Đường dẫn truy cập

Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi Việt Nam không can thiệp quyền tự do của người dân


Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo và xã hội dân sự độc lập được tự do thực hiện các quyền tự do quan điểm, quyền lập hội và nhóm họp ôn hòa mà không có sự can thiệp hay hạn chế quá đáng của nhà nước.

Ông Turk đưa ra đề nghị này trong bức thư gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 20/1, như là một thủ tục theo quy trình sau phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam vào tháng 5/2024 và thông qua kết quả rà soát này vào tháng 9/2024.

Trong thư, ông Turk đánh giá những diễn biến tích cực của chính quyền Việt Nam trong thời gian qua như thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, và chống phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những mối quan ngại và đưa ra những góp ý nhằm giúp theo dõi hiệu quả việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận hồi tháng 9/2024.

“Việc rà soát của Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo, nhân viên truyền thông và xã hội dân sự độc lập được tự do thực hiện các quyền của mình về tự do quan điểm và biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hoà mà không có sự can thiệp hoặc hạn chế của nhà nước”, theo bức thư được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố hôm 30/1.

“Việt Nam được khuyến nghị tiếp tục tăng cường hợp tác với cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nỗ lực phê chuẩn các văn bản pháp luật về dân sự và quyền chính trị, hình phạt tử hình, tra tấn và trừng phạt tàn ác và vô nhân đạo, và bảo vệ người dân khỏi sự mất tích cưỡng bức”, bức thư viết.

Ông lưu ý rằng việc quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia, phù hợp với các nguyên tắc liên quan đến địa vị của các cơ quan quốc gia về nhân quyền (còn gọi là Nguyên tắc Paris).

“Việt Nam được kêu gọi dỡ bỏ những trở ngại đối với quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và giải quyết mọi hành vi phân biệt đối xử và bạo lực đối với các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số”, ông Turk bày tỏ.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về bức thư nêu trên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa được trả lời.

Hồi tháng 9/2024, chính quyền Việt Nam tuyên bố nước này chấp nhận 271 khuyến nghị trong số 320 khuyến nghị đã được các nước đưa ra tại kỳ rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.

Sau tuyên bố này, các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền (HRW), bày tỏ sự “thất vọng sâu sắc” vì nhiều nội dung trong số 49 điểm khuyến nghị bị Việt Nam từ chối có liên quan trực tiếp tới các nhà bảo vệ nhân quyền, trong đó có một số khuyến nghị kêu gọi phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị giam giữ vì họ thực hành các quyền cơ bản của mình.

Ngoài ra, Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị về việc sửa đổi các điều luật có tính chất vi phạm nhân quyền như Điều 117 (về tội tuyên truyền chống nhà nước) và Điều 331 (về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ) của Bộ luật Hình sự, là các điều luật mà HRW cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng để dập tắt các tiếng nói chỉ trích.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG