Chương trình tin tức trên truyền hình Trung Quốc ngày hôm nay cho thấy một đoàn xe 30 chiếc, được cho là đoàn xe của ông Kim Jong Il, chạy qua thành phố Cát Lâm ở vùng đông bắc và những dấu hiệu về việc tăng cường các biện pháp an ninh.
Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh không xác nhận là nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên đang đi thăm Trung Quốc.
Tin tức báo chí nói rằng người con trai út và là người được cho là sẽ kế vị ông Kim Jong Il cùng đi trong chuyến đi này.
Ông Nicholas Thomas, giáo sư Á châu học của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết ông tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn gặp gỡ để tìm hiểu thêm về người kế vị ông Kim Jong Il.
Ông nói: "Trung Quốc chỉ sẵn sàng hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên khi nào những hành động của Bắc Triều Tiên không tạo ra một tác động tiêu cực cho Trung Quốc trong khu vực lân cận của họ. Và tôi nghĩ rằng đây là một phần của cách thức tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc chuyển tiếp ở Bắc Triều Tiên là tiếp xúc để tìm hiểu."
Ông Kim Jong Il rời Bình Nhưỡng trong lúc cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter có mặt ở Bắc Triều Tiên để vận động cho một tù nhân người Mỹ được phóng thích.
Tuy chuyến đi của ông Carter là một chuyến viếng thăm không chính thức, giáo sư Thomas cho rằng có thể ông Kim Jong Il đã cố ý chọn lúc này để đi Trung Quốc ngõ hầu các nhà hoạch định chính sách của Bắc Triều Tiên có thêm thời giờ để xác định lập trường của họ đối với Hoa Kỳ.
Ông Thomas cho rằng ông Kim Jong Il muốn xin Trung Quốc giúp đỡ vì những biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ áp dụng đối với Bắc Triều Tiên sau khi có tố cáo cho rằng quốc gia cộng sản này là thủ phạm của vụ đánh chìm một chiến hạm của Nam Triều Tiên hồi tháng 3.
Ngoài việc đó ra, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng muốn bàn về việc Trung Quốc giúp cho Bắc Triều Tiên đạt được mục tiêu thương lượng trực tiếp với Washington – một mục tiêu mà họ xem là rất quan trọng. Đó là điều mà họ thực sự mong muốn. Họ muốn điều đình trực tiếp với Washington, muốn có một hòa ước trực tiếp với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên giao tranh với nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm, chấm dứt vào năm 1953 mà không có một hòa ước chính thức.
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục giữ yên lặng trước những tin tức nói rằng lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên đang có mặt ở nước họ. Các cơ quan truyền thông, kể cả truyền thông của Trung Quốc, đã tường thuật về việc những biện pháp an ninh được tăng cường và những đoàn xe chuyên hộ tống các giới chức cấp cao xuất hiện ở một thành phố trong vùng đông bắc mà nhiều người tin là ông Kim Jong Il đang đi thăm. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết.