Các chuyên gia nhân quyền của LHQ vừa gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” do Công an tỉnh Long An, khởi xướng đối với một trong những luật sư nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất ở Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia nhận được thông tin cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hay còn được gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.
Văn thư của Báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền đề ngày 31/3/2023 và vừa được công bố hôm 30/5 có đoạn viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi khi đang diễn ra một cuộc điều tra hình sự cáo buộc ông Mạnh, điều này dường như có mối liên quan trực tiếp với việc bào chữa của ông ở Việt Nam”.
Cáo báo cáo viên đặc biệt nói rằng nếu những thông tin mà họ nhận từ các nguồn khác nhau mà được xác nhận, thì vụ việc này dẫn đến “một sự cố nghiêm trọng vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến tự do và hành nghề luật sư một cách độc lập”.
Theo các tiêu chuẩn này, các quốc gia phải đưa ra tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng các luật sư có thể thực hiện tất cả các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rối hoặc can thiệp không phù hợp.
Ba báo cáo viên cũng nhắc đến việc luật sư Mạnh bị cấm xuất cảnh khi ông định sang Campuchia vào đầu tháng 2/2023 và phía công an thông báo cho ông rằng ông đã bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an kể từ tháng 8/2021, điều mà ông không được thông báo trước đó.
Như VOA đã đưa tin, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa các thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, ngày 21/03/2023, bị Công an Long An triệu tập và thẩm vấn liên quan đến cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Việc triệu tập diễn ra sau khi cơ quan này tiếp nhận tin báo từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho rằng ông Mạnh “có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Truyền thông Việt Nam cho biết công an tỉnh Long An triệu tập ông Mạnh lần 2 vào ngày 12/4 nhưng ông không có mặt, nói thêm rằng nếu người được triệu tập vắng mặt thì sau đó sẽ bị áp giải theo luật định.
Các chuyên gia LHQ yêu cầu chính quyền Việt Nam cung cấp thông tin chi tiết về các chứng cứ dẫn đến việc điều tra hình sự đối với ông Mạnh và giải trình xem những điều này phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của Việt Nam theo điều 14, 19, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày các chuyên gia gửi thư cho phía Việt Nam hồi 31/3 và tính đến ngày công bố hôm 30/5, văn thư này vẫn chưa được Hà Nội hồi đáp, theo email của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ gửi cho báo giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia LHQ.
Nữ luật sư Mỹ gốc Việt Vi Trần, đồng sáng lập Tạp chí Luật khoa, nêu nhận định với VOA về Điều luật 331 của Việt Nam:
“Điều luật 331 là điều luật rất phi lý. Nó là luật trên cả luật. Nó không hợp lý và vô ý nghĩa. Và nếu dùng điều luật đó để buộc tội những người luật sư thì càng không đúng hơn, bởi vì một người luật sư phải làm tất cả mọi thứ để bảo vệ và biện hộ cho thân chủ của mình.
“Nếu nhìn về phía luật pháp quốc tế thì việc dùng những điều luật như vậy để buộc tội họ khi họ thực thi quyền lợi của mình và của thân chủ thì rất là sai”.
“Hành vi sách nhiễu, cản trở, đàn áp giới luật sư, đặc biệt là những luật sư can đảm dám nhận lời bảo vệ, bào chữa cho các thân chủ trong những vụ án “bị xem là nhạy cảm” là hành vi xâm phạm nhân quyền của cả luật sư lẫn thân chủ”, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm, người theo dõi vụ án Thiền Am, nêu nhận định với VOA.
Bà Quỳnh nhận định rằng qua thư yêu cầu giải trình này có thể là “cơ sở để giới quan sát nhân quyền quốc tế nhìn lại Điều 331 – một điều luật mơ hồ, vi hiến, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam”.
Hồi tháng 3/2023, Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) có thư ngỏ gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam lên án cuộc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và kêu gọi Việt Nam ngưng điều tra hình sự đối với ông và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ.
Ngoài ra, ICJ còn kêu gọi Việt Nam hủy bỏ hay sửa đổi Điều 331 cho tương thích với luật nhân quyền quốc tế, cũng như phải có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi một cách tự do nghề luật sư mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, hay bị sách nhiễu trong quá trình tố tụng.
Diễn đàn