Khi các máy bay chiến đấu của Israel sà xuống Dải Gaza sau cuộc tấn công chết người mà các phần tử hiếu chiến Hamas nhắm vào miền nam Israel, người Palestine cho hay một loại chiến tranh khác đã nổ ra ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Lãnh thổ này nhanh chóng bị đóng cửa. Các thị trấn bị đột kích, áp đặt lệnh giới nghiêm, thanh thiếu niên bị bắt, những người bị giam giữ bị đánh đập và các ngôi làng bị lực lượng dân phòng Do Thái xông vào.
Với sự chú ý của thế giới vào Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó, bạo lực chiến tranh cũng bùng phát ở Bờ Tây. Theo Liên hiệp quốc, các cuộc tấn công của người định cư Israel đã gia tăng với tốc độ chưa từng có. Sự leo thang đã gieo rắc nỗi sợ hãi, làm sâu sắc thêm sự tuyệt vọng và cướp đi sinh kế, nhà cửa của người Palestine và trong một số trường hợp là cả mạng sống của họ.
Ông Sabri Boum, một nông dân 52 tuổi, người đã gia cố cửa sổ bằng lưới kim loại vào tuần trước để bảo vệ con cái mình khỏi những người định cư đã ném lựu đạn gây choáng ở Qaryout, một ngôi làng phía bắc, nói: “Cuộc sống của chúng tôi thật là địa ngục”. “Giống như tôi đang ở trong tù vậy.”
Cơ quan y tế Palestine cho biết trong sáu tuần, những người định cư Israel đã giết chết 9 người Palestine. Quan chức Chính quyền Palestine, Ghassan Daghlas, nói người định cư Israel đã phá hủy hơn 3.000 cây ô liu trong mùa thu hoạch quan trọng, đồng thời xóa sạch những gì đối với một số người là di sản được truyền qua nhiều thế hệ. Họ đã quấy rối các cộng đồng chăn nuôi, buộc hơn 900 người phải rời bỏ 15 ngôi làng mà họ gọi là quê hương từ lâu, Liên hiệp quốc cho hay.
Khi được hỏi về các cuộc tấn công của người định cư, quân đội Israel cho biết họ chỉ nhắm mục đích xoa dịu xung đột và quân đội “được yêu cầu hành động” nếu công dân Israel vi phạm luật pháp. Quân đội không trả lời yêu cầu bình luận về các vụ việc cụ thể.
Dù bênh vực chiến dịch của Israel ở Gaza, nhưng Tổng thống Mỹ Biden và các quan chức chính quyền Mỹ đã nhiều lần lên án hành vi bạo lực của người định cư Israel.
“Việc này phải dừng lại,” ông Biden nói vào tháng trước. “Họ phải chịu trách nhiệm.”
Theo nhóm nhân quyền Israel Yesh Din, điều đó đã không xảy ra. Nhóm này cho biết kể từ ngày 7/10, một người định cư đã bị bắt - vì cái chết của một nông dân trồng ô liu - và được thả 5 ngày sau đó. Hai người định cư khác đã bị giam giữ đề phòng dù không bị buộc tội.
Bà Naomi Kahn, thuộc nhóm vận động Regavim, tổ chức vận động hành lang vì lợi ích của người định cư Israel, lập luận rằng các cuộc tấn công của người định cư gần như không phổ biến như các nhóm nhân quyền báo cáo vì đây là một phạm trù rộng bao gồm tự vệ, vẽ bậy chống người Palestine và các hành động khiêu khích bất bạo động khác.
Bà nói: “Toàn bộ hệ thống của Israel hoạt động không chỉ để dập tắt bạo lực này mà còn ngăn chặn nó.”
Trước cuộc tấn công của Hamas năm nay, 2023 đã là năm đẫm máu nhất đối với người Palestine ở Bờ Tây trong hơn hai thập niên, với 250 người Palestine thiệt mạng do hỏa lực của Israel, hầu hết là trong các hoạt động quân sự.
Trong sáu tuần chiến tranh hiện nay, lực lượng an ninh Israel đã giết chết thêm 206 người Palestine, Bộ Y tế Palestine nói.
Trong cuộc đột kích đẫm máu nhất ở Bờ Tây kể từ cuộc nổi dậy hay intifada thứ hai của người Palestine vào những năm 2000, lực lượng Israel đã giết chết 14 người Palestine trong trại tị nạn Jenin hôm 9/11, hầu hết trong số họ là các phần tử hiếu chiến.
Mặc dù trong nhiều năm, những người định cư đã nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Israel, nhưng giờ đây họ đã có những người ủng hộ mạnh mẽ ở cấp cao nhất trong liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trong tháng này, ông Netanyahu đã bổ nhiệm ông Zvi Sukkot, một người định cư tạm thời bị cấm đến Bờ Tây vào năm 2012 vì bị cáo buộc tấn công người Palestine và lực lượng Israel, làm lãnh đạo tiểu ban về các vấn đề Bờ Tây tại quốc hội.
Những người Palestine đã phải chịu đựng những khó khăn dưới sự cai trị của quân đội Israel vào năm thứ 57, nói rằng cuộc chiến này khiến họ dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Xung đột từ lâu đã là một phần của cuộc sống hàng ngày ở đây, nhưng người Palestine nói rằng chiến tranh đã gây ra một làn sóng khiêu khích mới.
Những người định cư
Israel chiếm được Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Những người định cư tuyên bố Bờ Tây là quyền của họ có từ khi sinh theo kinh thánh. Hầu hết cộng đồng quốc tế coi các khu định cư, nơi sinh sống của 700.000 người Israel, là bất hợp pháp. Israel xem Bờ Tây là vùng đất tranh chấp và cho rằng số phận của các khu định cư sẽ được quyết định thông qua đàm phán. Luật pháp quốc tế quy định quân đội, với tư cách là lực lượng chiếm đóng, phải bảo vệ thường dân Palestine.
Người Palestine nói rằng trong gần sáu thập niên chiếm đóng, binh lính Israel thường không bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công của người định cư hoặc thậm chí còn tham gia.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ranh giới giữa người định cư và binh lính ngày càng mờ nhạt.
Việc huy động hơn 300.000 quân dự bị trong thời chiến của Israel bao gồm việc triệu tập những người định cư đi làm nhiệm vụ và giao cho nhiều người quản lý cộng đồng của chính họ. Quân đội cho biết trong một số trường hợp, quân trừ bị sống trong các khu định cư đã thay thế các tiểu đoàn chính quy ở Bờ Tây được triển khai trong chiến tranh.
Ông Tom Kleiner, một người lính trừ bị bảo vệ Beit El, một khu định cư tôn giáo gần thành phố Ramallah của Palestine, nói sự tàn bạo của vụ tấn công Hamas ngày 7/10 đã củng cố niềm tin của ông rằng người Palestine đang quyết tâm “giết hại chúng tôi”.
Ông nói: “Chúng tôi không giết người Ả Rập mà không có lý do.” “Chúng tôi giết họ vì họ đang cố giết chúng tôi.”
Các nhóm nhân quyền cho rằng đồng phục và súng trường tấn công đã thổi phồng cảm giác được miễn trừ của người định cư.
Ông Ori Givati, thành viên của tổ chức Breaking the Silence, một nhóm tố giác gồm các cựu quân nhân Israel, nói: “Hãy tưởng tượng rằng quân đội được cho là bảo vệ bạn giờ đây gồm những người định cư có hành vi bạo lực chống lại bạn.”
Ông Bashar al-Qaryoute, một bác sĩ đến từ làng Qaryout của Palestine, nói cư dân từ khu định cư Shilo gần đó, hiện đang mặc quân phục, đã chặn tất cả trừ một con đường ra ngoài. Ông cho biết họ đã đập vỡ đường ống dẫn nước của Qaryout, buộc người dân phải chở nước bằng xe tải với giá gấp ba lần.
Ông al-Qaryoute nói: “Họ là những người luôn đốt cây ô liu và gây ra nhiều vấn đề.”
Giờ giới nghiêm
Hơn 52 năm, ông Abu Shamsiyya đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng xảy ra ở trung tâm Hebron, nơi duy nhất mà những người định cư Do Thái sống giữa những cư dân địa phương chứ không phải trong các cộng đồng riêng biệt.
Ông nghĩ cuộc sống trong mê cung dây thép gai và camera an ninh không thể nào còn có tồi tệ hơn được. Sau đó thì chiến tranh ập đến.
Ông nói: “Sự khủng bố này, những áp lực này không giống như trước đây”.
Quân đội Israel đã cấm 750 gia đình ở Thành phố cổ Hebron - nơi có khoảng 700 người định cư Do Thái cực đoan sống cùng 34.000 người Palestine dưới sự bảo vệ quân sự nghiêm ngặt - bước ra ngoài trừ một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi tối trong các ngày Chủ nhật, Thứ Ba và Thứ Năm, cư dân và tổ chức nhân quyền B'Tselem của Israel cho hay.
Các trường học đã đóng cửa. Công việc đã dừng lại. Những người bị bệnh đã chuyển đến sống cùng người thân ở khu vực thị trấn do người Palestine kiểm soát. Theo đoạn phim do B'Tselem công bố, những người định cư Israel thường đi lang thang vào ban đêm, chế nhạo những người Palestine bị mắc kẹt trong nhà.
Các điểm kiểm tra gieo rắc nỗi sợ hãi. Những người lính trước đây chỉ liếc nhìn ID của Abu Shamsiyya thì giờ đây tìm kiếm trên điện thoại và mạng xã hội của ông. Họ lục soát ông từ trên xuống dưới, ông nói, trố mắt nhìn và chửi rủa.
Ông Dror Sadot, thuộc tổ chức B'Tselem, nói: “Hebron là một mô hình thu nhỏ trắng trợn về cách Israel đang thực hiện quyền kiểm soát đối với người dân Palestine”.
Khi được hỏi về lệnh giới nghiêm, quân đội Israel cho biết họ đã thiết lập thêm nhiều trạm kiểm soát “như một phần của hoạt động an ninh trong khu vực”. Báo cáo cho biết thêm, các cuộc tấn công của các phần tử hiếu chiến Palestine đã gia tăng đáng kể, kể từ chiến tranh.
Những người định cư bố ráp
Tiếng máy ủi gầm thét. Tiếng súng nổ. Nhìn thoáng qua, các bậc cha mẹ đã dặn dò nhau: Ôm con, khóa cửa, tránh xa cửa sổ.
Người Palestine cho biết những người định cư xông vào ngôi làng phía bắc Qusra gần như hàng ngày, phủ xi măng lên các vườn ô liu và đổ xăng vào ô tô và nhà cửa.
Vào ngày 11/10, những người định cư xông qua những con đường bụi bặm, bắn vào các gia đình ngay trong nhà của họ. Trong vòng vài phút, ba người đàn ông Palestine đã chết.
Các quan chức Palestine cho biết lực lượng Israel được cử đến để giải tán những người định cư có vũ trang và những người Palestine ném đá đã bắn vào đám đông, giết chết thêm một dân làng thứ tư.
Thị trấn ma
Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich nói Israel nên “quét sạch” thị trấn Hawara của Palestine sau khi một tay súng giết chết hai anh em Israel vào tháng 2 năm nay, khiến hàng trăm người định cư nổi cơn thịnh nộ tàn sát.
Một nhà lập pháp tôn giáo cực hữu khác, Zvika Fogel, cho biết ông muốn thấy trung tâm thương mại “đóng cửa, thiêu hủy”.
Ngày nay, Hawara giống như một thị trấn ma.
Quân đội đã đóng cửa các cửa hàng “để duy trì trật tự công cộng” sau các cuộc tấn công của các phần tử hiếu chiến Palestine. Những chú chó bị bỏ rơi lang thang giữa những cửa hàng bị phá hoại. Những tấm áp phích có lời biện minh về việc giết người Palestine được nhìn thấy trên đường: “Hãy đứng lên và giết trước.”
Cơ quan giám sát chống định cư Peace Now cho biết, kể từ khi chiến tranh bắt đầu, phần lớn đường cao tốc bắc-nam chính của Bờ Tây đã bị đóng cửa đối với người Palestine. Việc đi lại mất 10 đến 20 phút giờ đây phải đi đường vòng kéo dài hàng giờ trên những con đường đất nguy hiểm.
Chính trị gia Palestine Mustafa Barghouti cho biết các hạn chế này “đã chia Bờ Tây thành 224 khu ổ chuột được ngăn cách bởi các trạm kiểm soát kín”.
Cơ quan quốc phòng Israel giám sát các vấn đề dân sự của người Palestine cho biết, 160.000 lao động Palestine vốn vượt qua các trạm kiểm soát đó để làm việc tại Israel và tại các khu định cư của người Israel trước ngày 7/10 đã mất giấy phép hằng mơ ước chỉ sau một đêm. Cơ quan này đã cho phép 8.000 công nhân thiết yếu quay trở lại các nhà máy và bệnh viện làm việc vào đầu tháng này.
Ông Ahmed, một thanh niên 27 tuổi đến từ Hebron, người đã mất việc làm nhân viên phụ trách nước uống ở Haifa, Israel, nói: “Ông tôi trông cậy vào tôi và giờ tôi chẳng còn gì cả.” Ông từ chối cho biết họ của mình vì sợ bị trả thù.
“Áp lực đang gia tăng. Chúng tôi dự đoán Bờ Tây sẽ bùng nổ nếu không có gì thay đổi”.
Thu hoạch ô-liu
Người Palestine suốt năm chờ đợi khoảnh khắc mùa thu khi ô liu chuyển từ xanh sang đen. Vụ thu hoạch kéo dài hai tháng là một nghi thức được yêu thích và giúp tăng thu nhập.
Bạo lực đã hủy hoại mùa màng. Họ cho biết, binh lính và những người định cư đã chặn dân làng tiếp cận các vườn cây ăn quả và dùng máy ủi để nhổ bỏ những gốc xương xẩu của những cây cổ thụ hàng thế kỷ.
Bà Hafeeda al-Khatib, một nông dân 80 tuổi ở Qaryout, cho biết binh lính đã bắn chỉ thiên và kéo bà ra khỏi đất khi họ bắt gặp bà đang hái ô liu vào tuần trước. Đây là năm đầu tiên bà có thể nhớ mình không có đủ ô-liu để sản xuất dầu.
Trong một lá thư gửi ông Netanyahu trong tháng này, ông Smotrich kêu gọi cấm người Palestine thu hoạch ô liu gần các khu định cư của Israel để giảm bớt xích mích.
Người Palestine nói rằng những nỗ lực của người định cư đã làm điều ngược lại.
Ông Mahmoud Hassan, một nông dân 63 tuổi ở Khirbet Sara, một cộng đồng phía bắc, nói: “Họ đã tuyên chiến với tôi.” Ông cho biết những người định cư trong lực lượng trừ bị đã bao vây cộng đồng. Ông nói, nếu ông mạo hiểm đi 100 mét đến khu vườn của mình, những người lính đứng canh gác sẽ hét lên hoặc bắn lên không trung. Ông cần được phép rời khỏi nhà và trở về.
Ông nói: “Không còn chỗ để nói chuyện với họ hay đàm phán nữa.”
Quân đội nói họ đã “xem xét kỹ lưỡng” các báo cáo về bạo lực chống lại người Palestine và tài sản của họ. “Các biện pháp kỷ luật được thực hiện tương ứng,” quân đội nói mà không giải thích thêm.
Di tản
Các nhóm nhân quyền cho biết mục tiêu bạo lực của người định cư là nhằm loại bỏ người Palestine khỏi vùng đất mà người Palestine tuyên bố là nhà nước tương lai, nhường chỗ cho các khu định cư của người Do Thái mở rộng.
Làng Bedouin của Wadi al-Seeq đã bị đẩy đến điểm tan vỡ sau khi ba người Palestine bị giam giữ trong chín giờ đồng hồ hôm 12 tháng 10. Những lời tường thuật đau lòng này lần đầu tiên được nhật báo Haaretz của Israel đưa tin. Dân làng cho biết bạo lực kéo dài nhiều tuần đã buộc 10 gia đình phải chạy trốn khi những người định cư đeo mặt nạ mặc quân phục xông vào ngày hôm đó, quật ngã một cư dân Bedouin và hai nhà hoạt động Palestine xuống đất và xô họ vào xe bán tải.
Một trong những nhà hoạt động, ông Mohammed Matar, 46 tuổi, nói với AP rằng họ bị trói, đánh đập, bịt mắt, lột đồ lót và bị đốt bằng thuốc lá.
Ông Matar cho biết những người định cư trong lực lượng trừ bị đã tiểu vào ông, dùng gậy chọc vào hậu môn ông và hét vào mặt ông yêu cầu ông cút đi đến Jordan.
Khi được thả ra, ông Matar bỏ đi. Ba mươi gia đình còn lại của Wadi al-Seeq cũng vậy. Họ đưa đàn cừu của mình đến vùng đồi phía đông Ramallah và bỏ mọi thứ.
Quân đội Israel cho biết họ đã sa thải người chỉ huy phụ trách và đang điều tra.
Ông Matar nói rằng để tiếp tục cuộc sống, ông cần Israel buộc ai đó phải chịu trách nhiệm.
“Tôi hài lòng với mức tối thiểu,” ông nói, “một phần nhỏ nhất của công lý.”
Diễn đàn