Ngày 29/2/2016, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trên đường Ái Mộ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Một chiếc ô tô Camry vượt phóng nhanh, vượt ẩu với tốc độ kinh hoàng bất ngờ đâm thẳng vào người đi bộ cùng một chiếc xe máy đi ngược chiều xe, khiến 3 người bị chết trong đó có một người phụ nữ, một cháu bé 6 tuổi và ông nội đang chở cháu đi học. Vụ án được lan truyền nhanh chóng và tạo nên làn sóng bức xúc bởi những video quay trực tiếp quá rõ ràng và thương đau.
Rất nhiều nguồn tin của những người chứng kiến sự việc cho rằng tài xế đang lái trong tình trạng say mèm. Người gã tỏa mùi rượu nồng nặc khi bước xuống xe. Và hành động đầu tiên của gã là giơ tay hất mạnh chiếc điện thoại của một người đi đường đang quay chụp lại hiện trường và rút điện thoại của gã để bấm đi một cuộc gọi khác rồi chạy biến mất, để lại 3 nạn nhân với cơ thể tan nát. Cả xã hội đang lên án kịch liệt gã, gã được cho là một con thú đội lốt người, một kẻ máu lạnh đáng chết. Cả xã hội đang gầm gừ ăn tươi nuốt sống gã.
Thực tế nếu quan sát kỹ đoạn video có thể thấy có ít nhất 4 người đang vi phạm luật giao thông. Đầu tiên là chiếc xe Civic đen đang đậu ngang nhiên giữa đoạn đường bé tí, khiến việc bất cứ chiếc xe ô tô nào đi qua cũng (đành) phải lấn sang phần đường còn lại. Điểm thứ 2 là hai ông cháu đi xe máy, nạn nhân của vụ tai nạn, không hề đội mũ bảo hiểm. Có lẽ lý do là trường học cũng khá gần, ngay đầu ngõ. Và thứ 3 hiển nhiên là gã tài xế đang say xỉn. Tuy nhiên tôi không hề có ý giảm nhẹ tội cho người lái chiếc xe Camry kia, mà tôi muốn tất cả mọi người nên tỉnh táo, dừng lại những bức xúc đang có để nhìn nhận đến chính bản thân mình.
Ngày trước sang Mỹ những người bạn có xe ô tô riêng luôn nói đùa với tôi rằng ở Việt Nam toàn luật rừng thì sang Mỹ thấy một rừng luật. Có đợt trường tôi tổ chức dịp đi thi lý thuyết lấy bằng lái, ông quản lý văn phòng quốc tế còn “đá đểu”: chúng mày thấy Mỹ phức tạp không, ở Việt Nam thì chỉ cần a lô cho bố là có ngay cái bằng lái rồi.” Nghe thấy hơi nhục, mà cũng chẳng biết cãi sao. Ổng nói đúng quá. Từ lúc học lấy cái bằng đến khi có được bằng lái xe rồi đã chẳng phải chuyện đùa. Kẻ học cứ phải mệt bở hơi tai với mọi loại luật lệ. Đến lúc lái được cái xe trên đường cao tốc, thi thoảng bị cảnh sát gọi tấp vào lề còn ú ớ chả hiểu sai ở đâu, lo thót cả tim. Kể tỉ mỉ vậy để biết rằng ngay từ những bước đầu tiên, ta đã cảm nhận được sự nghiêm túc trong từng lớp học luật, đến cả khi thi (cảm giác như thi đại học), vậy nên khi ngồi trước vô lăng lái, ta có một tâm lý trách nhiệm với sự nghiêm túc đó. Giấy phép lái xe cũng vô cùng quan trọng khi được chính thức coi như một chiếc thẻ ID để trình diện khắp nơi khắp chốn (ở Mỹ không có chứng minh thư nhân dân).
Còn ở Việt, nói về tình trạng giao thông ở thì hết sức lấn cấn rồi. Để có được cái bằng, nhiều lúc kẻ đứng tên bằng cũng chẳng cần phải có mặt để thi. Vi phạm luật thì cứ “xì tiền” ra là “xe ta lại bon bon trên chiến trường.” Người dân chuyên trị chửi bới các đồng chí cảnh sát giao thông hay tranh thủ ăn chặn, nhưng chính bản thân mình cũng không hề tuân thủ bất cứ luật lệ nào.
Riêng việc cho trẻ con ra đường không đội mũ bảo hiểm là trăm người như một. Còn người lớn thì tình trạng đội mũ lởm, sai cung cách cũng là chuyện thường. Chạy xe trên các tuyến đường Kim Mã, Chùa Bộc là cả trăm sạp hàng vỉa hè bán mũ chỉ với giá 30 ngàn. Mọi người đội để tránh bị mất tiền chứ không phải vì sợ mất mạng. Còn việc đỗ xe tùy tiện trên lề đường thì lại quá thường xuyên. Đây cũng là một trong những lý do gây ách tắc giao thông tại các đường phố Hà Nội. Các tuyến đường thì nhỏ xíu, nhưng xe to thì đi qua đi lại rất nhiều. Mà Hà Nội có nhiều sự mâu thuẫn không thể hiểu nổi. Người ta đi xe to xịn, rồi đỗ xịch một cái rất duyên để đi vào một quán nộm ngay vỉa hè để ăn. Ăn xong lại ngồi lê đôi mách đến cả tiếng đồng hồ. Ngoài kia, xe đi qua lại còi inh ỏi thì lại cho thế là đông vui. Thêm nữa, cũng đừng hòng mà tìm được chỗ đỗ xe tử tế, nên thôi cứ lối ai người đấy đỗ.
Tiếp đến chuyện uống rượu. Chúng ta đang chửi bới gã tài xế đâm chết người trong vụ tai nạn ban sáng, nhưng có ai nghĩ đến tối nay cùng bè bạn đi nhậu nhẹt lại rủ nhau bớt uống lại, hay khích nhau chén chú chén anh cho vui thói? Nói thì dễ dàng, chửi bới lại càng đã miệng, chỉ có nhìn nhận và chỉn chu bản thân mình mới là muôn vàn khó. Mà cái thói bắt ép nhau uống, đến say bết, ói mửa ra chắc chỉ có ở đất Việt. Hàn Quốc cũng là một đất nước có văn hóa nhậu, tuy nhiên họ uống kiểu vui vẻ đuề huề, không áp lực nhau. Chưa kể các nhà hàng có một dịch vụ mà tôi thấy rất thú vị, dịch vụ thuê người lái xe. Khi khách hàng lái xe đến rồi về trong tình trạng ngà ngà say, họ sẽ đăng ký gọi một người đến để lái xe của mình đưa về. Về đến nhà thì trả tiền song phẳng rồi thẳng tiến vào nhà ngủ một giấc say sưa. Mà một điều tôi thấy nể đó là một khi không sẵn sàng “tới bến” thì họ rất biết từ chối, chứ không chày cối uống cho bằng anh bằng em.
Một điều lạ nữa đó là Việt Nam cũng không có quy định chính thức về tuổi uống đồ uống có cồn, thế nên việc các em học sinh cấp 2 cấp 3 tụ tập uống bia, rượu không có gì lạ lùng. Ngay từ nhỏ, những đầu óc non nớt ấy sẽ thấy rượu như bạn bè thân thiết, chẳng có gì phải kiêng dè e sợ. Người lớn còn cổ vũ các em uống để tập “hòa nhập”…Tại sao đã hàng trăm ngàn vụ tai nạn chết người liên quan đến rượu bia mà cho đến giờ này, sau tất cả những bộ luật có tính trách nhiệm và lo xa như “phải có bình cứu hỏa trong xe”, hay thông tư 91 “tăng thêm 10km/h cho xe chạy trong và ngoài khu dân cư”, vẫn chưa có hình phạt cụ thể nào cho các trường hợp sử dụng và cung cấp đồ uống có cồn cho tuổi dưới vị thành niên (18 tuổi)?
“Phía trước tay lái là sự sống”, những người lái xe vẫn được dạy cần phải tâm niệm thế, không chỉ là riêng sự sống của người mà còn là sự sống của chính mình. Đâm chết người rồi mình còn sống, rồi có thấy vui vẻ mà sống tiếp hay cứ đau đáu ám ảnh mãi. Cứ khoảng thời gian nhiều nắng, có lẽ là mùa thu khai trường, cả sân trường cỏ xanh mướt nơi tôi từng học lại tràn những lá cờ màu xanh ghi tên các nạn nhân xấu số bị chết bởi tai nạn xe hơi khi say rượu. Họ nhắc tên cả chính những người lái xe đã gây nên tội lỗi. Bởi vì những tai nạn như thế không phải chỉ xảy ra ngày hôm nay, mà còn là trong tương lai, trong nỗi đau của mỗi gia đình, trong tiếc thương của mỗi xã hội. Họ làm thế hàng năm như một cách nhắc nhở miệt mài về trách nhiệm của mỗi thế hệ trẻ. Ngày hôm nay chúng ta nhắc đến bé Gia Hân thứ hai đầu tuần đến trường, cặp sách bút vở nhuốm đỏ máu em và nỗi đau của bà của mẹ, nhưng rồi chúng ta sẽ lại lãng quên mãi mãi. Lỗi chẳng của riêng ai, mà là của tất cả chúng ta.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.