Tôi gặp một số trí thức, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ Việt Nam sang Úc công tác hoặc thăm gia đình. Nói chuyện với họ, tôi phát hiện ra một điểm chung: Một mặt, họ biết tất cả những những gì chúng ta biết; mặt khác, họ lại từ chối bất cứ hình thức dấn thân nào. Họ biết, chẳng hạn, về kinh tế, Việt Nam đang ngập ngụa trong nợ nần; về xã hội, mọi giá trị đều đảo lộn; về giáo dục, đầy dẫy những sai lầm; về giới lãnh đạo, vừa tham nhũng vừa bất lực; bất lực trên nhiều phương diện, nhưng nguy hiểm nhất là bất lực trong việc đối đầu với âm mưu bành trường của Trung Quốc. Họ biết hết. Nhưng tất cả đều chọn thái độ thụ động và bất động, thậm chí, mặc kệ. Lý do? Thứ nhất, họ cho đó là chuyện chính trị, mà chính trị thì thuộc về chính phủ, chứ không phải bổn phận của họ. Thứ hai, nếu họ lên tiếng phản đối thì cũng chẳng thay đổi được gì. Và thứ ba, nếu họ có thể gây áp lực lên chính phủ Việt Nam thì chính phủ cũng không thay đổi được gì, vì, một là, tình hình Việt Nam rất bế tắc; và hai, không ai có thể chống lại được Trung Quốc.
Nghe những ý kiến như vậy, từ nhiều người, tôi vừa ngạc nhiên vừa buồn rầu. Ngạc nhiên vì không hiểu tại sao nhận thức của họ lại hời hợt và thái độ của họ lại vô cảm đến như vậy. Buồn rầu vì tôi cho đó là một sự sa đoạ về trí thức, một sự từ khước tư cách trí thức, bởi bản chất của trí thức là luôn luôn nghi vấn và phản biện, nếu không muốn nói là phản kháng.
Trước hết, quan niệm cho rằng người dân không nên dính líu đến chính trị vì đó là chuyện của nhà nước hẳn nhiên là sai. Xưa, ở Việt Nam đã phổ biến câu nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Thời hiện đại, Tổng thống Charles de Gaulle của Pháp có lần nói: “Tôi nhận thấy chính trị là một vấn đề quá phức tạp không thể giao khoán cho đám chính khách”. Chính khách giỏi và có nhiệt tâm không đáng tin cậy hoàn toàn, huống gì chính khách kém cỏi như giới lãnh đạo Việt Nam: Hầu như làm cái gì cũng sai. Nếu những cái sai ấy không bị phản đối, chúng sẽ kéo dài và lặp đi lặp lại mãi, và nạn nhân của những chính sách sai lầm ấy không ai khác hơn là dân chúng. Chấp nhận những cái sai ấy là chấp nhận sự bế tắc, hơn nữa, chấp nhận số phận nạn nhân vĩnh viễn. Điều đó không những phản ánh một thái độ thụ động mà còn là một sự dại dột.
Trong chính trị, đã đành ý kiến của một người, nhất là khi người đó chỉ là dân thường, không làm thay đổi được gì. Nhưng với ý kiến của một ngàn, hoặc vài chục ngàn người thì khác. Khi ý kiến thuộc về đám đông, nó sẽ trở thành một sức mạnh. Điều này càng đúng trong xu hướng dân chủ hoá. Gần đây, nhiều người hay nói đến dân chủ, nhưng người ta lại quên một trong những đặc điểm nổi bật nhất của dân chủ là: nó là một cuộc vận động từ dưới lên trên. Những người cầm quyền không bao giờ tự động hạn chế quyền lực của mình để công nhận quyền của người khác. Họ chỉ làm thế khi bị bắt buộc. Sự bắt buộc ấy, thỉnh thoảng xuất phát từ bên ngoài, từ áp lực của một cường quốc hay siêu cường quốc nào đó (như trường hợp của Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến), nhưng nhiều hơn, là xuất phát từ những sự tranh đấu của dân chúng, những người thấp cổ bé miệng. Nói cách khác, dân chủ chỉ khởi sự từ sự đòi hỏi của dân chúng. Nói cách khác nữa, dân chủ là kết quả của cuộc tranh chấp giữa tham vọng quyền lực của giới lãnh đạo và quyết tâm giành lại những cái quyền căn bản của người dân. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là tương quan quyền lực.
Nói đến tương quan quyền lực, không thể không ghi nhận điều này: chính phủ Việt Nam hiện nay không quá mạnh như nhiều người tưởng nhầm. Trên bình diện quốc tế, họ không mạnh, nếu không nói là quá yếu; không những yếu trước Trung Quốc mà còn yếu trước mọi quốc gia khác, kể cả các quốc gia trong khối Đông Nam Á. Trong phạm vi đối nội, họ cũng yếu. Yếu, trước hết, vì nội bộ của họ chia rẽ và càng ngày càng chia rẽ ; sau đó, vì họ không còn nhận được sự ủng hộ của quần chúng cũng như của lịch sử: Họ chỉ là một lực lượng cản trở của tiến trình phát triển và dân chủ hoá, hay nói theo ngôn ngữ của chính họ, họ là lực cản của một xu thế tất yếu.
Chính sự yếu kém của chính quyền Việt Nam hiện nay là một cơ hội tốt để dân chủ có thể nảy nở. Dĩ nhiên sự nảy nở ấy chỉ có thể xảy ra với một điều kiện: người dân dám đứng lên tranh đấu.
Về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ai cũng biết là một vấn đề vô cùng phức tạp, nhưng không thể hoá giải tính chất phức tạp ấy bằng sự đầu hàng hoặc nhượng bộ liên tục như những điều giới lãnh đạo Việt Nam vẫn làm lâu nay. Một trong những bài học quan trọng nhất là Miến Điện, một nước, cũng giống Việt Nam, giáp giới với Trung Quốc và trong nhiều thập niên, lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Thế nhưng mấy năm gần đây, họ đã quyết định thoát ly ra khỏi ánh hưởng của Trung Quốc và ngả hẳn về phía Tây phương bằng quyết định dân chủ hoá nước họ. Có thể nói sống ngay sát nách một nước lớn và tham lam như Trung Quốc là một số phận không thể thay đổi được nhưng quyết định lệ thuộc hoặc độc lập với Trung Quốc lại là một lựa chọn; và trong lựa chọn ấy, trong quá khứ, Việt Nam đã từng chiến thắng nhiều lần.
Ý nghĩ cho rằng không thể chống lại Trung Quốc là một dấu hiệu của chủ nghĩa đầu hàng. Chủ nghĩa vô cảm và chủ nghĩa đầu hàng, thật ra, là một. Đó là những thứ tư tưởng mà bộ máy cầm quyền hiện nay muốn gieo rắc. Để đấu tranh cho dân chủ và độc lập cũng như toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh chống độc tài cần đi liền với việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa vô cảm và chủ nghĩa đầu hàng của dân chúng, trước hết, của thành phần trí thức.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.