Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở New York vừa ra thông báo một nhà báo Pháp đang làm việc tại Bắc Kinh có thể bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc vào tháng Giêng vì visa nhà báo của cô không được cấp đổi.
Ursula Gauthier, phóng viên của tạp chí tin tức Pháp L'Obs, nói với CPJ qua email sáng 24/12 rằng bà đã không nhận được thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc về tình trạng cư trú của mình. Thẻ nhà báo thường được cấp đổi hàng năm, vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12, cho các nhà báo nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.
CPJ trích các nguồn tin cho biết việc trì hoãn cấp lại thẻ nhà báo cho bà Gauthier xuất phát từ một bài viết trong đó bà Gauthier nói về mưu toan của chính quyền Trung Quốc nhằm tạo ra mối tương quan giữa các cuộc tấn công khủng bố hồi tháng 11 tại Paris với tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong khu vực người Hồi giáo Uighur ở Tân Cương.
Ông Bob Dietz, điều phối viên của CPJ về châu Á, nói: “Điều kiện làm việc cho các nhà báo quốc tế làm việc tại Trung Quốc đã suy giảm đều đặn trong những năm gần đây. Sự ngược đãi nhắm vào bà Ursula Gauthier cho thấy rõ chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố áp đặt những hạn chế lên truyền thông nước ngoài, tương tự như hạn chế mà họ sử dụng để bóp nghẹt truyền thông trong nước”. Ông Dietz nói: “Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh cấp đổi visa cho bà Gauthier và cho phép tất cả các nhà báo làm việc một cách tự do và an toàn ở Trung Quốc”.
CPJ trích thông báo hôm 29/11 của Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc cho biết bà Gauthier đã từng là chủ đề của hai bài xã luận đầy khích động của tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc. Thông báo nói “hàng ngàn cuộc tấn công cá nhân và hung hăng lên nhà báo (bao gồm cả đe dọa giết chết) đã được đăng trong phần ‘ý kiến’ trên trang web của tờ báo”.
Bà Gauthier nói với CPJ rằng không nên xem sự việc này là chuyện của riêng cá nhân bà, nhưng là một “biện pháp mạnh tay của chính quyền để đe dọa tất cả các nhà báo nước ngoài đang làm việc tại Trung Quốc”.
CPJ cho biết nếu không được cấp đổi visa nhà báo, bà Gauthier có thể khiếu nại từ nước ngoài.
Trước đó, một nhà báo của đài Al-Jazeera tiếng Anh, bà Melissa Chan, cũng đã bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc vào tháng 5/2012. Năm 2015, Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc cho biết 10 nhà báo nói năm 2014 họ đã bị đe dọa bị thu hồi hoặc không gia hạn thị thực vì các bài viết, mặc dù visa của họ đã được cấp ngay trước ngày hết hạn.
Theo CPJ, The New York Times