Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh, do Đài Loan đầu tư, đã bị cáo buộc xả chất thải độc hại gây ô nhiễm đại dương vào tháng 4, khiến 80 tấn cá chết trắng trên bờ biển. Vụ việc này được xem là một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất của Việt Nam. Nhưng những nhà quan sát và những nhà hoạt động tại Việt Nam nói rằng mức tiền phạt kỷ lục đối với Formosa không những không đền bù đủ cho tất cả những người bị thiệt hại mà cũng không phát đi một cảnh báo đủ nghiêm khắc đối với những công ty sản xuất hàng xuất khẩu khác.
Vào tháng Sáu, chính phủ Việt Nam phạt nhà máy Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng ở tỉnh Hà Tĩnh 500 triệu đôla. Đây được coi là khoản tiền lớn nhất từ trước tới giờ nhắm vào một công ty hoạt động ở Việt Nam vì vụ cá chết hàng loạt dọc theo 200 kilômét bờ biển miền Trung. Nhà máy sản xuất thép này cũng đã tạ lỗi và đồng ý xử lý hệ thống nước thải.
Nhưng những người hiểu rõ vấn đề nói rằng khoản tiền đó không đủ đền bù những tổn hại vẫn tiếp diễn đối với các ngư dân, khu du lịch và những người dân địa phương có thể đã mắc những bệnh về da vì tiếp xúc với nước bị ô nhiễm. Họ cũng hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ kiểm tra nước biển để bảo đảm mức độ an toàn.
Việc chính phủ Việt Nam đi xa tới đâu trong vụ cá chết sẽ gửi đi một tín hiệu đến hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đã thành lập những nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam, nơi có chi phí sản xuất thấp, và nhờ đó đã giúp nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 30 phần trăm trong 5 năm qua để đạt mức GDP 193 tỉ đôla trong năm 2015.
Luật sư Lê Công Định từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ:
"Chúng tôi muốn dùng trường hợp của Formosa để cảnh báo mọi doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi không muốn họ vì lợi nhuận mà bất chấp việc bảo vệ môi trường cũng như sinh mạng của người dân. Vì thế, chúng tôi muốn họ tuân thủ luật pháp và đáp ứng điều kiện về môi trường."
Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói với truyền thông trong nước rằng khoản tiền đó chỉ đủ trang trải những thiệt hại vật chất trực tiếp, chưa kể tới những thiệt hại tâm lý đối với ngư dân bị mất thu nhập. Ông gọi khoản tiền này là "quá nhỏ."
Chia sẻ tâm trạng đó, người Việt Nam sinh sống tại Đài Loan tuần trước đã lên tiếng đòi chủ đầu tư nhà máy thép này, Tập đoàn Nhựa Formosa, rời khỏi Việt Nam.
Ông Trần Bang, người nghiên cứu vụ việc vào tháng 4, nói: "Khi xuất hiện thông tin về vụ cá chết hàng loạt ở miền trung, vì tôi là kỹ sư, nên tôi biết vấn đề đó xuất phát từ hệ thống xả thải của Formosa ra biển. Nếu không có công nghệ tốt để kiểm soát chất thải thì rất nguy hiểm cho môi trường."
Còn theo lời nhà báo độc lập Trương Minh Đức, thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, chính quyền Việt Nam cần phải hành động nhiều hơn vì khoảng năm triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết hàng loạt và một số người vẫn chưa hồi phục được.
Ông Đức và những nhà hoạt động khác nói rằng ngư dân đánh bắt ở vùng biển gần nhà máy thép đang thu được chỉ bằng một phần năm số lượng mà họ có thể có vào thời điểm này một năm trước, và những nhà sản xuất nước mắm đang bị nghi sử dụng cá chết bất hợp pháp.
Những cơ quan môi trường cần kiểm tra chất lượng nước của đại dương đã bị ô nhiễm, theo lời ông Trần Bang, một kỹ sư và nhà hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết một báo cáo độc lập cho thấy hàm lượng sáu loại hóa chất cao quá mức.
Tuy nhiên, Đà Nẵng hồi tháng Tư nói với truyền thông địa phương rằng biển của họ an toàn và có thể tắm được.
Một số người ngờ rằng chính phủ đã nương tay với Formosa để bảo vệ khoản đầu tư 10,5 tỷ đôla của công ty này.
Doanh số hải sản đã giảm trên khắp cả nước, nhưng ông Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng rất nhiều người đã ngưng nói về chuyện ô nhiễm biển vì “đã tìm ra thủ phạm là một công ty nước ngoài”.