Thay vì mở rộng sản xuất ở Việt Nam như dự định trước đây, do giá nhân công lẫn chi phí hoạt động đều gia tăng, hãng Apple của Mỹ đang có bước đi mạnh mẽ và chiến lược là chuyển việc sản xuất máy tính MacBook từ Việt Nam sang Ấn Độ, theo các bài đăng trên SimplyMac, Patenly Apple và DigiTimesAsia hôm 10/2.
VOA liên lạc với trụ sở chính của Apple ở Mỹ để tìm hiểu thêm nhưng không nhận được hồi đáp ngay lập tức.
Theo SimplyMac, Patenly Apple và DigiTimesAsia, trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trung tâm chính trong chuỗi cung của Apple, đặc biệt về phụ kiện và thiết bị nhỏ. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn thứ tư của Apple.
Tuy nhiên, chi phí nhân công tăng lên, hạn chế về nguồn cung lao động lành nghề và giá đất ngày càng đắt hơn làm cho việc sản xuất MacBook quy mô lớn trở nên khó có lãi, kém khả thi.
Bên cạnh đó, sự lệ thuộc của Việt Nam vào linh kiện nhập khẩu càng làm tăng thêm chi phí sản xuất, điều đó đưa Ấn Độ trở thành nước thay thế hấp dẫn hơn.
Việc dịch chuyển sản xuất không phải vì Việt Nam “tồi”, bài của SimplyMac có đoạn. Vấn đề chủ yếu là chi phí. Sản xuất ở Việt Nam gần đây trở nên đắt đỏ hơn trong khi Ấn Độ mang lại một số lợi ích cho Apple.
Điều này cũng không đồng nghĩa là Apple đang rời khỏi Việt Nam hoàn toàn nhưng nó cho thấy chi phí là vấn đề rất quan trọng khi các hãng quyết định đặt hoạt động sản xuất ở đâu.
Bên cạnh mục đích giảm chi phí, động thái của Apple là một phần trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung. Cho đến nay, hãng đã và đang nỗ lực giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là do những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhiều sự bất định về địa chính trị và lập trường khó đoán định của chính quyền Tổng thống Trump, các bài đăng của SimplyMac và Patently Apple chỉ ra.
Bằng việc chuyển dây chuyền sản xuất MacBook sang Ấn Độ, Apple củng cố mức độ bền vững của chuỗi cung của hãng trên toàn cầu trong khi khai thác thị trường nội địa đang bùng nổ ở Ấn Độ.
Đất nước Nam Á với dân số lớn nhất thế giới có những yếu tố quan trọng đối với Apple gồm lực lượng lao động lành nghề, chính phủ hỗ trợ tốt và tính hiệu quả về chi phí.
Cụ thể hơn, theo SimplyMac, Ấn Độ ngày càng có nhiều kỹ sư và kỹ thuật viên được đào tạo tốt cho ngành sản xuất công nghệ cao, chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút các hãng chế tạo điện tử toàn cầu, và mức lương ở Ấn Độ cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Theo tìm hiểu của VOA, năm 2024, GDP đầu người Việt Nam là 4.700 đô la, gấp gần 1,6 lần so với 2.940 đô la của Ấn Độ.
Diễn đàn