Đường dẫn truy cập

Chiến thuật linh hoạt trong chiến lược kiên định


Cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie, ngày 6/6/1944.
Cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie, ngày 6/6/1944.
Cả thế giới chăm chú theo dõi lễ kỷ niệm lần thứ 70 cuộc đổ bộ của Quân đội Đồng minh lên bờ biển Normandie (Pháp) ngày 6 tháng 6 năm 1944 , được coi là “Ngày dài nhất” do tính chất cam go quyết liệt của chiến dịch quân sự thần kỳ này.

Các nước Đồng minh xưa như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada,…đều mở hội, nói chuyện, chiếu phim, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, gặp các cựu chiến binh hiếm hoi từng tham dự chiến dịch Overlord còn sống (đều trên 90 tuổi). Riêng bãi biển Normandie tưng bừng đón tiếp hơn 30 vạn khách từ khắp nơi.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp mặt tại đây của các nhà lãnh đạo cao nhất các nước giữa lúc tình hình thế giới đang diễn ra những cuộc khủng hoảng và căng thẳng – kể cả cuộc khủng hoảng ở Ukraine, do sự sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Pháp trong một tư thế không bình thường. Con gấu Nga vốn hung hăng kiêu ngạo nay ở trong thế cô đơn lép vế, mặc dù 70 năm trước Hồng quân Liên xô từng đóng góp không nhỏ trong chiến thắng phát xít Hitler.

Ông Putin được Tổng thống Pháp Francois Hollande đón tiếp khá niềm nở, lịch sự, hoan nghênh sự có mặt của nhà lãnh đạo Nga trong ngày kỷ niệm lịch sử này, nhắc đến cống hiến của Liên Xô xưa trong sự nghiệp chống phát xít. Thủ tướng Anh David Cameron cùng chung một thái độ với Pháp. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel hé nở nụ cười khi bắt tay ông Putin, trao đổi ‎ý kiến ngắn có vẻ nhã nhặn. Riêng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Canada Stephen Harper giữ một lập trường riêng, nghiêm khắc, lạnh lùng, không tỏ ‎ý muốn gặp mặt người lãnh đạo cao nhất của nước Nga. Ông Obama nói trước rằng nếu như có gặp ông sẽ chỉ nói rằng phía Nga phải xuống thang trong việc can thiệp vào nội bộ Ukraine, nếu không sẽ có trừng phạt tiếp(The Washington Post 6/6/2014).

Đó là điều dễ hiểu, Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới dân chủ đang trong trạng thái chiến tranh lạnh với con gấu Nga do sự chiếm đoạt phi pháp bán đảo Crimea, do Nga vẫn còn xúi giục và tiếp tay cho một bộ phận dân gốc Nga ở phía Đông Ukraine nổi dậy đòi ly khai, gây nên mầm mống nội chiến rất nguy hiểm. Hoa Kỳ đã thực hiện những trừng phạt kinh tế tài chính nghiêm khắc, nay đang cảnh báo sẽ có trừng phạt tiếp theo nếu như Nga không ngừng ngay sự can thiệp thô bạo vào Ukraine, một nước có chủ quyền ở châu Âu, một thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Theo báo le Monde và The Washington Post, cuối cùng ông Putin đã đến gặp ông Obama trong 15 phút sau buổi tiệc trưa 6/6. Tuy nội dung không được tiết lộ, dư luận biết chắc rằng Tổng thống Mỹ đã yêu cầu ông Putin ngưng ngay việc tiếp tay cho những nhóm nổi dậy và tuồn vũ khí vào phía Đông Ukraine, có như thế việc trừng phạt Nga mới có thể chấm dứt.

Xem ra ông Putin bắt đầu hiểu ra lẽ phải, ‎ý đồ khôi phục đế chế Nga Hoàng xưa cũng như đế chế Cộng sản Liên Xô cũ chỉ là ảo mộng hão huyền. Từ chỗ lớn tiếng phản đối cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine ngày 25/5/2014, ông đã chịu công nhận kết quả của cuộc bầu ấy. Sau bước lùi này, ông Putin còn chịu

gặp mặt trực tiếp và trao đổi ‎ý kiến trên đất Pháp với Tổng thống mới Pétro Poroshenko của Ukraine, một ngày trước khi ông tuyên thệ nhận chức. Đây là một nét tích cực của tình hình.

Trong buổi tiệc lớn tại lâu đài Benouville trưa 6/6/2014, Tổng thổng Hollande ngồi giữa, bên phải ông là Nữ Hoàng Elizabeth II (Anh) rồi đến Tổng thống Obama; bên trái là Nữ Hoàng Margrethe II (Đan Mạch) rồi đến ông Putin. Ban lễ tân đã sắp xếp khéo để 2 ông Obama và Putin ngồi cách xa nhau.

Quan sát những gì diễn ra nhân dịp này, các báo Pháp, Anh, Mỹ đều cho rằng Tổng thống Obama đã tỏ ra kiên định trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trấn an có hiệu quả các nước bạn ở Đông Âu, gắn bó thêm các nước trong Nhóm G7 qua cuộc họp ở Brussels (Bỉ) sau khi cuộc họp Nhóm G8 ở Sochi (Nga) bị hủy bỏ, cùng chung sức với các nước NATO đưa ông Putin vào thế cô lập ở châu Âu, buộc con gấu Nga phải xuống nước.

Một điều mới lạ thú vị có thể rút ra từ những sự kiện trên đây là đâu có cần sự hoàn toàn đồng nhất của tất cả 28 nước Liên minh châu Âu trong thái độ với nước Nga bành trướng của Putin. Mỗi nước có một lập trường khác nhau tùy theo vị trí, lợi ích riêng của mình, miễn là chung một phương hướng chiến lược.

Thủ tướng Pháp là chủ nhà, tỏ ra lịch sự mến khách một cách vừa phải; Thủ tướng Anh có chung một thái độ như thế, không vồn vã cũng không lạnh nhạt. Thủ tướng Đức bắt tay, nở nụ cười như muốn an ủi, khuyến khích con gấu Nga nên biết điều, giữ quan hệ tốt, các bên đều có lợi. Tổng thống Mỹ nghiêm khắc với kẻ phạm sai lầm nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế, làm người răn đe chính có hiệu quả. Thủ tướng Canada giữ thái độ lạnh lùng nghiêm cách, không bắt tay chào hỏi kẻ phạm kỷ luật cần cảnh cáo.

Chiến thuật linh hoạt ở mức khác nhau trong chung một chiến lược kiên định dẫn đến hiệu quả cao nhất có thể đạt. Một kinh nghiệm chính trị sống động. Lễ kỷ niệm 70 năm ngày D Day lịch sử 6/6 năm nay do đó càng thêm đậm đà, đặc sắc.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG