Tháng Sáu mang ý nghĩa khác nhau cho mỗi người hay mỗi quốc gia. Tháng Sáu năm nay đánh dấu tưởng niệm 30 năm biến cố Thiên An Môn [1]. Vào mỗi đầu tháng Sáu kể từ năm 1989 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn mọi thông tin hay ảnh hưởng có thể vang vọng từ biến cố đó đến người dân của họ, đặc biệt là các thế hệ trẻ sinh trưởng sau này. Họ đã cố tẩy xóa hoàn toàn biến cố này và viết lại lịch sử. Họ đã phần nào đó thành công, ít nhất là cho đến nay, khi đại đa số người dân hoặc không hề hay biết hoặc không muốn nghĩ đến.
Vào tháng Sáu năm 2015, sinh viên du học Tony Chang thuộc trường Đại học Kỹ thuật Queensland dự định tham gia biểu tình tại thành phố Brisbane, Queensland để tưởng niệm biến cố Thiên An Môn và cũng dự tính tham gia ủng hộ cuộc thăm viếng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Úc [2]. Cùng lúc đó, tại quê nhà của Chang ở Shenyang, đông bắc Trung Quốc, các nhân viên an ninh của nhà nước Trung Quốc đã đến gặp mặt bố mẹ của Chang để cảnh báo về các hành động của Chang, nhất là sự tham gia của Chang vào phong trào vận động dân chủ cho Trung Quốc tại Úc. Bố mẹ Chang tất nhiên rất là lo âu vì đây không phải là lần đầu tiên. Chang đã từng bị bắt giam vào năm 2008 lúc chỉ mới 14 tuổi vì đã dám treo các bảng hiệu trên các trụ đường ở Shenyang cổ võ độc lập cho Đài Loan. Sáu năm sau, Chang lại bị rắc rối với lực lượng an ninh lần nữa vì các hoạt động đối kháng của mình. Chang, và cả bố mẹ, đều bị quan sát và theo dõi. Vì thế mà Chang đã quyết định đi du học tại Úc.
Đó là cung cách đối xử của guồng máy cai trị của nhà nước Trung Quốc đối với các nhà vận động dân chủ hay các nhà đối kháng, cũng như với gia đình của họ, cho dầu họ có còn ở trong nước hay không.
Đối phó và loại trừ ảnh hưởng các nhà dân chủ và các tiếng nói phản biện chỉ là một trong các mục tiêu chính yếu của Trung Quốc, nhất là với thành phần hải ngoại. Theo giáo sư chính trị học Clive Hamilton, với hơn 50 triệu Hoa kiều khắp thế giới, trong đó có hơn một triệu đang sinh sống tại Úc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phát triển một kế hoạch phức tạp và nhiều mặt, được thi hành bởi nhiều cơ quan được trang bị nguồn lực dồi dào [3]. Lịch sử, mục tiêu, kế hoạch và chiến thuật của chương trình này được một học giả người gốc Hoa hiện đang cư ngụ tại Tân Tây Lan tên là James Jiann Hua To đã trình bày chi tiết trong luận án tiến sĩ của mình qua các tài liệu mật mà ông đã tiếp cận [4]. Đây là ‘một hoạt động khổng lồ bao gồm sự kết hợp và hợp tác của Hoa kiều trong mọi tầng xã hội, điều khiển cách hành xử và quan niệm của họ bằng cách kích thích hoặc phản kích thích để thích hợp với tình huống và hoàn cảnh cấu trúc mà ĐCSTQ mong muốn’. Hamilton cho rằng ĐCSTQ muốn sử dụng Hoa kiều để tác động lên xã hội Úc, làm cho người Úc cảm thông với Trung Quốc, qua đó giúp họ bá chủ ở châu Á và cuối cùng là thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kinh cần chứng tỏ Trung Quốc chủ trương trổi dậy trong hòa bình. Đây là điều họ rêu rao gần hai thập niên qua. Họ cần chứng tỏ rằng họ có thể hội nhập tốt với thế giới mà không tạo ra phản ứng ngược nào có thể gây cản trở cho mục tiêu này. Để làm được việc đó, lãnh đạo Bắc Kinh, song song với chủ trương sử dụng quyền lực cứng, khi cần, thì đã triển khai các phương hướng phát huy và sử dụng quyền lực mềm ở khắp nơi, khi có thể. Họ hiểu rõ rằng quyền lực cứng có nhiều giới hạn của nó và sẽ không thể bền vững được. Do đó nên các năm đầu của thế kỷ 21, họ đã lên kế hoạch triển khai và phát huy quyền lực mềm ở khắp nơi, từ châu Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc và qua các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và ngoại giao [5].
Bắc Kinh đã triển khai và thực hiện kế hoạch này một cách sâu sắc và rộng khắp trong nhiều năm, với bao nguồn lực quốc gia đổ vào để bảo đảm thành công. Thế nhưng giới chính trị và tình báo Tây phương, ngay cả CIA hay FBI của Hoa Kỳ, cũng thất bại trong việc tìm hiểu và định hình các mục tiêu thâm sâu và lâu dài của Bắc Kinh. Các bài viết và sách nghiên cứu của các học giả uy tín hàng đầu về Trung Quốc như Perry Link, Andrew Nathan, Elizabeth Economy, hay Minxin Pei v.v…, kể từ biến cố Thiên An Môn trở đi, cũng không làm loay chuyển bao nhiên đến suy nghĩ chung của phần lớn người dân khắp thế giới, nhất là giới trí thức Tây phương, rằng sự trổi dậy của Trung Quốc là đáng quan ngại. Giới trí thức, nhất là trí thức Tây phương, tự bản thân sở hữu tư duy độc lập, với suy nghĩ phê phán lẫn phóng khoáng. Giới trí thức, học giả luôn muốn duy trì và chứng minh tư duy khách quan và khoa học của mình. Đây là điểm mạnh và hay của họ, nhưng cũng chính nó làm cho họ thiên vị, nhất là khi các bằng chứng mới xuất hiện.
Mãi cho đến khi Tập Cận Bình trổi lên, và quyền hành ngày càng tập trung vào cá nhân họ Tập, cũng như các quyết định và hành động mang tính hung hăng của Bắc Kinh, đặc biệt tại Biển Đông, thì mới thức tỉnh nhiều người. Lúc đó nhiều bằng chứng về âm mưu trổi dậy không phải trong hòa bình mà là bằng phương thức do Bắc Kinh định đoạt đã dần dần tác động lên tư duy của nhiều người. Nó đã đem lại những cuộc tranh luận cần thiết về bản chất trổi dậy của Trung Quốc trong xã hội Tây phương, nhất là trong giới khoa bảng, học thuật. Kể từ năm 2014, với các tác phẩm của James To, như nói trên, hay của Zheng Wang “Không bao giờ được quên quốc nhục”, và nhất là của tiến sĩ Michael Pillsbury, một học giả, tình báo và chuyên gia về an ninh quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ, qua tác phẩm “Một trăm năm chạy đua” (mà tôi đã có dịp chia sẻ nhiều lần trong các bài trên diễn dàn và Blog của VOA trước đây), các nghiên cứu nghiêm túc và phân tích hàn lâm này đã dần dần tạo ảnh hưởng lên giới trí thức, chuyên gia và truyền thông của Tây phương, đặc biệt tại Anh, Úc, Mỹ, Tân Tây Lan và Canada.
Ngay cả như thế, sự ảnh hưởng lên, và thay đổi, tư duy của một người luôn luôn là một sự trăn trở, khó khăn, và mất thời gian. Xu hướng chung của con người, ngay cả những người cấp tiến và cầu tiến, là không muốn mình sai lầm, không muốn chấp nhận là mình sai lầm. Tại Úc, những chuyên gia về Trung Quốc lên tiếng cảnh báo sự can thiệp ngoại quốc cũng chỉ là những tiếng nói hiếm hoi và lẻ loi. Điển hình trong số này là giáo sư John Fitzgerald, một trong các chuyên gia hàng đầu không chỉ về học thuật mà còn kinh nghiệm thực tiễn làm việc lâu năm tại Trung Quốc; hay John Garnaut, một ký giả nặng ký chuyên về Trung Quốc và sau này trở thành cố vấn truyền thông cho Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull; và gần đây giáo sư Clive Hamilton. Khi thẳng thắn lên tiếng, họ cũng bị những chuyên gia hay trí thức khác, vì bất đồng quan điểm, cách đánh giá hay kinh nghiệm, phê bình và kể cả dán nhãn hiệu cho họ là bài Trung Quốc, là phân biệt chủng tộc, hay thổi phồng quan ngại quá đáng [6, 7].
Trong cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc, giáo sư Fitzgerald đã trình bày các bằng chứng và lý luận khá thuyết phục. Fitzgerald cho biết ĐCSTQ quan tâm sâu xa đến giá trị và quyền lợi của họ khi họ vươn tới tìm cách quản lý và điều khiển cộng đồng người Hoa và các cơ quan truyền thông Hoa ngữ tại hải ngoại [8]. Nhưng đây không phải là chế độ Trung Quốc đầu tiên thực hiện chính sách này. Quản lý các vấn đề Hoa kiều đã bắt đầu có từ thời nhà Thanh, khi họ gửi một số ủy viên Hoàng gia sang Úc để xem xét điều kiện sống và làm việc tại Úc năm 1887. Ủy ban hoàng gia đến Úc lần thứ hai là vào năm 1906 với cùng mục tiêu. Họ đã mở văn phòng sứ quán tại Melbourne, lúc đó là thủ đô của Úc, vào năm 1909, để quản lý các vấn đề liên quan đến Hoa kiều, ngoài vấn đề giao thương giữa hai quốc gia. Sau nhà Thanh thì chính phủ Quốc Dân Đảng của Trung Quốc từ thập niên 1930 và 1940 vẫn tiếp tục cử người chính thức để đại diện cho các thương gia, sinh viên và công nhân tại sứ quán của họ.
Cũng theo Fitzgerald thì chính quyền Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục truyền thống này, nhưng mục tiêu chiến lược của họ có khác. Mục tiêu hàng đầu của chương trình ngoại giao của Trung Quốc tại Úc là “Đảm bảo sự trung thành của người Úc gốc Hoa đối với các giá trị, mục đích, mục tiêu, chính sách, hành vi và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Điều này có nghĩa là làm sao các Hoa kiều xây dựng các mối liên hệ cộng đồng, tham dự và ủng hộ các hoạt động dân sự và văn hóa. Nhưng nó cũng hàm nghĩa là bí mật theo dõi, đột nhập và phá sập những ai được nhìn nhận là kẻ thù của đảng, bao gồm các tổ chức tôn giáo, các nhà hoạt động dân chủ, các nhà cải cách hiến pháp, ký giả, các nhà làm phim, giới nghệ thuật, và những nhân vật truyền thông trong cộng đồng lưu vong. Những người tuy không gây đe dọa sống còn đối với Trung Quốc nhưng có những hoạt động gây bất ổn đối với ĐCSTQ là cũng phải loại trừ. Và nó cũng có nghĩa làm sao điều khiển được, kể cả mua đứt, các cơ quan truyền thông của cộng đồng người Hoa như báo chí, phát thanh, và các phương tiện truyền thông khác tại Úc và những nơi khác, cũng như quyến rũ các cơ quan truyền thông quốc tế chính mạch giới hạn hoặc hủy bỏ các chương trình Hoa thoại mà nội dung đụng chạm đến ĐCSTQ.
Các hành động bí mật này, từ việc theo dõi những nhà hoạt động như Tony Chang và sử dụng bố mẹ của Chang để áp lực Chang ngưng hoạt động tại Úc, cho đến sự xâm nhập vào cộng đồng người Hoa trên toàn Úc, và các cơ quan truyền thông của Hoa kiều v.v…, là điều mà người Úc chỉ mới biết đến trong vòng hai năm nay khi các cơ quan truyền thông Úc điều tra và phanh phui chủ trương này. Hẳn nhiên giới tình báo Úc, nhất là cơ quan ASIO, theo dõi và biết rõ điều này lâu nay.
Vậy ASIO đã làm gì với các thông tin này, và quyền hành của họ trong vấn đề này ra sao, và các nhà hành pháp, lập pháp và truyền thông đã có chiến lược đối phó ra sao trước các âm mưu của Bắc Kinh?
Xin mời quý bạn đọc theo dõi bài tiếp theo vào kỳ tới.
(Úc Châu, 15/02/2019)
Tài liệu tham khảo:
1. Alan Taylor, “Tiananmen Square, 25 Years Ago”, The Atlantic, 4 June 2014.
2. Nick McKenzie, Richard Baker, Sashka Koloff and Chris Uhlmann, “The Chinese Communist Party's power and influence in Australia”, Four Corners, ABC, 29 March 2018.
3. Clive Hamilton, “Silent Invasion: China’s Influence in Australia”, Hardie Grant Books, 2018; chương 3, ‘Qiaowu and the Chinese Diaspora’.
4. James Jiann Hua To, Qiaowu: Extra-territorial policies for the overseas Chines, Leiden: Koninklijke Brill, 2014.
5. Esther Pan, “China’s Soft Power Initiative”, Council on Foreign Relations, 18 May 2006.
6. Clive Hamilton, “I expected to be attacked as racist – just not by Tim Soutphommasane”, The Sydney Morning Herald, 18 March 2018.
7. John Fitzgerald, “China influence: in defence of parliamentary sovereignty”, The Interpreter, Lowy Institute, 19 April 2018.
8. John Fitzgerald, “Loyalty through links and control: The long history of Chinese diaspora diplomacy”, The Interpreter, Lowy Institute, 11 May 2016.