Đường dẫn truy cập

Cựu TT Carter cứu thành công 1 người Mỹ bị giam ở Bắc Triều Tiên


Trong chuyến viếng thăm hiếm có và không chính thức đến Bắc Triều Tiên, một vị cựu Tổng thống Mỹ đã vận động thành công để chính quyền ở Bình Nhưỡng trả tự do cho một công dân Mỹ bị cầm tù. Chuyến đi này có lẽ cũng đã làm giảm bớt những mối căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Từ thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên xác nhận rằng cựu Tổng thống Jimmy Carter đã rời Bắc Triều Tiên ngày hôm nay với ông Aijalon Mahli Gomes, người từng bị giam cầm từ tháng Giêng vì tội nhập cảnh bất hợp pháp. Ông bị tuyên án 8 năm tù khổ sai và phạt một khoản tiền tương đương với 700 ngàn đô la.

Hãng thông tấn Trung ương ở Bình Nhưỡng nói rằng ông Carter “đã thay mặt chính phủ Mỹ đưa ra lời tạ lỗi” và cam kết là những vụ việc như vậy “sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Ông Kim Han Jung, giáo sư môn chính sách xã hội của Đại học Kyungwon của Nam Triều Tiên, cho biết rằng việc phóng thích ông Gomes cho thấy Bắc Triều Tiên muốn đối thoại với Hoa Kỳ.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên muốn thoát khỏi những khó khăn hiện nay trong vụ bế tắc ngoại giao."

Tuy nhiên, dường như ông Carter đã không gặp lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, mặc dù ông đã gặp ông Kim Young Nam, nhân vật đứng hàng thứ nhì trong chính phủ ở Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Trung tâm Carter ở Hoa Kỳ cho biết ông Carter đã yêu cầu đặc xá cho ông Gomes vì lý do nhân đạo và theo dự liệu phi cơ chở họ sẽ về tới thành phố Boston trưa ngày hôm nay.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoan nghênh việc ông Gomes được phóng thích vì vốn có những mối lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông. Tuy nhiên họ nói rằng ông Carter đến Bình Nhưỡng trong tư cách cá nhân, theo lời mời của Bắc Triều Tiên.

Truyền thông Bắc Triều Tiên cho hay ông Kim Young Nam đã trình bày với ông Carter về quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc quay lại với cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Kim Han Jung không xem phát biểu vừa kể là quan trọng, một phần là vì nó không được lãnh tụ Bắc Triều Tiên đích thân đưa ra.

Ông cho biết: "Bất kể là ông Kim Young Nam nói với phái đoàn của ông Carter điều gì thì điều đó cũng không phải là một tiến bộ thật sự."

Có tin cho hay ông Kim Jong Il đã tới Trung Quốc ngày hôm qua. Chuyến đi của ông Kim không được loan báo công khai và chưa có dấu hiệu nào về lý do tại sao ông đến Trung Quốc. Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên nghĩ rằng Kim có thể muốn xin thêm viện trợ của Trung Quốc hoặc muốn vận động để Trung Quốc ủng hộ cho việc con trai út của ông lên thay ông nắm quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc đang dẫn đầu những nỗ lực để mở lại cuộc đàm phán hạt nhân, bao gồm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Nhật bản, Hoa Kỳ và Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Võ Đại Vĩ đã có mặt ở Seoul trong tuần này để thảo luận về vấn đề này.

Hồi đầu tuần này Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên dường như đã bớt cứng rắn hơn trong việc đòi gắn kết việc mở lại đàm phán với vụ chiến hạm Nam Triều Tiên bị đánh chìm hồi tháng 3. Seoul nói rằng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã đánh chìm chiến hạm Cheonan và đòi Bình Nhưỡng tạ lỗi. Bắc Triều Tiên nói rằng họ không hề dính líu gì tới vụ này.

Kể từ khi thử nghiệm một cơ cụ hạt nhân lần đầu vào năm 2006 và lần thứ hai hồi năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã bị cộng đồng quốc tế áp đặt thêm những biện pháp chế tài nghiêm nhặt. Thêm vào đó, kinh tế của họ tiếp tục bị suy yếu và các cơ quan cứu trợ nói rằng mùa màng thất bát khiến cho Bắc Triều Tiên gặp nguy cơ bị nạn đói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG