Đập thủy điện Hạ Sesan 2 trên một chi lưu quan trọng của sông Mekong đã được Thủ tướng Campuchia Hun Sen khánh thành hôm 26/9 bất chấp những quan ngại của các tổ chức bảo vệ môi trường. Đây là đập thủy điện lớn nhất của Campuchia và cũng gây nhiều tranh cãi nhất.
Một nhà khoa học của Việt Nam nói rằng thêm một đập thủy điện mới trên sông Mekong cũng “không tác động gì nhiều” đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhờ Việt Nam lâu nay đã tìm cách ứng phó với tác động tiêu cực của các đập trên thượng nguồn.
Tua bin đầu tiên của đập thủy điện có công suất 400 megawatt, trị giá 800 triệu đô la này dự kiến sẽ bắt đầu phát điện trước cuối tháng 11 năm 2017, và toàn bộ đập sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2018.
Đây là một dự án liên kết giữa các tập đoàn năng lượng Hydrolancang của Trung Quốc, EVN của Việt Nam và Royal Group của Campuchia. Dự kiến các nhà đầu tư sẽ được quyền khai thác dự án trong 40 năm trước khi chuyển giao lại cho chính phủ Campuchia.
Trong bài diễn văn khánh thành kéo dài một tiếng đồng hồ, Thủ tướng Hun Sen nói dự án này sẽ giúp làm giảm giá thành sản xuất điện ở Campuchia, đồng thời giúp nước ông tiến đến mục tiêu, là đưa tất cả các thôn làng hòa vào lưới điện quốc gia trước năm 2022.
“Không có sự phát triển nào mà không gây tác động đến môi trường,” ông Hun Sen được tờ Phnom Penh Post dẫn lời nói. “Chỉ là tác động nhiều hay ít mà thôi.”
Ông Hun Sen chỉ trích những người mà ông gọi là “bảo vệ môi trường cực đoan” và chỉ ra nhu cầu năng lượng bùng nổ của Campuchia – nơi có giá điện đắt nhất trong khu vực hiện nay.
Ông nói:
“Mother Nature (một tổ chức hoạt động môi trường vừa bị giải thể ở Campuchia) việc gì cũng kiếm chuyện. Nếu anh cứ như vậy thì làm sao chúng ta có thể phát triển? Khai thác than và dầu hôi thì họ nói gây khói mù, và còn sản xuất điện thì họ nói ảnh hưởng đến môi trường.”
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng bác bỏ việc đập thủy điện mới sẽ ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt cá, và nói ông “ngạc nhiên” khi có người khuyên ông nên từ bỏ đập Hạ Sesan 2 để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Tôm cá ở Campuchia có thể leo cây và leo núi,” ông châm biếm. “Cá ở nước tôi sống ở Biển Hồ và sông Mekong. Chúng không sống ở sông Sesan.”
“Sau khi xây xong đập thủy điện, chỉ cần thả thêm cá xuống sông là được,” ông nói thêm.
Ông Ian Baird, một nhà nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản sông Mekong tại Đại học Wisconsin, nói rằng sự sinh trưởng của các loài cá phụ thuộc vào khả năng di cư của chúng để sinh sản. Ông cho rằng đập thủy điện mới sẽ có tác động tiêu cực đến Việt Nam, vốn lệ thuộc vào chu kỳ lũ hàng năm để đưa phù sa về bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long. Con đập này cũng sẽ chặn đứng đường di cư của các loài cá.
Do đó các nhà sinh thái và các chuyên gia về nguồn nước quan ngại rằng đối với đập thủy điện Hạ Sesan 2 thì “hại nhiều hơn lợi”.
“Tác động trực tiếp của từng dự án thì nhỏ, nhưng gộp chung lại thì chúng sẽ thay đổi dòng chảy và dòng phù sa trên sông Mekong,” ông Jamie Pittock, một nhà sinh thái nước ngọt tại Đại học Quốc gia Úc được Phnom Penh Post dẫn lời nói.
Một cuộc nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong hồi năm ngoái chỉ ra rằng thiệt hại kinh tế ước tính của 11 dự án đập đang được đề xuất ở hạ lưu sông Mekong đối với Campuchia sẽ lên tới 450 triệu đô la mỗi năm, và sản lượng đánh bắt cá của nước này sẽ giảm xuống, còn có phân nửa.
Một báo cáo hồi tháng Sáu của viện nghiên cứu chiến lược Stimson ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, cho biết chỉ tính riêng đập Hạ Sesan cũng đã giảm 9,3% lượng tôm cá di cư ở vùng đồng bằng sông Mekong.
Các dự án thủy điện, phần lớn do Trung Quốc đầu tư, đang mọc lên trên khắcp dòng chính và phụ lưu của sông Mekong. Riêng Campuchia đang cân nhắc thêm hai dự án nữa đều có quy mô lớn hơn rất nhiều so với Hạ Sesan 2: dự án Stung Treng có công suất 900 megawatt và dự án Sambor có công suất 2.600 megawatt – đều trên dòng chính của sông Mekong.
Báo cáo của Viện Stimson cũng cho biết là hiện nay hai dự án này đã được chính phủ của Thủ tướng Hun Sen bật đèn xanh để nghiên cứu tiền khả thi. Mặc dù chúng chưa thể khởi động trước năm 2020 nhưng chúng được dư đoán sẽ gây ra “hậu quả hết sức tai hại đối với nguồn lợi thủy sản và bồi đắp phù sa do vị trí gần với Biển Hồ (tức Tonle Sap) và Đồng bằng sông Cửu Long.”
Trao đổi với VOA, Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long, nói rằng việc Việt Nam nhiều năm qua lên tiếng phản đối các nước trên thượng nguồn sông Mekong đắp đập làm thủy điện “cũng như không.”
“[Ủy hội Sông Mekong Quốc tế] họp bàn cũng nhất trí nhiều thứ nhưng mà cuối cùng khi mà người ta trở về nước thì người ta phải lo cho lợi ích của nước người ta,” ông nói và cho biết Việt Nam không nên mất thời gian để thuyết phục các nước thay đổi lập trường nữa.
Thay vào đó, Giáo sư Xuân cho rằng Việt Nam phải tìm cách ứng phó các tác động có hại mà các đập thủy điện này gây ra, và một trong những việc đang được thực hiện là tích trữ nước ngọt từ mùa mưa để dành cho việc tưới tiêu vào mùa khô để đối phó với tình trạng lượng nước đổ xuống từ thượng nguồn sẽ ít đi.
Riêng về lượng thủy sản suy giảm, Giáo sư Xuân nói việc này không ảnh hưởng gì nhiều vì Việt Nam hiện nay “nuôi trồng là chủ yếu”, chứ đánh bắt từ các ngư trường thiên nhiên không còn bao nhiêu.