Bạn tôi nói: “Bất công quá mày ạ. Chỗ tao làm, chỉ cần mang quốc tịch Mỹ hay châu Âu thì tự dưng lương tăng gấp 4-5 lần so với lương của dân Việt mình. Mà có phải bọn nó là dân Mỹ và Châu Âu gốc đâu, toàn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam rồi sang đó du học, tìm đường lấy quốc tịch rồi về Việt Nam làm việc.” Tôi cũng đồng tình. Trước đây tôi có làm việc tại một công ty quốc doanh chuyên về bất động sản. Lúc đó có anh kiến trúc sư tên Hải, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, du học ở Tây Ban Nha được vài năm rồi lấy vợ và nhập quốc tịch Tây Ban Nha. Sau đó về làm cho công ty quốc doanh, tự dưng lương được nâng lên chín ngàn đô Mỹ một tháng. Trong khi cùng vị trí như anh Hải, các kiến trúc sư Việt Nam chỉ hưởng mức lương 20 - 30 triệu đồng. Chắc hẳn nhiều người nghĩ là vì anh Hải kia tài năng và được đào tạo bài bản ở Tây Ban Nha nên mới có được mức lương cao như thế. Thật ra thì chỉ vì anh ta mang quốc tịch nước ngoài nên mới được tính mức lương như vậy mà thôi. Bởi vì trong số những anh kiến trúc sư 20 - 30 triệu đồng kia, có những ai rất tài năng, cũng được đào tạo ở Mỹ, Anh, Úc nhưng vì không có quốc tịch ngoại nên đành chấp nhận mức lương bèo bọt.
Hỏi ra mới biết, đa số các công ty ở Việt Nam, có truyền thống chuộng lao động nước ngoài. Tự “ban hành” chính sách ưu đãi cho những người mang quốc tịch nước ngoài và gọi họ là “chuyên gia”. Chính ở trong đất nước của mình mà công dân Việt Nam còn bị coi rẻ như vậy, thì khi ra nước ngoài, còn ai coi trọng họ? Bản thân tôi cũng từng rất xấu hổ khi cầm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài. Cảm giác mình bị coi thường vì là công dân của một quốc gia cộng sản dốt nát và lạc hậu. Có một nghịch lý là nếu bạn mang quốc tịch nước ngoài (kể cả những nước đang phát triển như Thái Lan, Singapore…) và đến Việt Nam làm việc, bạn sẽ được coi trọng, được trả lương cao. Tại sao chính chúng ta còn không xem trọng chúng ta? Chính phủ đang làm cái gì để công dân nước mình bị xem thường như vậy ngay trên đất nước của họ? Chẳng lẽ chính phủ Việt Nam bất tài vô dụng đến mức ấy?
Từ chuyện của Hằng
Bạn tôi kể, có lần sang Úc du lịch, gặp một cô bé quê ở Thanh Hóa tên là Hằng. Hằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương ở Hà Nội, sau đó xin visa sang Úc du lịch và trốn ở lại làm nail cho một tiệm của người bà con. Đến nay cũng đã gần 2 năm, Hằng sống bất hợp pháp tại Úc, luôn mong muốn tìm cách kết hôn với công dân Úc để được ở lại hợp pháp. Hằng cho biết cô luôn cảm thấy lo lắng vì sợ một ngày nào đó sẽ bị phát hiện và trục xuất về nước. Nhớ nhà, nhớ quê hương, nhưng cô cho biết sẽ vẫn ở lại Úc cho đến khi được chính thức lưu trú tại quốc gia này. Cô cho rằng ở Việt Nam sẽ chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền như làm nail ở Úc.
Nghe qua câu chuyện của Hằng, tự dưng thấy khó chịu hơn. Một công dân Việt Nam, tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, sẵn sàng bỏ quê hương, bỏ gia đình, sang Úc sống cuộc sống của một người làm nail, sống chui sống nhủi. Hằng không phải là cá biệt hay thiểu số, Hằng là một đại diện cho hàng ngàn người Việt đang mong muốc trở thành công dân của Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều đó xuất phát từ việc mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, sung túc hơn ở một quốc gia khác so với ở một quốc gia cộng sản Việt Nam bất công.
Đến chuyện 50 khách du lịch Việt trốn ở lại Hàn Quốc
Dù đã quen với tình trạng người Việt đi xuất khẩu lao động chui tại các nước có nền kinh tế phát triển, tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết gần 50 khách du lịch Việt đã trốn đoàn để ở lại đảo Jeju (Hàn Quốc). Tôi bất ngờ vì số người bỏ trốn lớn quá, chứng tỏ ngày càng nhiều người liều lĩnh hơn, sẵn sàng vi phạm pháp luật để đạt được mục đích của mình. Vậy nguyên nhân vì đâu mà dân ta lại đua nhau tìm đến một xứ sở mới, không gia đình, thậm chí không có người thân thiết? Câu trả lời thật đơn giản: mưu sinh là nhu cầu tất yếu của con người. Ai trong chúng ta cũng mong muốn có một công việc tốt hơn, một mức lương cao hơn, một cuộc sống tốt hơn hay một ước mơ đổi đời nào đấy. Thế nên, khi có cơ hội, người ta sẽ sẵn lòng bất chấp tất cả để tìm tới miền đất hứa.
Sau những cuộc chạy trốn bị phát giác, người ta lại kêu gọi siết chặt chế tài, tăng nặng các hình thức xử phạt. Nhưng một cuộc sống chui nhủi nơi xứ người với tâm trạng lấm la lấm lét thường trực khi đối mặt với nhân viên công quyền nước sở tại đã là hình phạt khắc nghiệt nhất. Tôi tin, không ai muốn có một cuộc sống như vậy trừ khi họ bị bắt buộc phải đánh đổi vì những nhu cầu bức thiết hơn.
Chính phủ hãy tự biết xấu hổ
Tôi tự hỏi, quan chức chính phủ Việt Nam có cảm thấy xấu hổ không khi chính công dân nước mình bỏ trốn khỏi đất nước? Hay họ bận lo cho túi tiền riêng của họ mà chẳng còn thời gian để mà xấu hổ? Một đất nước với hơn 90 triệu dân, đang ở thời kỳ dân số vàng, vị trí địa lý chiến lược ở vùng Đông Dương và Châu Á, tài nguyên thiên nhiên giàu có, và quan trọng là công dân thích bỏ trốn khỏi đất nước. Sao lại nghịch lý như vậy? Chính phủ Việt Nam có biết tự đặt câu hỏi như vậy không? Lẽ ra với những thuận lợi như vậy, Việt Nam phải là điểm đến ao ước của công dân các nước, chứ không phải là nơi mà công dân Việt Nam muốn rời bỏ ra đi. Các nan đề: du học sinh Việt không trở về nước, du khách Việt Nam trốn ở lại Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng nước ngoài, lao động Việt Nam muốn ở lại Nhật Bản… Sao các nan đề này không được giải quyết triệt để? Đừng đổ lỗi cho chính những công dân muốn rời bỏ đất nước mà hãy tự suy ngẫm lại, chính phủ đã làm gì để họ phải ra đi?
Lần sau, khi phải ra nước ngoài, cầm theo hộ chiếu Việt Nam, bạn đừng mặc cảm, đừng xấu hổ, bởi bạn đâu được quyền tự do lựa chọn quốc tịch của mình. Kẻ phải xấu hổ thay cho bạn, đó là chính phủ Việt Nam.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.