Đường dẫn truy cập

Chính quyền quân nhân Thái Lan: Không cần quan sát viên quốc tế tại cuộc bầu cử tới


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại một buổi họp báo đánh dấu kỷ niệm năm thứ 3 sau khi cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok hồi tháng 5/2017. Chính quyền quân nhân sẽ tổ chức bầu cử vào năm sau nhưng không muốn các nhà quan sát quốc tế tới tham dự.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại một buổi họp báo đánh dấu kỷ niệm năm thứ 3 sau khi cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok hồi tháng 5/2017. Chính quyền quân nhân sẽ tổ chức bầu cử vào năm sau nhưng không muốn các nhà quan sát quốc tế tới tham dự.

Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan cho biết hôm 6/11 rằng nước này không cần các nhà quan sát quốc tế đến giám sát các cuộc bầu cử trong năm tới dù có những chỉ trích từ các nhà hoạt động dân chủ rằng chính quyền quân nhân đã hạn chế các quyền dân sự cơ bản.

Chính phủ Thái Lan hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử trong thời gian giữa tháng 2 và tháng 5 sau nhiều lần trì hoãn. Đây là cuộc đua giữa một bên là những người ủng hộ quân đội và những người trung thành với hoàng gia và một bên là các đảng chính trị dân túy hiên do Đảng Puea Thai lãnh đạo – đảng này bị quân đội lật đổ vào năm 2014.

Ngoại trưởng Don Pramudwinai nói những cuộc bầu cử trước đây ở nước Đông Nam Á này đã diễn ra tốt đẹp và đáng tin cậy.

“Có những người khác đến quan sát (bầu cử) có nghĩa là quốc gia đó có vấn đề,” vị ngoại trưởng này nói với các phóng viên.

Lần gần đây nhất khi Thái Lan tổ chức thành công một cuộc bầu cử là vào năm 2011 khi bà Yingluck Shinawatra và đảng Puea Thai của bà giành chiến thắng áp đảo.

Vào tháng 2/2014, một cuộc bầu cử bị gián đoạn bởi các cuộc biểu tình lớn trên đường phố khiến 1/5 khu vực bầu cử của cả nước không tổ chức bầu cử được và cuối cùng dẫn tới vụ đảo chính vào tháng 5/2014.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nói các nhà quan sát quốc tế nên được phép theo dõi việc bỏ phiếu vào năm 2019 và kêu gọi chính phủ Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm các hoạt động chính trị nhằm đảm bảo cuộc bầu cử được tự do và công bằng.

“Khi cuộc bầu cử đã đến gần hơn, chính quyền quân nhân Thái Lan có vẻ quan tâm tới việc tìm kiếm các cơ hội bắt tay và chụp ảnh tại các sự kiện quốc tế lớn nhưng từ chối cho phép các đồng minh nước ngoài tới và chứng kiến những gì sẽ xảy ra tại nơi không tồn tại một môi trường cho việc bầu cử tự do và công bằng,” Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cao cấp về Thái Lan của Human Rights Watch nói với Reuters.

Chính quyền quân nhân gần đây đã nới lỏng một số hạn chế chính trị bằng cách cho phép các đảng chính trị được thành lập nhưng lệnh cấm tranh cử và tụ tập hơn 5 người vẫn có hiệu lực ít nhất cho đến tháng 12.

Ngày diễn ra bầu cử chưa được ấn định nhưng các quan chức chính phủ nói có thể sẽ là ngày 24/2.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG