Hôm 11/5, các nghị sĩ và các quan chức chính phủ Hoa Kỳ cùng hội đoàn cộng đồng người Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam lần thứ 28, nhấn mạng tầm quan trọng các giá trị căn bản mà Hoa Kỳ cần thúc đẩy khi xúc tiến quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam.
Buổi lễ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến diễn ra cùng lúc Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và phái đoàn đang có chuyến công du tại thủ đô Washington để tham dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN.
Ban tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam nói với VOA rằng, ngoài sự kiện trực tuyến này, còn có Ngày vận động cho nhân quyền Việt Nam, diễn ra vào ngày 12/5, là dịp để các cộng đồng người Việt có mặt ở thủ đô Mỹ gặp gỡ các nhà lập pháp để yêu cầu gây áp lực về nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam.
Thượng nghị sĩ John Cornyn phát biểu qua một video hôm 11/5:
“Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để chấm dứt những vi phạm nhân quyền đáng tiếc vẫn còn xảy ra ở Việt Nam. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng các quyền tốt hơn”.
“Chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm hiến pháp và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng quốc tế thông qua việc bắt bớ, giam giữ và bỏ tù tùy tiện các nhà hoạt động, nhà báo độc lập, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến. Trong nhiều trường hợp, những cá nhân này bị bỏ tù oan sai với những bản án tù khắc nghiệt và cực kỳ dài”, Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu qua video.
Ngày Nhân quyền Việt Nam diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt của Hoa Kỳ - ASEAN tại Washington DC, các đồng nghiệp của tôi và tôi trong Quốc hội đang kêu gọi Tổng thống Biden và chính quyền nêu vấn đề nhân quyền với các quan chức Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.Dân biểu Alan Lowenthal
“Ngày Nhân quyền Việt Nam diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt của Hoa Kỳ - ASEAN tại Washington DC, các đồng nghiệp của tôi và tôi trong Quốc hội đang kêu gọi Tổng thống Biden và chính quyền nêu vấn đề nhân quyền với các quan chức Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam”, ông Lowenthal nói thêm.
Phát biểu tại Ngày nhân quyền Việt Nam, ông Scott Busby, quyền Vụ trưởng vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại:
“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và các án tù dài hạn...
“Chúng tôi rất thất vọng khi một tòa án Việt Nam kết án Phạm Đoan Trang vào cuối năm ngoái với mức án 9 năm tù giam. Chúng tôi đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về sự kết án và bản án này, và chúng tôi đã nêu ra trường hợp của bà ấy trong nhiều lần trao đổi với chính phủ Việt Nam.”
Ông Busby cũng quan ngại về các trường hợp khác như nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức...vẫn đang bị giam cầm tại Việt Nam.
Bà Anurima Bhargavar, Uỷ viên của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng nhắc đến trường hợp ông Truyển và nhấn mạnh rằng cơ quan của bà sẽ tiếp tục vận động để ông được tự do.
“Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hiện có mặt tại Washington trong tuần này, cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn được tham gia với họ trong cuộc đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc với mục tiêu đạt được tiến bộ cụ thể về nhiều mối quan tâm về nhân quyền”, ông Busby nói.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hiện có mặt tại Washington trong tuần này, cùng với nhiều nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn được tham gia với họ trong cuộc đối thoại thẳng thắn và nghiêm túc với mục tiêu đạt được tiến bộ cụ thể về nhiều mối quan tâm về nhân quyền của chúng tôi.Ông Scott Busby
Ông Phan Thông Hưng, đại diện ban tổ chức Ngày Nhân quyền cho Việt Nam, chia sẻ với VOA về vấn đề tình hình nhân quyền Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ:
“Việt Nam tiếp tục đàn áp nhân quyền. Chúng tôi phản đối việc chính quyền Việt Nam đang hành xử đối với các tù nhân lương tâm.
“Có thể nhân quyền không còn là vấn đề quan trọng nhất trong tình hình hiện tại nhưng không phải là vấn đề thứ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Để bắt tay với nhà cầm quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc điều khiển hay giật dây, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng phải uyển chuyển để đạt được mục đích của họ: nhân quyền không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại, nhất là những nước đang bị cộng sản cầm quyền như ở Việt Nam hiện nay”.
Từ năm 1994, ngày 11/5 hàng năm được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.
Đạo luật ban hành ngày 25/05/1994 về việc công nhận này không những nói lên sự cam kết ủng hộ của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đối với công cuộc tranh đấu đòi tự do, dân chủ, và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí và quyết tâm của Người Việt hải ngoại luôn đồng hành, tranh đấu, và yểm trợ để bảo vệ những quyền căn bản của người dân trong nước, theo ban tổ chức.
Lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam hàng năm được tổ chức trọng thể dưới sự bảo trợ của của các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc lưỡng đảng Hoa Kỳ.