hĩnh, được trao thật nhiều quyền hạn và được cung cấp vô số chuyên gia và chuyên viên lúc nào cũng theo sát họ, phục vụ cho họ, nhiệm vụ của họ là phải biết. Tổng thống Mỹ hay Thủ tướng Úc không thể nói là “không biết” con số thất nghiệp; “không biết” con số lạm phát; “không biết” số tiền chính phủ chi ra cho một dự án nào đó. Họ buộc phải biết cả những thông tin mới nhất, những thông tin trong ngày, thậm chí, những thông tin quan trọng cách đó vài ba giờ. Họ phải biết. Không biết là vô trách nhiệm. Là không xứng đáng với trách nhiệm họ đang gánh vác.

Huống gì lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một dự án lớn được chuẩn bị trong cả 10 năm, có tầm ảnh hưởng không những ở thủ đô mà còn trong cả nước, với sự tham gia của hầu như tất cả các ban ngành, từ văn hoá đến xã hội, an ninh, kinh tế, giao thông, xây dựng, v.v... Chẳng lẽ người ta không có bản thiết kế chương trình cho một lễ hội quy mô như thế? Chẳng lẽ trong bản thiết kế không có phần chi tiêu? Chẳng lẽ tiêu đến đâu người ta mới biết đến đó?

Lý do họ đưa ra để né tránh câu hỏi là vì có những hoạt động được thực hiện từ nguồn xã hội hoá, nghĩa là từ sự đóng góp của một số cá nhân, công ty hay đoàn thể. Vâng, nhưng gạt qua một bên số đóng góp ấy, chỉ giới hạn trong số kinh phí mà chính phủ chi ra, số tiền là bao nhiêu? Vài ngàn tỉ hay vài chục ngàn tỉ? Người dân thắc mắc, chủ yếu là thắc mắc về số tiền lấy từ thuế của người dân chứ không phải thắc mắc về số phần đóng góp của các cá nhân hay cơ quan ngoài chính phủ.

Nhưng ngay cả những đóng góp từ nguồn “xã hội hoá” ấy cũng cần phải được công khai. Những nguồn tiền ấy đến từ đâu? Đóng góp như thế, họ có thu lại được lợi nhuận gì từ chính phủ hay không? Đó có phải là một cách mua chuộc hay hối lộ để được nhận một số lợi lộc về sau, cách này hay cách khác?

Tất cả những chuyện như thế, giới lãnh đạo phải biết. Họ không thể nói là họ không biết.

Nếu biết những việc như thế là nhiệm vụ của giới lãnh đạo thì đó cũng là cái quyền của dân chúng. Một xã hội dân chủ được xây dựng trên nhiều yếu tố, trong đó, một trong những yếu tố căn bản nhất là: dân chúng phải được quyền biết những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, và cụ thể hơn nữa, liên quan đến tiền thuế của họ. Họ phải được biết vì đó là tiền của họ.

Với những vấn đề quan trọng như thế, việc giới lãnh đạo nói “không biết” chứng tỏ một trong ba điều: một, họ bất lực; hai, họ vô trách nhiệm; và ba, họ vừa bất lực vừa vô trách nhiệm. Việc họ từ chối quyền được biết chứng tỏ thêm một điều khác nữa: sự bất lương.

Anh không thể vừa phóng tay tiêu tiền của người khác vừa nói là anh không biết gì cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG