Đường dẫn truy cập

Con rối của người khổng lồ


Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Vassal state, hay trong tiếng việt có nghĩa gần là thuộc quốc, là quốc gia có đường lối ngoại giao phụ thuộc vào một nước khác, mặc dù có thể có độc lập tương đối về điều hành chính sách trong nước.

Campuchia có phải là vassal state?

Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN hồi tháng 7 năm nay đã không đưa ra được tuyên bố chung. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung trong lịch sử 45 năm tồn tại của hiệp hội. Theo đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam thì kết quả này của hội nghị đã tạo ra sứt mẻ nghiêm trọng về uy tín của ASEAN.

Lý do của việc không thông qua được tuyên bố chung, theo Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, là việc Việt Nam và Philippines muốn văn kiện này đề cập tới tranh cãi gần đây giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough nhưng nước chủ nhà Campuchia (là chủ tịch của ASEAN năm 2012) không đồng ý vì cho rằng đây là xung đột song phương giữa một số nước thành viên ASEAN và một nước láng giềng (ám chỉ Trung Quốc). Theo ngoại trưởng Campuchia, ông Hor Namhong, thì “cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN không phải là một phiên tòa, không phải là nơi đưa ra phán quyết về tranh chấp”.

Lý do mà Campuchia chặn không cho đưa các nội dung về Biển Đông vào tuyên bố chung, theo New York Times dẫn lời một quan chức ngoại giao ASEAN giấu tên, là “Trung Quốc đã mua nước chủ tịch, đơn giản là vậy”. Còn theo cách viết của Mark MacDonald trên Rendezvous, một phụ trương của International Herald Tribune, thì “Campuchia và thủ tướng độc tài của nước này, Hun Sen, giờ đã nằm chắc chắn trong quỹ đạo chính trị của Bắc Kinh, có thể vì phần thưởng tới hơn nửa tỷ USD dưới dạng các khoản vay, tài trợ, và quà tặng của Trung Quốc trong 3 tháng qua. Trong các cuộc gặp gỡ gần đây của ASEAN, Campuchia đã hành xử giống như con rối của Trung Quốc”.

Thực hư chuyện Campuchia bị Trung Quốc mua hay không là chuyện chỉ có lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc biết. Tuy nhiên, ngày 12 tháng 7 Tân Hoa xã đã đăng tải thông tin Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp thủ tướng Campuchia Hun Sen. Bài báo này viết rằng “phía Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ chắc chắn và lâu dài của Campuchia đối với Trung Quốc trên các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Không biết có phải là một cách mỉa mai ASEAN hay không, nhưng bài báo này còn viết “Dương Khiết Trì thể hiện sự đánh giá cao đối với các nỗ lực của Campuchia với tư cách là Nước Chủ Tịch của ASEAN vì sự thành công của các cuộc gặp này [của ASEAN]” trong khi rõ ràng cuộc họp tháng 7 của các ngoại trưởng ASEAN vừa thất bại vì không ra được tuyên bố chung.

Câu chuyện Campuchia đi đêm với Trung Quốc để ngáng chân các nước ASEAN khác đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong số các nước có liên quan, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Thế nhưng chuyện thọc gậy bánh xe này chưa dừng lại ở đó.

Vào trung tuần tháng 11 vừa rồi, trong khuôn khổ phiên họp hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN, Campuchia một lần nữa lại trở nên nổi tiếng. New York Times đưa tin rằng trong một phiên họp kín giữa thủ tướng Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN, thủ tướng Campuchia, Hun Sen, đã đọc một bản tuyên bố rằng các nước ASEAN đã đồng thuận rằng vấn đề Biển Đông sẽ không được “quốc tế hóa”.

Người phát ngôn của đoàn Trung Quốc, Qin Gang, sau cuộc họp này đã phát biểu “Tôi phải nói rằng các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận – đã đạt được một tiếng nói chung – và điều này đã được thủ tướng Hun Sen bày tỏ thay mặt cho ASEAN”.

Thế nhưng hóa ra cái gọi là đồng thuận này chỉ là do sự tưởng tượng ra của ông Hun Sen. Tổng thống Philippines ngay sau đó đã phản đối cái gọi là đồng thuận mà ông Hun Sen mô tả và viết thư cho ông Hun Sen phàn nàn rằng ông này đã bóp méo câu chuyện. Bộ ngoại giao Singapore thì cho rằng bản tuyên bố của nước chủ tịch đã “trích nhầm” (“misquoted”) ý của các lãnh đạo của ASEAN. Nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, cũng phản đối tuyên bố này.

Sự nóng vội trong việc tâng công của ông Hun Sen rốt cuộc đã biến ông thành trò hề. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện này cũng biến ASEAN thành một trò hề dưới con mắt của nhiều người. Mark MacDonald viết trên Rendezvous rằng “tại cuộc họp thượng đỉnh lần này, họ thậm chí còn không thỏa thuận được với nhau để lập ra đường giây nóng. Thậm chí ngay cả các kẻ thù không đội trời chung như Nam và Bắc Hàn Quốc còn có đường dây nóng – thực ra là 3 đường dây nóng”. Ông kết luận “không quyết đoán và choảng nhau trong nội bộ - đó là cách của ASEAN”.

Bi kịch này của ASEAN do Campuchia gây ra đã có sức “dội” toàn cầu. Giới truyền thông, sau nhiều lần bị Thủ tướng Hun Sen của Campuchia mắng mỏ là lười nhác và ngu dốt, tỏ ra đặc biệt đồng thuận trong kết luận rằng chính quyền nước này đã trở thành con rối của Bắc Kinh. Có vẻ như Campuchia đang hành xử như là một vassal state của Trung Quốc. (còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG