Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine hôm 3/3 bước sang tuần lễ thứ nhì, lực lượng tấn công chủ chốt còn tạm ngưng ở phía bắc thủ đô Kyiv trong khi một số thành phố của Ukraine đang hứng làn mưa đạn của Nga.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng tệ hại hơn, hơn một triệu người tị nạn hiện đã chạy khỏi Ukraine, Liên hiệp quốc cho hay.
Một vòng đàm phán thứ hai giữa phái đoàn Ukraine và Nga bắt đầu tại Belarus lúc 1400 giờ GMT. Phía Ukraine yêu cầu ngưng bắn và mở hành lang nhân đạo để di tản thường dân đang bị bủa vây trong lúc lực lượng xâm lược của Nga bao vây dội bom các thành phố Ukraine.
Đôi bên nhất trí cần lập hành lang nhân đạo và một cuộc ngưng bắn xung quanh các hành lang nhân đạo này để thường dân Ukraine di tản, đại diện đàm phán cả hai bên cho biết sau cuộc đàm phán.
Trong khi đại diện thương thuyết phía Nga, Vladimir Medinsky, nói các cuộc đàm phán đạt tiến bộ quan trọng thì một đại diện thương thuyết của đoàn Ukraine cho biết không đem lại kết quả mà Kyiv mong đợi nhưng hai bên cùng thông hiểu về việc di tản thường dân.
Tại Nga, phớt lờ lên án quốc tế về cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang diễn tiến theo đúng kế hoạch.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở lại Kyiv, thường xuyên đăng video cập nhật tình hình cho dân chúng. Trong video mới nhất ông nói Ukraine vẫn giữ vững phòng tuyến và rằng: “Chúng ta không có gì để mất ngoài chính sự tự do của chúng ta.”
Ngoại trưởng Nga SergeiLavrov nói đáp ứng của phương Tây trước những hành động của Nga là “cuồng loạn”, mà ông nói sẽ qua đi.
Bất chấp kế hoạch ban đầu là lật đổ nhanh chóng chính phủ Kyiv, theo các nước phương Tây, Nga tới nay chỉ chiếm được duy nhất một thành phố, đó là thành phố cảng Kherson trên sông Dnipro ở miền nam. Các xe tăng Nga đã tiến vào đây hôm 2/3.
Với lực lượng tấn công chủ chốt bị chựng lại nhiều ngày trên một xa lộ phía bắc thủ đô Kyiv, Nga đã thay đổi chiến thuật, tăng cường oanh kích các thành phố. Nhiều nơi tại trung tâm Kharkiv đã trở thành những đống đổ nát. Đây là một thành phố với 1,5 triệu dân.
Mariupol, một cảng chính phía đông Ukraine, bị bao vây và bị bắn phá mãnh liệt, không có điện, không có nước. Các giới chức cho hay không thể di tản những người bị thương. Hội đồng thành phố so sánh tình hình tại đây như vụ bao vây Leningrad trong Thế chiến Thứ hai.
Bộ quốc phòng Anh cho hay phần chính của đoàn xe quân sự Nga hướng về Kyiv vẫn còn cách trung tâm thành phố 30 km, bị cầm chân bởi sự kháng cự của người Ukraine, sự cố cơ khí và giao thông tắc nghẽn.
Tại Borodyanka, một thị trấn cách Kyiv 60 km nơi cư dân địa phương đã đẩy lùi cuộc tấn công của Nga, xác xe bọc thép của Nga bị đốt cháy nằm rải rác trên một xa lộ, chung quanh là những tòa nhà bị trúng đạn đổ sập thành những đống đổ nát.
Các cơ quan cứu hộ khẩn cấp tại vùng Chernihiv cho hay có 22 thi thể được lôi ra từ đống đổ nát do Nga không kích. Trước đó, thống đốc Viacheslav Chaus loan báo ít nhất có 9 người chết trong một cuộc không kích của Nga trúng vào nhà cửa và hai trường học.
Video từ một máy quay trên xe, đã được Reuters kiểm chứng, cho thấy các tòa nhà tại Chernihiv thình lình phát nổ vì bị tên lửa bắn trúng. Đường phố chìm ngập trong biển lửa và khói đen bốc lên không trung nghi ngút.
Hai tàu chở hàng bị tấn công tại các cảng của Ukraine. Sáu thủy thủ được cứu trên biển sau khi một tàu do Estonia làm chủ phát nổ và chìm ngoài khơi Odessa. Ít nhất một thủy thủ thiệt mạng trong một vụ nổ trên một chiếc tàu của Bangladesh tại Olvia.
Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực phẩm lớn nhất thể giới từ các cảng ở Biển Đen.
‘Tự dối lòng’
Giũa lúc Moscow càng ngày càng bị cô lập về ngoại giao, chỉ có Belarus, Eritrea, Syria và Triều Tiên bỏ phiếu với Nga chống lại một nghị quyết khẩn cấp tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc lên án Moscow “xâm lược.”
Ông Putin đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 3/3, nói rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu, bao gồm phi quân sự hóa và trung lập Ukraine, điện Kremlin cho hay.
Ông Macron nói với ông Putin: “Ông đang tự dối lòng” về chính phủ tại Kyiv mà Moscow nói là một đe dọa an ninh đối với Nga, và rằng chiến tranh sẽ làm Nga phải trả giá cao, một quan chức Pháp cho biết.
Tại Nga, nơi hầu hết những người đối lập đã bị bỏ tù hay lưu vong vì các cuộc đàn áp trong năm qua, nhà cầm quyền cấm gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” là “xâm lược” hay “chiến tranh”.
Đài phát thanh Ekho Moskvy, một trong những tiếng nói độc lập ít ỏi còn lại tại Nga, ngày 3/3 tự đóng cửa sau khi nhà cầm quyền ra lệnh không được phát thanh.
Cảnh sát chống bạo loạn bắt người biểu tình trên đường phố St Peterburg hôm 2/3. Trong số này có một cụ bà 77 tuổi đang quay phim bị những người trang phục đen đội mũ bảo hộ bắt lôi đi. Các nhà hoạt động phát tán hình ảnh một bé gái khóc sau song sắt. Em bị bắt vì giương cao một một khẩu hiệu với dòng chữ “Không chiến tranh.”
Cuộc tiến quân bị chựng lại
Các nhà phân tích quân sự nói việc tiến quân của Nga là một thất bại chiến thuật, đoàn xe được bảo trì kém hiện bị kẹt trên những con đường bùn lầy vì tuyết tan. Mỗi ngày lực lượng tấn công chủ chốt này bị kẹt trên xa lộ phía bắc Kyiv là mỗi ngày tình trạng càng tồi tệ, ông Michael Kofman, một chuyên gia về quân sự Nga tại Trung tâm Wilson ở thủ đô Washington, nhận định.
Khi khả năng thắng lợi thần tốc giảm dần, Nga có thể trở lại các chiến thuật từng sử dụng tại Syria và Chechnya, khi oanh kích các thành phố Aleppo và Grozny thành những đống đổ nát.
Nga công nhận có gần 500 binh sĩ thiệt mạng.
Phía Ukraine nói họ đã hạ sát gần 9.000 binh sĩ Nga dù con số này không thể xác nhận được.
Kherson, với khoảng 250.000 dân, là trung tâm đô thị lớn duy nhất bị chiếm.
Công tố viên hàng đầu của Tòa án Hình sự Quốc tế cho hay một toán tiền trạm đã rời The Hague đi tới Ukraine để bắt đầu điều tra về khả năng tội ác chiến tranh. Nga phủ nhận nhắm vào thường dân và nói mục tiêu của họ là “giải giới” Ukraine và bắt sống các lãnh đạo Ukraine mà Nga gọi là tân đế quốc xã.