Lên tiếng tại Tbilisi trong lúc đứng cạnh Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili, Ngoại trưởng Clinton lập lại lời kêu gọi Nga chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Nam Ossetia và Abkhazia, hai khu vực đòi ly khai của Gruzia.
Ngoại trưởng Clinton tuyên bố: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga tuân thủ cam kết của mình dựa trên thỏa thuận ngưng bắn tháng 8 năm 2008 do Tổng thống Saakhasvili và Tổng thống Medvedev ký kết, kể cả chấm dứt cuộc chiếm đóng và triệt thoái binh sĩ Nga ra khỏi Nam Ossetia và Abkhazia, để trở về lại các vị trí trước tranh chấp.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhiều lần nhắc lại vấn đề này trong chuyến công du Đông Âu và vùng Nam Caucase, và Gruzia là trạm dừng chân chót của bà.
Vùng Nam Ossetia và Abkhazia là nơi có đông đảo người Nga sinh sống, và đã từng kháng cự quyết định nhập vào Gruzia.
Chỉ có một vài nước đã theo chân Nga thừa nhận tính độc lập của hai khu vực vừa nêu.
Tổng thống Saakhasvili lưu ý về từ “chiếm đóng” mà Ngoại trưởng Clinton đã sử dụng, và cho rằng chữ đó đặc biệt có ý nghĩa. Ông nói:
“Hoa Kỳ là nước đầu tiên đề cập đến từ ‘chiếm đóng’, và giờ đây, nhiều nước khác cũng dùng từ đó. Tổng thống Obama là người đầu tiên dùng đúng từ để chỉ sự kiện, chủ yếu nói rằng đó là một cuộc xâm lăng. Bởi vì như quý vị còn nhớ, cụm từ được dùng trước đó là “sử dụng vũ lực quân sự không cân xứng”, như thể có chuyện sử dụng vũ lực cân xứng để chiếm đóng lãnh thổ của các quốc gia khác. ”
Vấn đề liên quan tới Gruzia là một điểm bất đồng chủ yếu giữa Hoa kỳ và Nga.
Đề tài này được nêu lên tại một cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev ở Washington mới đây.
Cả hai bên đều tuyên bố bất đồng quan điểm đó sẽ gây trở ngại đáng kể cho các quan hệ song phương.
Ông Alexander Rondeli, Giám đốc Hội nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Gruzia, hoan nghênh việc Ngoại trưởng Mỹ dùng từ “chiếm đóng”, tuy nhiên, quan hệ lành mạnh giữa Hoa Kỳ với Nga sẽ tốt cho tất cả mọi người. Ông Rondeli nói:
“Điều hết sức quan trọng là người Mỹ phải có quan hệ bình thường với Nga. Điều cũng hết sức quan trọng cho mọi người là có một nước Nga phú cường và tốt đẹp, theo nghĩa là một nước dân chủ, hành động phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định quốc tế.”
Ông Rondeli nói một thông điệp quan trọng của chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton là chuyến đi này chứng tỏ rằng Hoa kỳ đã không bỏ rơi Gruzia, và vẫn duy trì ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Nicolay Petrov một nhà khoa bảng tại Trung tâm Carnegie ở Moscow nói:
“Không có gì mới về lập trường của Hoa Kỳ và ông trông đợi một phản ứng tương đối bình tĩnh từ Nga, miễn là Hoa Kỳ không biến lời nói thành hành động.”
Sau chuyến công du Đông Âu Ngoại trưởng Clinton trở về Washington để dự một cuộc họp hôm thứ Ba tại Tòa Bạch Ốc với Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi chấm dứt cuộc chiếm đóng của Nga tại hai khu vực đòi ly khai của Gruzia. Từ Moscow, Thông tín viên Gabe Joselow tường trình rằng thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ đặt nghi vấn về liệu sự ủng hộ dành cho Gruzia có phương hại đến các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga hay không.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1