Đường dẫn truy cập

Cố Chủ tịch Trần Đại Quang trong con mắt quốc tế


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trái) và các binh sỹ đưa quan tài của cố Chủ tịch Trần Đại Quang ra khỏi nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội hôm 27/9.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trái) và các binh sỹ đưa quan tài của cố Chủ tịch Trần Đại Quang ra khỏi nhà tang lễ quốc gia ở Hà Nội hôm 27/9.

Các tờ báo lớn của Mỹ và quốc tế đưa tin về lễ tang của cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, trong đó mô tả rằng hàng trăm quan chức đã tới dự lễ tang ông ở Hà Nội và ca ngợi những cống hiến lâu dài của ông cho Đảng Cộng sản.

Báo Washington Post, Fox News và ABC News của Mỹ đăng bản tin của AP trích dẫn lãnh đạo Việt Nam nói rằng sự ra đi của Chủ tịch Quang “là một mất mát lớn cho Việt Nam” vì những đóng góp to lớn của ông cho đất nước.

Các chính trị gia Mỹ xem ông Quang như một nhà lý luận theo giáo điều cộng sản, ủng hộ chế độ độc đảng và chống chủ nghĩa chính trị đa nguyên và hệ thống đa đảng dân chủ tự do.
Carl Thayer, GS Úc chuyên về các vấn đề Việt Nam

Tại buổi lễ hôm 26/9 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Việt Nam đã tới chia buồn cùng tang quyến. Một số người rơi lệ khi linh cữu của ông Quang quấn trong lá cờ đỏ sao vàng được rước qua, AP tường thuật.

Ông Quang là người đã tiếp đón cả hai vị tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam, Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016, và Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một buổi họp báo ở Hà Nội hôm 23/5/2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một buổi họp báo ở Hà Nội hôm 23/5/2018.

Theo Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, các chính trị gia Mỹ xem ông Quang như một nhà lý luận theo giáo điều cộng sản, ủng hộ chế độ độc đảng và chống chủ nghĩa chính trị đa nguyên và hệ thống đa đảng dân chủ tự do.

Giáo sư Thayer đưa ra nhận xét đó trong phần trả lời câu hỏi về hình ảnh của ông Quang trong mắt các chính trị gia Mỹ: liệu ông là một người ủng hộ hay chống dân chủ? đăng trên bản tin Thayer Consultancy hôm 23/9.

Từ Úc, chuyên gia về Việt Nam này nhận xét: “Là một cựu bộ trưởng Công an, ông Quang được xem là một người có xu hướng muốn dùng toàn bộ sức mạnh của nhà nước để bảo đảm sự ổn định của thể chế độc đảng”.

“Hình ảnh này được xoa dịu bớt bằng sự cởi mở và gắn kết kinh tế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ,” ông Thayer nói và nhận định rằng các cuộc gặp gỡ giữa ông Quang với hai vị tổng thống Mỹ đã thành công vì đã thúc đẩy được quan hệ đối tác toàn diện song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật mà một số chuyên gia tiên đoán có thể sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước một khi nhất thể hóa trở thành hiện thực.

Nhưng theo GS Thayer, có thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có thể là người thay thế ông Quang trong chức vị chủ tịch nước.

Bản tin của AFP về lễ tang của cố chủ tịch nước Việt Nam được đăng lại trên tờ The Straight Times của Singapore, South China Morning Post của Hong Kong và New Indian Express nói sự ra đi của ông Quang sẽ không làm đảo lộn chính trường Việt Nam nơi Đảng Cộng sản tiếp tục nắm toàn bộ quyền lực.

Hãng tin Pháp nhận định ông Quang nổi tiếng là một lãnh đạo cứng rắn đối với những ý kiến bất đồng và bị chỉ trích vì chính sách đàn áp các nhà hoạt động và blogger kể từ khi ông lên nắm quyền chủ tịch nước vào năm 2016.

Ông Quang cũng là người ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng quy mô do TBT Trọng phát động trên cả nước trong đó hàng chục cán bộ và quan chức được đưa ra xét xử trong hai năm qua.

Theo truyền thông trong nước, ông Quang được an táng tại một khu đất rộng 2 hectare ở quê nhà Ninh Bình hôm 27/9, nơi mà vài năm trước đó là “cánh đồng lúa của người dân.” Nhiều người thắc mắc liệu chi phí lên tới 20 tỷ đồng để xây khu ‘lăng mộ’ của ông có được chi trả bằng tiền thuế của dân, hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG