Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 11/6 cảnh báo về tình trạng gia tăng bạo lực ở Myanmar và lên án việc quân đội sử dụng vũ khí hạng nặng “thái quá”, đồng thời thúc giục một nỗ lực ngoại giao rộng lớn hơn để gây áp lực với các tướng lĩnh cầm quyền, theo Reuters.
Bà Michelle Bachelet nói chính quyền Myanmar không sẵn sàng thực hiện thỏa thuận 5 điểm mà họ đã thống nhất với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 4 để ngăn chặn bạo lực và bắt đầu đối thoại với các đối thủ.
Bà Bachelet đã yêu cầu đến thăm Myanmar vào tháng 4 nhưng bị từ chối. Bà nói có những báo cáo đáng tin cậy rằng ở bang Kayah của Myanmar, thường dân đang bị sử dụng làm lá chắn và quân đội đang pháo kích vào nhà cửa và nhà thờ, khiến hơn 108.000 người phải chạy trốn với rất ít thực phẩm, nước hay điều kiện vệ sinh, và những tiếp cận nhân đạo đã bị chặn lại.
“Dường như không có nỗ lực nào nhằm giảm leo thang, mà ngược lại là tăng cường quân đội ở các khu vực quan trọng, trái với cam kết mà quân đội đã thực hiện với ASEAN nhằm chấm dứt bạo lực”, Reuters dẫn lời bà Bachelet nói trong một tuyên bố.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, gây ra các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày khiến cho nền kinh tế bị tê liệt và giao tranh ở các vùng biên giới giữa các lực lượng vũ trang, lực lượng du kích và dân quân dân tộc thiểu số.
Nỗ lực hòa giải của Đông Nam Á đã đạt được rất ít tiến bộ. Các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản và nhiều quốc gia khác tuần này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kế hoạch hòa bình đang được thực hiện.
Liên Hiệp Quốc, các nước phương Tây và Trung Quốc đều ủng hộ nỗ lực của ASEAN, nhưng quân đội Myanmar dường như ít chú ý đến nỗ lực này, thay vào đó ca ngợi tiến độ của kế hoạch năm bước của họ hướng tới một cuộc bầu cử mới.
Bà Bachelet khuyến khích tăng cường hoạt động ngoại giao, bao gồm cả từ các quốc gia có ảnh hưởng, và nói rằng đối thoại là điều cần thiết khẩn cấp với tất cả các bên liên quan chính trị, trong đó có chính phủ ẩn danh bao gồm những người phản đối sự cai trị của quân đội.
Hai đặc phái viên của ASEAN đã đến thăm Myanmar vào tuần trước và gặp gỡ các quan chức quân đội hàng đầu của Myanmar, bao gồm Tướng Min Aung Hlaing, một chuyến đi bị chỉ trích bởi các nhóm ủng hộ dân chủ, những người nói rằng họ đang bị bịt miệng.
Bà Bachelet nói: “Cộng đồng quốc tế cần thống nhất yêu cầu quân đội Myanmar ngừng sử dụng quá mức các loại pháo hạng nặng nhằm vào thường dân và các đối tượng dân sự”.
Bà cũng cho biết các lực lượng dân sự mới được thành lập, được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và các nhóm vũ trang khác, phải thực hiện mọi biện pháp để giữ cho thường dân khỏi bị tổn hại.
Bà Bachelet nói thêm rằng bà cực kỳ quan ngại về tình trạng giam giữ và những thông tin về việc tra tấn.
Theo nhóm hoạt động của Hiệp hội các tù nhân chính trị (AAPP), 5.965 người đã bị bắt kể từ cuộc đảo chính. Trong số đó, 4.804 người vẫn đang bị giam trong tù, các trung tâm thẩm vấn và quản thúc tại gia.
Ít nhất 860 người thiệt mạng, 22 người trong số đó bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ, vẫn theo AAPP.
Chính quyền Myanmar định danh đối thủ của mình là “những kẻ khủng bố” và đặt ra ngoài vòng pháp luật nhiều tổ chức, bao gồm cả AAPP.